✴️ Ung thư âm đạo

Nội dung

Nguyên nhân nào gây ung thư âm đạo

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của ung thư âm đạo. Thông thường thì ung thư phát triển khi mà các tế bào không chết theo lập trình tự nhiên, thay vào đó chúng tiếp tục phát triển và nhân lên, xâm lấn và lấy năng lượng từ những vùng xung quanh nó.

Một số yếu tố nguy cơ của ung thư âm đạo bao gồm:

  • Tuổi: phụ nữ trên 60 tuổi là nguy cơ cao nhất của ung thư âm đạo;
  • Nhiễm vi rút HPV: làm tăng nguy cơ ung thư âm đạo;
  • Cắt tử cung: phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung có nguy cơ ung thư âm đạo tăng nhẹ;
  • Có xạ trị vùng chậu trước đó: làm tăng nguy cơ ung thư âm đạo;
  • Sử dụng vòng nâng âm đạo: để điều trị tình trạng sa sinh dục có liên quan tới tăng nguy cơ ung thư âm đạo;
  • Tân sinh trong biểu mô âm đạo: còn được gọi là tế bào tiền ung thư, những tế bào này khác với tế bào bình thường nhưng không đạt tới tiêu chuẩn để gọi là tế bào ung thư. Tuy nhiên thỉnh thoảng những tế bào này có thể phát triển thành ung thư.

HPV có liên quan tới nhiều dạng tổn thương ưng thư, trong đó có ung thư âm đạo và ung thư cổ tử cung. Những tổn thương tiền ung thư thường được phát hiện thông qua Paps test (tế bào học cổ tử cung).

Tiếp xúc với Diethylstilbestrol (DES) trong thời kì bào thai cũng làm tăng nguy cơ ung thư âm đạo.

Triệu chứng của ung thư âm đạo

Giai đoạn sớm ung thư âm đạo và các tổn thương tiền ung thư thường không có triệu chứng rõ ràng. Thông thường, chúng chỉ được phát hiện thông qua khám phụ khoa định kì.

Ung thư âm đạo giai đoạn muộn thì lại khá dễ phát hiện. Một trong những triệu chứng thường gặp nhất của ung thư âm đạo là ra huyết âm đạo bất thường sau quan hệ tình dục. Đây thường là triệu chứng đầu tiên mà bệnh nhân mô tả.

Bạn cũng nên khám bác sĩ nếu như thấy ra huyết âm đạo sau khi mãn kinh. Những triệu chứng khác của ung thư âm đạo bao gồm:

  • Tiết dịch âm đạo bất thường;
  • Có khối lớn ở âm đạo;
  • Tiểu khó hoặc tiểu đau;
  • Táo bón;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đau vùng chậu;
  • Đau sau đùi;
  • Sưng phù ở chân.

Nếu bạn có các triệu chứng này thì cũng nên sắp xếp để khám phụ khoa sớm nhất có thể.

ung thư âm đạo

Các dạng ung thư âm đạo

Có vài dạng ung thư âm đạo, trong đó có 2 dạng phổ biến nhất sẽ được đề cập sau đây:

Ung thư tế bào vảy

Ung thư tế bào vảy là dạng ung thư phát triển từ lớp tế bào vảy ở thành âm đạo. Đây là dạng ung thư thường gặp nhất của ung thư âm đạo, chiếm tới 9/10 ca được chẩn đoán ung thư âm đạo. Ung thư tế bào vảy thường hình thành ở nữ giới lớn hơn 60 tuổi.

Ung thư tế bào biểu mô tuyến

Ung thư biểu mô tuyến xuất phát từ tế bào tuyến trong âm đạo, là các tế bào tiết dịch. Ung thư biểu mô tuyến dường như có khả năng xâm lấn cao hơn là biểu mô vảy.

Những dạng ung thư hiếm gặp khác

Những dạng ung thư vô cùng hiếm gặp khác bao gồm:

  • Ung thư tế bào sắc tố: đây là dạng ung thư bắt nguồn từ tế bào sản xuất sắc tố ga, thường nằm ở phần ngoài của âm đạo. Ung thư tế bào sắc tố chiếm nhỏ hơn 3% của ung thư âm đạo.
  • Sarcoma: đây là dạng ung thư phát triển ở xương, cơ và mô liên kết. Có ít hơn 3% ung thư âm đạo là sarcoma. Dạng sarcoma âm đạo thường gặp nhất là u cơ vân, thường gặp ở trẻ nhỏ.
  • Ung thư di căn từ cơ quan khác: ung thư từ cổ tử cung, tử cung, trực tràng và bàng quang có thể xâm lấn tới âm đạo.

Điều trị

Ung thư âm đạo sẽ có những lựa chọn điều trị sau đây:

  • Phẫu thuật;
  • Xạ trị;
  • Hóa trị.

Mỗi phương pháp sẽ được mô tả chi tiết sau đây:

Phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn điều trị phổ biến nhất cho ung thư âm đạo. Một số quy trình phẫu thuật với mục đích lấy bỏ mô ung thư và những mô xung quanh đã bị xâm lấn. Những lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật laser: phẫu thuật viên sử dụng tia laser để lấy bỏ mô ung thư và những tổn thương trên bề mặt âm đạo.
  • Cắt rộng tại chỗ: phẫu thuật viên lấy bỏ mô ung thư và những mô lành xung quanh đó.
  • Cắt âm đạo: lấy bỏ toàn bộ hoặc 1 phần của âm đạo.
  • Cắt tử cung: phẫu thuật viên cắt cổ tử cung kèm theo tử cung.
  • Nạo hạch: với mục tiêu lấy bỏ những hạch gần sang thương để làm giải phẫu bệnh lý để kiểm tra ung thư. Ung thư phần trên âm đạo thường sẽ được sinh thiết hạch ở vùng chậu. Ung thư phần thấp sẽ cần phải sinh thiết hạch ở vùng bẹn.
  • Phẫu thuật cắt rộng vùng chậu: bao gồm lấy bỏ âm đạo, buồng trứng, bàng quang, trực tràng và đại tràng thấp. Sau đó phẫu thuật sẽ mở đường thoát nước tiểu và phân ra da, để đi vào trong 1 túi.

Ngoài ra bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo âm đạo sau khi đã cắt bỏ sang thương bằng cách sử dụng da ở vùng không ung thư, chẳng hạn như mông, để phục hồi và tạo hình ống âm đạo.

Xạ trị

Phụ thuộc vào giai đoạn ung thư âm đạo được chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng xạ trị để tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư. Một trong 2 hình thức xạ trị có thể được áp dụng gồm:

  • Xạ trị ngoài cơ thể: các chuyên gia sức khỏe sử dụng máy để chiếu tia xạ trực tiếp đến vùng ung thư từ ngoài cơ thể.
  • Xạ trị trong cơ thể: quá trình này sử dụng các thiết bị phát xạ nhỏ được đặt vào trong mô cơ thể. Thiết bị thường dạng hạt, dây, ống hoặc kim đặt gần vị trí ung thư.

Xạ trị cũng có thể được áp dụng trong xạ trị bổ túc với mục tiêu phá hủy các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.

Các thử nghiệm lâm sàng tiếp tục nghiên cứu về các loại thuốc tăng cảm xạ, chúng làm cho các tế bào ung thư trở nên nhạy hơn với tia xạ và kết quả là tăng hiệu quả của xạ trị.

Hóa trị

Trong phương pháp hóa trị, các chuyên gia sẽ cho bạn sử dụng thuốc với mục tiêu ngăn chặn sự phát triển và xâm lấn của tế bào ung thư. Để đạt được mục tiêu này thì hóa trị sẽ phá hủy các tế bào ung thư và ngăn không cho chúng phân chia.

Nếu sử dụng thuốc đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp, thuốc có thể ảnh hưởng toàn bộ cơ thể của bạn. Hóa trị vùng có nghĩa là thuốc chỉ đưa vào một phần riêng biệt của cơ thể và chỉ điều trị ngay tại đó.

Ung thư âm đạo dạng tế bào vảy có thể sử dụng kem hay thuốc thoa như một dạng hóa trị tại chỗ.

Bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn về hiệu quả, lợi ích và nguy cơ cũng như tác dụng phụ của mỗi phương pháp điều trị.

Chẩn đoán

Ngay lần thăm khám đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi các thông tin về tình hình sức khỏe của bạn cũng như thực hiện thăm khám. Bác sĩ cũng hỏi về các triệu chứng cũng như các vấn đề bạn thấy lo lắng hiện tại bao gồm:

  • Bạn có đang sử dụng thuốc để điều trị bệnh lí nào không;
  • Bạn có đang mắc bệnh lí nào không, đặc biệt là ung thư;
  • Các hành vi quan hệ tình dục có nguy cơ nhiễm HPV, chẳng hạn như không sử dụng bao cao su.

Việc thăm khám thường bao gồm:

  • Khám vùng chậu: bác sĩ sẽ quan sát bằng mắt sau đó sẽ khám để cảm nhận bất thường;
  • Paps test (tế bào học cổ tử cung): với mục đích đánh giá ung thư cổ tử cung, một trong những bệnh lí có các triệu chứng tương tự.
  • Soi cổ tử cung: nhân viên y tế có thể thực hiện soi cổ tử cung từ ngay lần khám đầu tiên nếu có dấu hiệu nghi ngờ. Họ sẽ sử dụng một ống soi phóng đại có gắn đèn.

Để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ cần đến sinh thiết.

Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ để gửi làm giải phẫu bệnh lí, ở đó chuyên gia giải phẫu bệnh sẽ đánh giá mẫu mô này.

Sinh thiết thường được thực hiện trong quá trình soi cổ tử cung và bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ.

Nếu bác sĩ kết luận tình trạng ung thư âm đạo, một số xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh sau đây sẽ được đề nghị để chẩn đoán giai đoạn và đưa ra kế hoạch điều trị:

  • Chẩn đoán hình ảnh như X-Quang, chụp MRI, chụp cắt lớp điện toán (CT-scan);
  • Kiểm tra các cơ quan khác, chẳng hạn như soi hậu môn trực tràng, soi bàng quang, hoặc là soi niệu quản.

Phân giai đoạn

Giai đoạn của ung thư âm đạo quyết định phương pháp điều trị và tiên lượng của bệnh nhân.

Khi mà tế bào bề mặt âm đạo có dấu hiệu bất thường nhưng không đủ điều kiện của ung thư sẽ được chẩn đoán là tân sinh trong biểu mô âm đạo. Những tế bào này có thể trở thành ung thư, một số bác sĩ gọi dạng tân sinh này là “ung thư âm đạo giai đoạn 0”.

Những giai đoạn khác phụ thuộc vào tế bào ung thư đã xâm lấn tới đâu từ ống âm đạo:

  • Giai đoạn 1: ung thư không ra khỏi thành âm đạo;
  • Giai đoạn 2: tế bào ung thư được phát hiện ở mô xung quanh âm đạo nhưng chưa tới vùng chậu;
  • Giai đoạn 3: ung thư đi tới thành chậu;
  • Giai đoạn 4: được chia ra thành 2 giai đoạn nhỏ là 4A và 4B. Trong đó giai đoạn 4A là khi ung thư đi tới bàng quang hoặc trực tràng hay đi ra khỏi bàng quang, cổ tử cung và xương chậu. Giai đoạn 4B là khi ung thư đi tới những cơ quan xa chẳng hạn như xương hay phổi.

Tiên lượng

Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kì tính toán tỷ lệ sống sót sau 5 năm để cho biết khả năng một người sẽ sống thêm 5 năm sau khi được chẩn đoán 1 bệnh lý ung thư.

Tỷ lệ này so sánh khả năng sống sót của 1 người có bệnh lý ung thư với khả năng sống sót của một người không bị ung thư.

Nếu bác sĩ chẩn đoán và điều trị ung thư âm đạo trước khi ung thư phát triển thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 66%.

Nếu ung thư âm đạo đã xâm lấn tại 1 vùng, tỷ lệ là 51%. Nếu nó đến các cơ quan ở xa, tỷ lệ giảm xuống còn 19%.

Phát hiện và điều trị sớm là điều cần thiết để cải thiện tiên lượng cho phụ nữ bị ung thư âm đạo.

Phòng ngừa

Biện pháp giúp làm giảm nguy cơ ung thư âm đạo tốt nhất chính là ngừa nhiễm HPV. Một trong những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến.

HPV có thể gây ra nhiều dạng ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung. Các nhà nghiên cứu tin rằng có mối liên quan giữa ung thư âm đạo và HPV.

Bạn nên thực hiện theo những hướng dẫn sau để giúp ngừa ung thư cổ tử cung:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hoặc những biện pháp rào chắn khác để ngừa HPV;
  • Tiêm vaccin HPV để bảo vệ khỏi những trường hợp nhiễm mới (vaccin không trị được cho những ai đã nhiễm HPV);
  • Bỏ thuốc lá;
  • Tầm soát tế bào học cổ tử cung định kì để phát hiện và điều trị những tân sinh trong biểu mô âm đạo.

Không có cách nào là ngừa hoàn toàn ung thư âm đạo, nhưng bạn có thể giảm tối đa nguy cơ và cải thiện tiên lượng sống nếu như được phát hiện cũng như điều trị sớm.

Xem thêm: U nang âm đạo

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top