✴️ Thủng màng nhĩ có bị điếc không?

Thủng màng nhĩ có bị điếc không là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc khi không may bị thủng màng nhĩ bởi một lý do nào đó. Khi thủng màng nhĩ, có thể điều trị bằng những phương pháp nào, hãy cùng tìm hiểu một số thông tin hữu ích sau đây.

 

1. Màng nhĩ và chức năng nghe của tai

Cấu tạo màng nhĩ

Cấu tạo màng nhĩ

 

Màng nhĩ thực chất là một lớp màng mỏng như giấy, là ranh giới ngăn cách ống tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ có cấu tạo gồm ba lớp: lớp da ống tai ở ngoài cùng, có thể quan sát từ bên ngoài; tiếp theo là các lớp sợi cứng có cấu tạo như nan hoa bánh xe, và xòe ra trong vòng tròn mở rộng, lớp cuối cùng là lớp màng nhầy, tiếp xúc trực tiếp với khoang tai giữa.

Ở trẻ em, màng nhĩ mới hình thành còn khá mỏng và đàn hồi. Tuy nhiên khi trưởng thành, màng nhĩ sẽ dày và cứng hơn. Đặc biệt, từ khi sinh ra, màng nhĩ đã chống thấm nước rất tốt, giúp ngăn nước xâm nhập vào khoang tai giữa. Đây là một chức năng bảo vệ điển hình của màng nhĩ.

Khi có âm thanh truyền qua ống tai, màng nhĩ sẽ tiếp nhận những dao động này. Dẫn truyền rung động thông qua các sợi cơ, qua lớp màng nhầy và đến được xương tai giữa. Tín hiệu âm thanh được chuyển hóa và gửi tới các dây thần kinh, dẫn truyền tới trung tâm não bộ và phản hồi ngược lại gần như lập tức, giúp chúng ta nghe và phân biệt được các loại âm thanh. Chính bởi vậy màng nhĩ rất quan trọng trong tiếp nhận âm thanh ban đầu. Màng nhĩ bị rách, thủng đều gây ra những ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng nghe.

 

2.Thủng màng nhĩ có bị điếc không?

Màng nhĩ có vai trò quan trọng trong tiếp nhận âm thanh. Vậy nếu không may thủng màng nhĩ có bị điếc hay không? Trên thực tế, thủng màng nhĩ có thể khiến người bệnh bị điếc hoặc nghe kém rõ rệt. Cụ thể việc thủng màng nhĩ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiếp nhận và dẫn truyền âm thanh, do đó mà trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng nghe.

Phụ thuộc vào các tổn thương xuất hiện trên bề mặt màng nhĩ mà có thể nghe được ở các mức độ khác nhau. Trường hợp rách nhẹ, người bệnh có thể vẫn nghe được nhưng thường kèm theo cảm giác tiếng ù ù trong tai. Nếu bị thủng quá lớn thì người bệnh có thể bị điếc hoàn toàn nếu không kịp thời được điều trị.

Trên thực tế, màng nhĩ có thể bị tổn thương bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là:

– Tình trạng nhiễm trùng do tồn đọng các chất lỏng trong tai. Nguyên nhân này là nguyên nhân phổ biến gây thủng màng nhĩ ở trẻ nhỏ. Các chất lỏng thường tìm thấy là sự tích tụ của các ráy tai ướt trong tai hoặc các trường hợp trẻ đi bơi lội, tắm rửa nước vào trong tai nhưng không được làm sạch.

– Các chấn thương có thể gặp hằng ngày: Sử dụng vật sắc nhọn để lấy ráy tai khiến vô tình làm thủng màng nhĩ, các va đập mạnh vùng đầu, tai cũng có thể gây thủng màng nhĩ như va đập bóng, bạt tai,….

– Áp suất thay đổi đột ngột: Sự chênh lệch áp suất không khí đột ngột giữa bên trong và bên ngoài màng nhĩ tạo nên một tác động rất lớn đối với màng nhĩ. Sự chênh lệch này tạo ra một áp lực lớn và có thể làm thủng màng nhĩ. Tình huống thủng màng nhĩ thường gặp nhất trong trường hợp này là khi lặn xuống dưới quá sâu, đi xe tốc độ quá nhanh hoặc khi đi máy bay.

– Áp lực từ âm thanh: Âm thanh vô hình nhưng luôn có tác động lực rất lớn. Đối với âm thanh quá to và đột ngột có thể khiến màng nhĩ rung mạnh và bị rách.

Thủng màng nhĩ có bị điếc không còn phụ thuộc vào mức độ thủng của màng nhĩ

Thủng màng nhĩ có bị điếc không còn phụ thuộc vào mức độ thủng của màng nhĩ

 

3. Các phương pháp điều trị thủng màng nhĩ

Khi bị thủng màng nhĩ, không nên quá hoang mang mà hãy đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Tuyệt đối không nên đưa bất kỳ vật gì vào trong tai để tự điều trị vì mọi tác động đều rất dễ làm thương tổn sâu bên trong, gây viêm tai giữa và rất dễ khiến bạn bị điếc vĩnh viễn.

Bằng các thiết bị nội soi và các kỹ thuật thăm khám khác, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ rách của màng nhĩ, tìm hiểu nguyên nhân và giúp bạn điều trị. Tùy thuộc vào mức độ rách màng nhĩ mà phương pháp điều trị cũng sẽ có những khác biệt.

3.1. Màng nhĩ tự lành

Rách màng nhĩ có thể tự lành. Trong trường hợp màng nhĩ bị rách nhẹ thì nó có thể tự phục hồi mà không cần can thiệp bất cứ thủ thuật y khoa nào. Trong thời gian màng nhĩ tự liền, việc cần làm duy nhất của bạn là bảo vệ tai bằng cách: tránh nước, tránh các dị vật vào bên trong, tránh tiếp xúc mọi dụng cụ đối với màng nhĩ. Sau một thời gian thăm khám, bạn cần tái khám lại để được bác sĩ kiểm tra và chắc chắn rằng màng nhĩ đã hoàn toàn bình phục.

3.2. Dán lỗ thủng màng nhĩ

Dán lỗ thủng màng nhĩ được áp dụng khi vết rách không tự liền và có kích thước nhỏ. Thủ thuật dán màng nhĩ được thực hiện bằng việc sử dụng gel chuyên dụng hoặc các mô mỏng như tờ giấy để dán vào vị trí thủng.

Thủ thuật này thường kéo dài khoảng 30 phút và cần được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh  nghiệm và chuyên môn để tránh những sự cố có thể xảy ra.

3.2. Phẫu thuật vá nhĩ

Đối với các lỗ thủng màng nhĩ quá lớn, bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật vá nhĩ. Trong quá trình thực hiện, những mô sẹo thừa sẽ được loại bỏ, sau đó bác sĩ sẽ lấy một mẩu mô tương thích từ cơ thể người bệnh để làm vật liệu vá nhĩ và tiến hành vá lỗ thủng trên màng nhĩ.

Quá trình vá nhĩ diễn ra trong khoảng 2 – 3 tiếng trong phòng đảm bảo tối đa điều kiện vô trùng. Sau khi hoàn thành vá nhĩ, người bệnh sẽ không thể nghe được luôn mà sẽ có cảm giác ù, đau tai. Khi mảng vá nhĩ tích hợp với màng nhĩ, chức năng nghe sẽ trở lại bình thường.

Tóm lại, thủng màng nhĩ có bị điếc không còn phụ thuộc vào mức độ thủng. Song hằng ngày, bạn cần chủ động chăm sóc và bảo vệ màng nhĩ đúng cách để tránh các tác động xấu tới tai nói chung và màng nhĩ nói riêng. Hãy nhớ, thủng màng nhĩ lần đầu còn có thể có cơ hội phục hồi, thủng màng nhĩ những lần tiếp theo thì cơ hội phục hồi rất thấp và bạn có thể đối mặt nguy cơ điếc hoàn toàn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top