✴️ Sốc nhiễm trùng ở phụ nữ độ tuổi sinh sản

Nội dung

Sốc nhiễm trùng là tình trạng có khả năng gây tử vong, nguyên nhân do tụ cầu khuẩn hoặc liên cầu khuẩn. Sốc nhiễm trùng lần đầu tiên được ghi nhận như là mối nguy đối với sức khoẻ của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vào năm 1980. Tại thời điểm này, một số phụ nữ khoẻ mạnh ở nhiều nơi khác nhau tử vong sau khi mắc bệnh không rõ nguyên nhân, với các triệu chứng kèm theo như sốt, sốc và suy đa cơ quan. Mặc dù nhiều ca được ghi nhận từ những năm 1920, tuy nhiên đến năm 1980 thì sốc nhiễm trùng mới được chú ý đến.

Tình trạng này có thể xảy ra với bất kì ai, tuy nhiên nữ giới trong độ tuổi từ 15 đến 25 sử dụng băng vệ sinh (tampon) trong kỳ kinh nguyệt có nguy cơ cao bị sốc nhiễm trùng.

Sốc nhiễm trùng hiếm khi xảy ra. Những nghiên cứu nhỏ cho thấy ở nhóm đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại Mỹ, mỗi năm cứ 100,000 người thì có khoảng 3 người bị sốc nhiễm trùng.

1. Dấu hiệu và triệu chứng

Hai loại sốc nhiễm trùng là:

  • Sốc nhiễm trùng tụ cầu, do vi khuẩn Staphylococcus aureus (S. aureus) gây ra
  • Sốc nhiễm trùng liên cầu (STSS), do Streptococcus nhóm A, hoặc liên cầu khuẩn gây ra

Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc nhiễm trùng phát triển đột ngột và tiến triển nhanh chóng. Dấu hiệu đầu tiên thường là sốt cao đột ngột. Những triệu chứng sau đây thường xuất hiện trong vòng vài giờ:

  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Phát ban da giống như cháy nắng, đặc biệt ở lòng bàn tay và lòng bàn chân
  • Đỏ mắt, miệng và cổ họng
  • Ngất xỉu
  • Choáng
  • Đau cơ
  • Chóng mặt
  • Lú lẫn
  • Hạ huyết áp hoặc huyết áp thấp
  • Co giật
  • Nhức đầu

Tình trạng này có thể tiến triển thành suy thận, sốc và tử vong trong vòng 48 giờ.

Bất kỳ ai đang sử dụng tampon hoặc bị vết thương hoặc nhiễm trùng da và gặp các dấu hiệu và triệu chứng được mô tả ở trên, hoặc nếu bạn bị nhiễm trùng da hoặc vết thương, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Bất kỳ tampon nào cũng nên được loại bỏ ngay lập tức.

2. Nguyên nhân gây sốc nhiễm trùng

Sử dụng băng vệ sinh là một trong những yếu tố liên quan đến sốc nhiễm trùng, đặc biệt là tampon loại siêu thấm. Tổn thương mô mềm cũng có thể dẫn tới sốc nhiễm trùng bao gồm: biến chứng sau sinh con, chấn thương hoặc bỏng, nhiễm trùng cục bộ như nhọt hoặc sử dụng miếng xốp tránh thai.

Sử dụng tampon có liên quan đến 55% trường hợp sốc nhiễm trùng nhưng 15% khác có liên quan đến sinh con và nhiễm trùng vết thương.  Tại bang Michigan (Mỹ), từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016, có 5 trường hợp sốc nhiễm trùng liên quan đến kinh nguyệt, 4 người trong số đó đang sử dụng tampon siêu thấm hút.

Vi khuẩn gây ra sốc nhiễm trùng không phải là hiếm. Từ 20% đến 30% người mang S. aureus trên da và mũi, thường không có biểu hiện. Hầu hết chúng ta đều có kháng thể để bảo vệ, tuy nhiên một số người có thể không có các kháng thể cần thiết.

Việc sử dụng tampon được xem là có khả năng gây ra sốc nhiễm trùng. Tampon loại siêu thấm được đặt bên trong âm đạo phụ nữ với thời gian càng lâu là yếu tố thuận lợi cho sự tăng sinh vi khuẩn, đây được coi là một khả năng có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng. Một nguyên nhân khác là các sợi từ tampon làm xước âm đạo, khiến vi khuẩn có thể xâm nhập và xâm nhập vào máu. Cách sử dụng hoặc chất liệu tampon kết hợp với vi khuẩn tụ cầu có sẵn trong âm đạo có thể gây ra bệnh. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào giúp chứng minh điều này.

Sốc nhiễm trùng liên cầu có thể phát triển sau chấn thương nhỏ, hoặc phẫu thuật, hoặc do nhiễm virus hoặc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS).

Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, nhiễm trùng cục bộ, âm đạo, cổ họng hoặc vết bỏng. Vi khuẩn tạo ra chất độc xâm nhập vào máu và lây lan đến tất cả các cơ quan. Chúng cản trở quá trình điều hòa huyết áp, dẫn đến hạ huyết áp. Hạ huyết áp có thể gây sốc, bao gồm các triệu chứng chóng mặt và lú lẫn. Các chất độc cũng tấn công các mô, bao gồm các cơ quan và các cơ. Suy thận là một biến chứng thường gặp.

sốc nhiễm trùng không chỉ xảy ra ở nữ giới trong kỳ kinh mà có thể ở phụ nữ lớn tuổi, nam giới và trẻ em. Những phụ nữ đang sử dụng màng ngăn hoặc miếng xốp tránh thai có nguy cơ bị sốc nhiễm trùng cao hơn một chút. Bất kỳ ai bị nhiễm tụ cầu hoặc liên cầu đều có khả năng tiến triển thành sốc nhiễm trùng nhưng điều này hiếm khi xảy ra.

3. Chẩn đoán

Sốc nhiễm trùng hiếm khi xảy ra, tuy nhiên việc quan trọng là phải nhận biết được các triệu chứng chỉ điểm của sốc nhiễm trùng vì nó tiến triển rất nhanh. Bác sĩ cần nhận diện những triệu chứng phổ biến nhất và đánh giá dấu hiệu suy cơ quan. Các xét nghiệm máu và nước tiểu giúp đánh giá chức năng và tình trạng suy cơ quan. Các dấu hiệu có thể được quan tâm:

  • Nhiệt độ cơ thể trên 39 đến 40.5 độ C
  • Tụt huyết áp nghiêm trọng
  • Phát ban
  • Bằng chứng của ít nhất 3 cơ quan đã bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng

Các mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy để kiểm tra từ bất kỳ vùng nào bị nhiễm trùng, chẳng hạn như mũi, họng, âm đạo hoặc máu. Xét nghiệm hình ảnh học như CT hoặc MRI có thể giúp đánh giá mức độ tổn thương mô.

Sốc nhiễm trùng là tình trạng phải được bảo cáo. Những ca sốc nhiễm trùng Staphylococcal cần phải được báo cáo cho đơn vị y tế trong vòng 3 ngày kể từ ngày đầu tiên được chẩn đoán hay nghi ngờ. Bất kỳ sự bùng phát sốc nhiễm trùng Streptococcal phải được báo cáo ngay lập tức đối với những cơ quan có liên quan.

4. Điều trị

Việc điều trị nhắm tới loại bỏ nhiễm trùng cũng như phục hồi các chức năng cơ quan bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng. Bệnh nhân sẽ được nhập viện và có thể được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để điều trị. Việc điều trị có thể bao gồm:

  • Thở oxy để hỗ trợ hô hấp.
  • Truyền dịch: có thể giúp ngăn ngừa mất nước và đưa huyết áp trở lại bình thường.
  • Thận: lọc máu có thể điều trị suy thận bằng cách lọc chất độc và chất thải ra khỏi máu.
  • Tổn thương da, ngón tay hoặc ngón chân: điều trị có thể bao gồm dẫn lưu và làm sạch vết thương tại những vị trí này và trong trường hợp xấu có thể phải đoạn chi.
  • Thuốc kháng sinh: có thể được truyền qua đường tĩnh mạch.
  • Immunoglobulin: Các mẫu máu người hiến tặng có hàm lượng kháng thể cao có thể được sử dụng để chống lại độc tố, đôi khi kết hợp với thuốc kháng sinh.

Bệnh nhân thường đáp ứng với điều trị trong vòng vài ngày nhưng họ có thể phải nằm viện vài tuần.

5. Phòng ngừa

Nguy cơ phát triển thành sốc nhiễm trùng rất thấp nhưng có mối liên quan đáng kể đối với việc sử dụng tampon và khả năng thấm hút với nguy cơ sốc nhiễm trùng.

Khi sử dụng tampon, phụ nữ nên:

  • Rửa tay thật sạch trước khi đưa tampon vào
  • Sử dụng loại có độ thấm hút thấp nhất cho chu kỳ kinh nguyệt
  • Thay thường xuyên theo hướng dẫn trên bao bì
  • Tránh sử dụng nhiều loại băng vệ sinh cùng lúc
  • Dùng tampon mới khi đi ngủ và thay ngay vào buổi sáng
  • Tháo băng vệ sinh ngay khi kinh nguyệt kết thúc
  • Đôi khi thay thế tampon bằng băng vệ sinh miếng trong kỳ kinh nguyệt
  • Sử dụng băng vệ sinh miếng loại mỏng đối với lượng máu kinh ít.

Phụ nữ sử dụng màng ngăn, nắp hoặc xốp tránh thai nên làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất một cách cẩn thận về thời gian đặt chúng bên trong âm đạo. Việc sử dụng cốc nguyệt san cũng có liên quan đến sốc nhiễm trùng.

Đối với sốc nhiễm trùng tụ cầu tỷ lệ tử vong là ít hơn 3% nhưng tỉ lệ tái phát lại cao vì sốc nhiễm trùng không tạo ra khả năng tự miễn dịch cho người bệnh. Trong khi đó, sốc nhiễm trùng liên cầu có tỷ lệ tử vong là từ 20% đến 60% ngay cả khi được điều trị tích cực.

Hầu hết các bệnh nhân hồi phục hoàn toàn nhưng vì sốc nhiễm trùng là rất hiếm nên có rất ít thông tin về ảnh hưởng lâu dài của nó, đã có báo cáo về tình trạng yếu cơ dai dẳng và ảnh hưởng tâm lý như khó tập trung, mất trí nhớ và thay đổi cảm xúc.

Những phụ nữ đã bị sốc nhiễm trùng nên cân nhắc lựa chọn phương pháp tránh thai thay thế và tránh sử dụng tampon.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top