✴️ Những nguyên nhân gây ra đau hông ở phụ nữ

Nội dung

Hội chứng cơ thắt lưng chậu - cơ Psoas

Hội chứng cơ Psoas là tình trạng tổn thương của thắt lưng chậu, nhóm cơ phụ trách việc vận động hông và đùi.

Hội chứng cơ Psoas thường gặp ở vận động viên điền kinh, điển hình là ở bộ môn chạy, nhảy cao hoặc ở những vũ công, những đối tượng sử dụng phần hông của cơ thể nhiều.

Theo 1 bài viết được đăng vào năm 2020 thì những vận động viên điền kinh nữ có nguy cơ cao hơn mắc hội chứng này so với vận động viên nam. Những người bị thoái hóa khớp háng hoặc viêm khớp dạng thấp cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các cơn đau thường xảy ra ở vùng mông, chậu và bẹn. Vài người miêu tả rằng họ thấy khớp háng của mình bị trượt hoặc vướng khi họ gập gối vuông góc. Một vài người thì cảm thấy đau khi thay đổi từ tư thế ngồi sang đứng và rất khó khăn để đứng thẳng.

Điều trị

Phương pháp điều trị quan trọng nhất chính là vật lí trị liệu. Với mục đích tăng cường độ bền và khả năng co giãn của cột sống và khớp háng. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau không cần kê toa. Bác sĩ thỉnh thoảng sẽ sử dụng corticoid để điều trị.

Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp là 1 dạng của viêm khớp gây ra do tình trạng thoái hóa của các khớp, chính vì vậy mà thường diễn ra ở những người trên 50 tuổi.

Theo Hiệp hội Chỉnh hình Hoa Kì, theo thời gian thì sụn ở khớp háng sẽ trở nên mỏng dần. Và kết quả cuối cùng là lớp đệm ở giữa các xương ít dần.

Dần dần tới khi các xương cọ sát với nhau sẽ gây ra tình trạng đau, càng ngày sẽ càng nặng nề hơn. Cơn đau có thể xuất hiện ở đùi, bẹn hoặc hông và có thể lan ra các vùng xung quanh. Các cơn đau này xuất hiện rồi mất đi nhưng sẽ nặng nề hơn theo thời gian và các hoạt động. Hông có thể phát ra tiếng “lách cách” và kém linh hoạt hơn.

Điều trị

Không có điều trị đặc hiệu cho thoái hóa khớp, nhưng vật lí trị liệu, thuốc giảm đau và tiêm steroid có thể có hiệu quả. Bạn có thể thay đổi lối sống, cách sinh hoạt để giúp duy trì cân nặng tối ưu, chẳng hạn như sử dụng thức ăn lành mạnh và hoạt động thể dục thường xuyên. Khi cơn đau trở nên nặng hơn và không đáp ứng với các biện pháp điều trị, có thể cần phải phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật thay khớp háng.

Rối loạn chức năng sàn chậu

Rối loạn chức năng sàn chậu có thể diễn ra khi các cơ vùng chậu, đặc biệt những cơ hỗ trợ cho bàng quang và các cơ quan sinh dục, trở nên yếu đi. Khi xảy ra tình trạng này thường có những triệu chứng sau:

  • Khó đi tiểu;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đau lưng;
  • Tiểu khó kiểm soát;
  • Thay đổi trong quan hệ tình dục như khó đạt được cực khoái.

Các nguyên nhân có thể do sanh nhiều lần, phẫu thuật và lão hóa.

Điều trị

Vật lí trị liệu vùng chậu có thể có hiệu quả ở nhiều trường hợp, 1 số khác thì dùng thuốc cũng mang lại hiệu quả. Bạn cũng có thể sử dụng vòng Pesary, một thiết bị dùng để hỗ trợ cho cơ sàn chậu. Trong 1 vài trường hợp thì phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất.

đau hông ở phụ nữ

Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là một túi nhỏ hiện diện ở các nơi trong cơ thể đóng vai trò như là miếng đệm giữa xương và các mô mềm, trong đó đương nhiên có khớp háng. Khi bao hoạt dịch bị viêm có thể gây ra tình trạng đau khớp. Theo Hiệp hội Chỉnh hình Hoa Kì, các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm bao hoạt dịch bao gồm:

  • Chấn thương lặp đi lặp lại;
  • Chấn thương hông;
  • Bệnh lý cột sống, chẳng hạn như chứng vẹo cột sống;
  • Chân có chiều dài khác nhau;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Gai xương;
  • Phẫu thuật trước đó trên hoặc xung quanh vùng hông.

Nếu cơn đau buốt và dữ dội nhưng kéo dài âm ỉ qua nhiều ngày hoặc vài tuần thì có thể đó là tình trạng viêm bao hoạt dịch. Bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch cũng có thể thấy đau ở vị trí hông, đau nhiều hơn về đêm và lan xuống tới đùi.

Điều trị

Có nhiều lựa chọn điều trị bao gồm thuốc giảm đau, tiêm steroid và vật lí trị liệu. Nếu bao hoạt dịch viêm kéo dài sau khi đã sử dụng các phương pháp điều trị nội khoa, có thể bạn cần phải phẫu thuật để lấy bỏ bao này đi.

Đau hông phải trong thai kì

Đau hông lưng khá phổ biến trong thai kì. Trong 1 nghiên cứu năm 2018 quan sát các vấn đề cơ xương khớp trong thai kì, có tới 32,1% của các thai phụ tham gia nghiên cứu mô tả về tình trạng đau hông lưng.

Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoàng Gia Anh, tình trạng này là do các khớp ở vùng chậu trở nên yếu hơn cùng với sự phát triển của tử cung theo tuổi thai. Các sản phụ có thể cảm thấy đau nhói, đau kiểu như dao đâm ở vùng chậu, bẹn, âm đạo, trực tràng hoặc hông. Một số triệu chứng khác của đau vùng chậu gồm:

  • Đau buốt;
  • Mệt mỏi;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đau cả trong hoạt động hằng ngày.

Cơn đau có xu hướng nặng hơn khi thay đổi tư thế, lên cầu thang hoặc ngồi dậy. Đau vùng chậu không phải là bệnh lý hay là dấu hiệu của tình trạng bất thường nào trong thai kì, cũng không phải là nguyên nhân khiến sản phụ phải thay đổi kế hoạch sanh của mình.

Điều trị

Các cơn đau thường sẽ mất đi sau khi sanh. Trong thai kì thì thay đổi tư thế từ từ, sử dụng thiết bị hỗ trợ vùng chậu, vật lí trị liệu và thuốc giảm đau có thể giúp bạn. Sản phụ cũng có thể sử dụng đai lưng cho bầu hoặc thiết bị giúp ổn định vùng chậu để làm giảm cơn đau.

Các biện pháp điều trị tại nhà cho đau hông lưng

Vài biện pháp tại nhà có thể giúp bạn giảm đau hông, gồm những bài tập sau:

  • Thay đổi tư thế ngủ;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Tránh đứng hoặc ngồi lâu 1 tư thế;
  • Các bài tập căng cơ vùng hông và chân mỗi ngày;
  • Tắm nước ấm hoặc chườm nóng hay chườm đá;
  • Sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn Acetaminophen.

Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoàng Gia Anh, sản phụ có thể giảm đau khi đặt 1 hoặc 2 gối giữa 2 chân khi ngủ. Bạn cũng có thể sử dụng gối gác chân hoặc miếng đệm hỗ trợ.

Khi nào bạn cần khám bác sĩ

Phụ nữ mang thai nếu cảm thấy đau hông lưng bạn nên thông báo cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh vào lần khám thai sớm nhất. Với mọi người khi thấy đau hông, bạn nên khám bác sĩ ngay khi bạn thấy:

  • Đau không giảm;
  • Đau tăng dần;
  • Sử dụng các biện pháp điều trị do bác sĩ hướng dẫn cũng không giảm đau hoặc có các tác dụng phụ;
  • Đau không thể chịu được.

Tổng kết

Đau hông có thể khó chịu tới mức khiến bạn cảm giác không thể làm gì suốt ngày. Dù bạn đã được điều trị bằng 1 phương pháp nào đó không hiệu quả thì vẫn có rất nhiều biện pháp khác có thể giúp bạn.Vì vậy không cần phải cố gắng chịu đựng cảm giác này. Nếu có thể thì tốt nhất bạn nên được bác sĩ khám kiểm tra và lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp cho bạn.

Xem thêm: Viêm bao hoạt dịch ụ ngồi: Kiểm soát và phòng ngừa

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top