Bàng quang tăng hoạt động (bàng quang tăng hoạt) là một tình trạng mà bàng quang không còn giữ được nước tiểu như bình thường. Nếu bạn bị bàng quang tăng hoạt, bạn thường cảm thấy có nhu cầu đi tiểu một cách bất ngờ hoặc sẽ gặp phải các “sự cố nhỏ” về tiểu tiện.
Chứng tiểu không tự chủ là khi bạn mất kiểm soát bàng quang. Tiểu không tự chủ không phải là một bệnh; đó là một triệu chứng. Sự không kiềm chế có thể là một dấu hiệu của một cái gì đó đơn giản như nạp chất lỏng quá nhiều. Tiểu không tự chủ cũng có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn, giống như nhiễm trùng đường niệu (nhiễm trùng đường tiết niệu).
Nguyên nhân của bàng quang tăng hoạt và nhiễm trùng đường tiết niệu
Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân do lối sống
Bàng quang tăng hoạt xảy ra khi các cơ kiểm soát chức năng bàng quang bắt đầu hoạt động không tự chủ. Có nhiều lý do gây bàng quang tăng hoạt, bao gồm lối sống. Ví dụ, bạn có thể bị bàng quang tăng hoạt nếu bạn uống rượu và caffein với số lượng lớn.
Rượu và caffein hoạt động như thuốc lợi tiểu, làm cho cơ thể sản xuất nhiều nước tiểu hơn. Chỉ cần uống nhiều chất lỏng nói chung - có chứa caffein, có cồn, hoặc không – cũng có thể góp phần vào các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Bàng quang tăng hoạt: Các nguyên nhân y tế
Các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến bàng quang tăng hoạt. Một vấn đề về đột quỵ hoặc thần kinh, như chứng đa xơ cứng (MS) hoặc bệnh Parkinson, có thể gây ra bàng quang tăng hoạt. Bệnh tiểu đường và bệnh thận cũng có thể gây bàng quang tăng hoạt.
Ở nam giới, phì đại tuyến tiền liệt thường dẫn đến bàng quang tăng hoạt. Các nhiễm trùng đường niệu cấp tính có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như bàng quang tăng hoạt động ở cả nam và nữ.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Các nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất xảy ra khi vi khuẩn đi lên niệu đạo, ống nối với bàng quang và dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể. Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn, làm cho vi khuẩn dễ dàng tiếp cận với bàng quang và bệnh dễ phát triển hơn so với nam giới. Khoảng 50-60% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong đời.
Viêm bàng quang là dạng nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất ở phụ nữ tiền mãn kinh. Nhiễm trùng chỉ liên quan đến bàng quang và niệu đạo. Những nhiễm trùng này thường xảy ra khi vi khuẩn lây lan từ hậu môn đến niệu đạo. Một số phụ nữ dễ bị nhiễm trùng hơn sau khi hoạt động tình dục. Ngoài ra, sự mất estrogen sau mãn kinh làm cho đường niệu dễ bị nhiễm trùng hơn.
Điều trị bàng quang tăng hoạt và nhiễm trùng đường tiết niệu
Bàng quang tăng hoạt
Có rất nhiều lựa chọn điều trị bàng quang tăng hoạt. Các bài tập cơ sàn chậu có thể giúp ích bằng cách tăng cường các cơ xung quanh cổ bàng quang và niệu đạo. Giảm cân và điều chỉnh thời gian uống nước cũng có thể giúp ích.
Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc uống để giảm triệu chứng. Các phương pháp điều trị xâm lấn khác bao gồm tiêm Botox vào bàng quang để điều khiển cơ tốt hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Vì có một loạt các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu, nên kháng sinh là lựa chọn điều trị đầu tiên. Loại kháng sinh do bác sĩ kê toa sẽ tùy thuộc vào sức khoẻ hiện tại, mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu và loại vi khuẩn bạn có. Kháng sinh thường được sử dụng cho nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:
- Trimethoprim / sulfamethoxazole (Bactrim, Septra)
- Fosfomycin (Monurol)
- Nitrofurantoin (Macrodantin, Macrobid)
- Ciprofloxacin (Cipro)
- Levofloxacin (Levaquin)
- Cephalexin (Keflex)
- Ceftriaxone (Rocephin)
- Azithromycin (Zithromax, Zmax)
- Doxycycline (Monodox, Vibramycin)
Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng kháng sinh liều thấp trong một khoảng thời gian nếu bạn dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Việc nhập viện có thể được khuyến cáo nếu nhiễm trùng đường tiết niệu nặng đến mức ảnh hưởng đến thận hoặc cần kháng sinh đường tĩnh mạch.
Nguy cơ của nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể được giới hạn ở niệu đạo và bàng quang, hoặc nó có thể lan rộng qua niệu quản và vào thận. Nếu thận bị nhiễm trùng, các cơ quan của bạn có thể bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng đường tiết niệu giới hạn ở niệu đạo và bàng quang, kết quả điều trị thường chỉ hạn chế đến sự khó chịu cho đến khi nhiễm trùng được làm sạch. Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị kịp thời, nó có thể lan truyền qua hệ thống tiết niệu và vào máu. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đe dọa đến mạng sống gọi là nhiễm trùng huyết.
Nhiễm trùng đường tiết niệu và các triệu chứng khác
Chứng tiểu không tự chủ là một dấu hiệu chung của nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng khác thường xảy ra cùng với nhu cầu đi tiểu thường xuyên. Một người bị nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể có cảm giác bỏng rát khi đi tiểu tiện hoặc nhìn thấy máu trong nước tiểu. Nước tiểu cũng có thể có mùi mạnh hoặc màu tối. Nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể bị đau trực tràng, trong khi những phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể bị đau lưng hoặc đau vùng chậu.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bạn nên đến khám bác sỹ. Nếu bạn được chẩn đoán mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê toa một đợt kháng sinh cho bạn.
Kết luận
Đột nhiên có nhu cầu đi tiểu và đi tiểu thường xuyên là rất phổ biến ở cả bàng quang tăng hoạt và nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu bạn không có bất kỳ triệu chứng nào khác, như khó chịu khi đi tiểu, bạn có thể bị bàng quang tăng hoạt chứ không phải nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt có thể sẽ tiếp tục phát triển trong khi các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện bất ngờ và cũng có thể liên quan đến sốt.
Mặc dù cả hai vấn đề có thể gây phiền toái, nhưng có thể điều trị được và cần được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn xuất hiện bất cứ sự thay đổi nào về thói quen tiểu tiện, bao gồm tần số và nhu cầu đi tiểu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh