A. Mô tả cây
Quế Thanh Hóa là một cây cao từ 12-20m. Cành mọc trong năm có 4 cạnh, dẹt, nhẵn. Lá hơi hình trứng hai đầu hẹp lại, hơi nhọn, có 3 gân rất rõ chạy từ cuống đến đầu lá, mặt dưới phủ những vẩy nhỏ. Phiến lá dài 12-15cm, rộng 5cm. Cuống dài chừng 15mm. Hoa màu trắng mọc thành chùy ở kẽ lá hay đầu cành. Quả hạch hình trứng dài chừng 1cm, lúc đầu xanh lục, khi chín ngả màu nâu tím, mặt quả bóng, về phía cuống còn sót đế hoa có lông.
B. Phân bố, trồng hái và chế biến
- Loại quế Thanh Hóa này mọc hoang và được trồng ở khắp vùng rừng núi của Việt Nam, nhưng chủ yếu ở dọc dãy núi Trường Sơn từ bắc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tới nam Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại Vân Nam (Trung Quốc) cũng có ít cây thuộc loại này.
- Tuy nhiên trong nhân dân, người ta cho rằng chỉ có loại quế ở Thanh Hóa là tốt, cũng loài cây đó nhưng mọc ở Nghệ An (Quỳ Châu) thì cho là kém hơn, mặc dầu nhiều khi ranh giới giữa Quỳ Châu (Nghệ An) và Thanh Hóa không rõ rệt. Sự thực, giá trị có khác nhau đến như vậy không, chưa được xác minh khoa học. Tại Thanh Hóa quế quý nhất là vùng Trịnh Vạn thuộc Châu Thường Xuân và Đông Châu (Phú Xuân). Quế Nghệ An nổi tiếng có quế ở Phủ Quỳ, nhưng nhiều vùng ở Phủ Quỳ, tiếp giáp với Thanh Hóa rất khó phân biệt đến nỗi có khi cùng một cây quế mọc hoang trong rừng nhưng người Thanh Hóa tìm ra thì gọi là quế Thanh, người Nghệ An, Hà Tĩnh tìm được lại mang tiếng là quế Quỳ.
- Tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, thứ quế được coi là tốt là quế mọc ở Trà My thuộc huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Ở hai tỉnh này các dân tộc thường hay trồng quế và số quế trồng ở đây rất lớn, diện tích lên tới hàng nghìn hecta.
- Muốn trồng quế, có thể gieo hạt, hoặc chiết cành hay đào những cây quế mọc hoang ở rừng về.
- Hạt quế lấy vào tháng 7-8 phải chọn ở những cây khỏe, hạt hái về đem ngâm nước để lựa chọn: Hạt nào chìm thì lấy, hạt nổi bỏ đi. Sau đó rửa hạt bằng nước vôi rồi đem trồng ngay. Vì hạt chóng mất khả năng mọc cho nên cần trồng hết sức sớm. Trong vòng 10-15 ngày sau khi hái, hạt phải đem trồng ngay. Để lâu tỉ lệ mọc kém hoặc mất hẳn. Khi cây cao chừng 30cm (sau một năm) thì đánh trồng ở nơi cố định. Nếu gieo thưa thì không cần đánh đi chỗ khác nữa.
- Sau 5 năm có thể bắt đầu thu hoạch, nhưng theo kinh nghiệm, cây quế càng lâu năm (20- 30 năm hay lâu hơn) càng tốt.
- Phương pháp chiết cành thường tiến hành vào tháng 9-10 nhưng ít dùng vì người ta cho rằng quế trồng bằng chiết cành vỏ thường mỏng, kém giá trị.
- Việc bóc vỏ quế tiến hành vào các tháng 4-5 và 9-10. Thời gian này cây quế lắm nhựa, bóc dễ, không sót lòng, quế bóc sót lòng bị coi là kém giá trị. Trước khi bóc người ta làm dàn có bậc cao 4-5m quanh cây quế để trèo lên cho dễ và không làm hỏng vỏ quế. Khi sắp bóc người ta lấy lạt buộc quanh thân và cành to, cách 40- 50cm buộc một vòng để làm chỗ cắt cho đều. Sau đó dùng dao thật sắc, mũi nhọn và lấy dùi đục gõ cho đứt vỏ quanh cây và cành, cuối cùng cắt dọc từng đoạn 40cm. Sau khi đã cắt ngang và dọc xong, sẽ lấy đầu que nứa vót nhọn và mỏng lách vào khe cắt, vỏ quế tự tách ra. Có nơi như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi trước hết người ta bóc một khoanh sát gốc cách mặt đất độ 20- 30cm, sau đó đợi chừng một tháng mới bóc các đoạn khác. Quế bóc xong, lại bổ dọc thành từng thanh dài 40-50cm, rộng 5-10cm. Sau khi bóc hết thân cây thì ngả cây để bóc ở các bộ phận khác. Vỏ quế bóc ở những nơi khác nhau của cây không nên để lẫn lộn. Phần vỏ lấy từ cách mặt đất 0,2-0,4m đến 1,2m gọi là quế hạ căn coi là kém.
- Từ 1,2m trở lên đến chỗ cây quế chia cành thứ nhất gọi là quế thượng châu được coi là quế tốt nhất.
- Vỏ bóc ở những cành quế to gọi là quế thượng biểu.
- Vỏ bóc ở cành nhỏ gọi là quế chi. Tên quế chi còn có khi dùng chỉ các cành quế con, phơi khô.
- Một cây quế trung bình cho 30kg quế tốt và 10kg loại vừa.
- Tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, quế hái xong phải đem ủ. Nếu ủ không tốt, quế cũng mất giá trị.
- Muốn ủ quế, người ta chọn những chiếc sọt to, dán giấy cho kín rồi tìm lá chuối tươi phơi cho ỉu. Vỏ quế hái về, ngâm nước một ngày, rửa sạch, để khô nước, hoặc lấy vải lau khô sạch. Lá chuối khô xếp quanh sọt và đáy sọt dày chừng 5cm sau đó xếp quế vào cho đầy. Cuối cùng lại xếp một lớp lá chuối dày 5cm nữa, rồi dậy kỹ và buộc chặt. Cứ mỗi ngày đảo mặt trên xuống dưới, mặt dưới lên trên, để cho nóng đều. Mùa nóng ủ chừng 3 ngày, mùa lạnh 7 ngày. Nếu trên mặt sọt người ta đặt một hòn đá nặng để nén thì khi hòn đá có hơi nước bốc ở quế lên ướt là được và người ta gọi là “quế ở trong sọt vừa chín”.
- Dỡ quế ở sọt ra, lại đem ngâm nước 1 giờ nữa, vớt ra, đặt lên các phên nứa, rồi dùng một phên nứa đè lên buộc ép cho thẳng. Để chỗ khô mát, khi nào quế khô, tai tái, lấy từng thanh quế buộc ép vào ống nứa thẳng và tròn để có dáng thẳng và đẹp. Trong thời gian buộc ép như vậy hằng ngày còn cởi ra hai lần để lau chùi mặt trong cho bóng, rồi lại buộc vào. Cứ làm như vậy hằng ngày cho đến khô là được. Từ khi ủ đến khi được quế thường phải 15-16 ngày (mùa nóng) đến một tháng (mùa lạnh) có khi hai tháng tùy theo cây to nhỏ.
- Việc ủ quế là một phương pháp đặc biệt chỉ áp dụng đối với phần quế bóc ở thân và cành to, còn vỏ ở các cành nhỏ chỉ phơi khô trong mát là được.
- Quế chế cầu kỳ như vậy còn phải bảo quản nữa mới giữ giá trị lâu, thường người ta lấy sáp ong miết vào hai đầu của thanh quế, lấy vải mềm quăn lại cất đi, có khi cho vào ống kẽm. Người có nhiều quế, làm một hòm bằng gỗ lót kẽm, hai ngăn, ngăn dưới để chậu mật ong để giữ độ ẩm vừa đủ, ngăn trên có mắt cáo thưa để xếp quế. Có như vậy mới khỏi khô dầu, hương vị mới bảo vệ được.
- Khi xem quế, thuờng người ta cạo một lớp mỏng ở đầu thanh quế rồi nhìn hễ thấy nhiều dầu, nếm có vị cay ngọt hơi chát, khi pha với nước, nước có màu trắng đục (nhiều dầu) thì coi là tốt.
- Đối với tây y hoặc thị trường quốc tế, thường chỉ căn cứ theo tỷ lệ tinh dầu mà xác định tốt xấu.
C. Thành phần hóa học
- Mặc dầu nhân dân ta dùng quế Thanh, quế Quỳ hay quế Trà My với những công dụng đặc biệt, nhưng sự nghiên cứu thành phần hóa học chưa thấy những thành phần đặc biệt nào, so với các loài quế khác giới thiệu ở sau và được dùng trên thế giới.
- Tuy nhiên tỷ lệ các hoạt chất trong quế và trong tinh dầu quế của ta có khác.
- Ngoài những chất như tinh bột, chất nhầy, tanin, chất màu, đường, trong quế Việt Nam có tới 1-5% tinh dầu (các loài quế khác thường chỉ có 1-2%).
- Trong tinh dầu quế Việt Nam có chứa khoảng 95% andehyd cinnamic aD=-0°8 (theo Roure Bertrand). Tinh dầu quế của ta tan trong cùng một thể tích cồn 70°.
D. Công dụng và liều dùng:
- Trong tây y, quế và tinh dầu quế được coi là một vị thuốc có tác dụng kích thích làm cho sự tuần hoàn mau lên (huyết dược lưu thông), hô hấp cũng mạnh lên. Quế còn gây co mạch. Sự bài tiết cũng được tăng lên. Nó còn gây co bóp tử cung và tăng nhu động ruột. Tinh dầu có chất sát trùng mạnh.
- Đông y coi quế là một vị thuốc bổ, có nhiều công dụng có khi chữa cả đau mắt, ho hen, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh nở, bệnh đau bụng đi tả nguy hiểm đến tính mệnh. Tuy có nhiều người dùng quế, rất tin ở quế, nhưng cũng có một số người do dùng quế mà bị hỏng mắt, cho nên cũng cần thận trọng trong việc dùng quế.
- Trong đông y ngoài việc dùng quế phối hợp với các vị thuốc khác, còn dùng độc vị quế.
- Cách dùng quế như sau: Lấy miếng quế mài với nước mà uống hoặc pha như pha chè: Gọt quế thành những miếng mỏng, cho vào cái chén có nắp, đổ nước sôi vào rồi rót ngay, nước này ta bỏ đi, cho thêm nước sôi lần thứ hai, lần này chờ ngấm, để nguội mới uống. Uống hết lại pha nước sôi. Lần này nên đặt chén quế vào một chén hay bát to hơn đựng nước sôi để quế dễ ngấm hơn. Một lượt vỏ quế có thể pha 2 hay 3 lần nước. Loại tốt có thể được tới 5-6 nước.
- Theo tài liệu cổ, quế có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, hơi có độc, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng bổ mệnh môn tướng hỏa, trị cố lãnh trầm hàn, dùng chữa chân tay co quắp, lưng gối tê mỏi, bụng quặn đau, kinh nguyệt bế, tiểu tiện bất lợi, trên nóng dưới lạnh, ung thư. Người âm hư dương thịnh, phụ nữ có thai không dùng được.
Đơn thuốc có quế:
- Chữa cảm mạo: Quế chi thang (Đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh): Quế chi 8g, cam thảo 6g, thược dược 6g, sinh khương 6g, táo đen 4 quả, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (uống nóng), chữa cảm mạo.
- Phục mạch thang: Chích Cam thảo 12 – 16g, A giao 8 – 12g, Mạch môn 8 – 12g, Quế chi 6 – 12g, Gừng tươi 12g, Đại táo 6 – 8 quả, Đảng sâm 8 – 12g, Sinh địa 16 – 20g, Ma nhân 6 – 12g
- Cách dùng: sắc nước uống, theo sách Cổ cho thêm 1/2 rượu để sắc.
- Tác dụng: Ích khí bổ huyết, tư âm phục mạch. Trên lâm sàng bài thuốc chủ yếu dùng chữa chứng khí huyết hư, biểu hiện mạch kết hoặc mạch đại, tim đập mạnh khó thở, lưỡi bóng ít rêu hoặc chứng hư lao phế nuy có triệu chứng khó thở, ho, cơ thể gầy yếu, ra mồ hôi, mất ngủ, họng khô, đại tiện táo, mạch sác nhược.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp