Nếu với người bình thường viêm ruột thừa là bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị khẩn cấp thì viêm ruột thừa khi mang thai lại nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Bệnh thường nặng vì tình trạng thai nghén làm tổn thương ruột thừa diễn biến nhanh, dễ gây thủng hơn và dẫn đến viêm phúc mạc. Đồng thời, có bầu bị viêm ruột thừa cũng ảnh hưởng tới thai, gây sẩy hoặc đẻ non.
Khi thai còn nhỏ, biểu hiện của hội chứng viêm ruột thừa cũng như ở người bình thường: hố chậu phải đau, có phản ứng thành bụng, thai phụ sốt từ 37,5-38 độ C, buồn nôn, thử máu thấy số lượng bạch cầu tăng… Tuy nhiên, có thai bị viêm ruột thừa thường khó khám vì tử cung to đẩy manh tràng và ruột thừa lệch khỏi vị trí bình thường khiến điểm đau không điển hình nữa.
Để chẩn đoán, bác sĩ cho thai phụ nằm nghiêng bên trái khiến tử cung đổ sang trái làm lộ hố chậu phải, khi ấn vào người bệnh sẽ thấy đau nếu ruột thừa bị viêm; hoặc để bệnh nhân nằm ngửa rồi dùng tay đẩy tử cung sang phải, tử cung chạm vào ruột thừa, dẫn đến đau nhói hố chậu phải nếu có viêm. Khi thai đã lớn, điểm đau có thể ở cao dưới góc gan phải hoặc ở thượng vị quanh rốn. Trong 3 tháng đầu mang thai, hiện tượng nôn do viêm ruột thừa rất dễ bị nhầm với nôn do ốm nghén.
Viêm ruột thừa ở phụ nữ mới mang thai dễ bị nhầm với nhiều bệnh lý khác như viêm phần phụ phải, chửa ngoài dạ con, nang buồng trứng xoắn hoặc dọa sảy thai. Ở cuối thai kỳ, bệnh lý viêm ruột thừa không gây co cứng thành bụng mà gây co và đau tử cung bên phải, dễ gây nhầm lẫn với hiện tượng chuyển dạ… Nếu viêm ruột thừa xảy ra đồng thời với một biến cố về sản khoa kể trên, việc chẩn đoán và xử lý sẽ trở nên rất khó khăn và phức tạp.
Ngay sau khi sinh, sản phụ vẫn có thể bị viêm ruột thừa. Lúc này, bệnh dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán chậm vì cơ thành bụng bị nhẽo, phản ứng không rõ khi khám, khiến bệnh dễ tiến triển nặng hơn.
Tất cả các ca viêm ruột thừa cấp phát hiện trong 36 giờ đầu dù diễn biến thế nào (cả khi có vẻ lành tính) cũng đều cần phải phẫu thuật. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi người, dù là trẻ sơ sinh, trẻ lớn hay người già, thai phụ vì nếu để lâu sẽ dễ gây biến chứng. Khi điều trị viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc ngoại khoa và sản phụ khoa. Sau khi đã mổ cắt ruột thừa viêm, sản phụ cần nằm nghỉ tại giường và dùng các loại thuốc an thai trong trường hợp còn giữ được thai.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh