Ái kỷ là gì ? Những kiểu ái kỷ nào hay gặp

Nội dung

Ái kỷ là gì?

Hiểu một cách đơn giản, ái kỷ là trạng thái mãn tính của tự cao. Người ái kỷ thường cho rằng họ đặc biệt phi thường hoặc đặc biệt thiệt thòi. Trong cả hai trường hợp, những luật lệ áp dụng cho người khác không áp dụng cho họ. Họ chẳng nợ thế giới điều gì, trong khi thế giới nợ họ mọi thứ.

Như hầu hết mọi thứ trên đời, ái kỷ cũng có nhiều mức độ khác nhau. Không ai hoàn toàn ái kỷ, hoặc không có chút ái kỷ nào. Chúng ta đều ái kỷ theo một mức độ nào đó. Điều này thể hiện rõ nhất vào những khi tâm trạng tồi tệ, ta sẽ có chút ích kỷ và tự mãn hơn bình thường.

 

Nhưng ở mức độ tồi tệ, ái kỷ có thể trở thành một chứng rối loạn nhân cách. Thậm chí những ai mắc chứng rối loạn này cũng ở vài mức độ khác nhau, từ tỉnh táo đến “thần kinh” hoàn toàn.

Nói cách khác, chúng ta đều ái kỷ ở những thời điểm nhất định, và điều này hoàn toàn bình thường. Nó chỉ trở thành vấn đề khi ái kỷ biến thành chế độ mặc định của bạn, và bạn không nhận ra điều đó.

 

Hai kiểu ái kỷ thường gặp

Kiểu ái kỷ vĩ đại (grandiose narcissist)

Đây là kiểu ái kỷ phổ biến nhất chúng ta thường gặp. Những người này kiêu ngạo và luôn tìm kiếm sự chú ý của người khác, mà không quan tâm đến bất cứ ai.

Họ đánh giá quá cao về bản thân và khao khát những ánh nhìn ngưỡng mộ từ người khác. Họ không thể chấp nhận lời phê bình, và đổ lỗi cho mọi thứ mỗi khi gặp vấn đề. Họ mong muốn được đối xử đặc biệt hơn, vì họ ở đẳng cấp cao hơn bất kỳ ai quanh họ.

Nhưng họ cũng lại sở hữu một sức hấp dẫn kỳ lạ, ít nhất là trong ấn tượng ban đầu. Sự tự tin bề ngoài của họ có thể khiến bạn thích thú, đặc biệt nếu bạn không quá tự tin vào chính mình.

Nhưng ấn tượng tốt này chẳng kéo dài được lâu, trước khi họ lộ rõ con người thật của mình. Cách mà họ đổ lỗi, châm chọc hay thao túng người khác để kéo mọi hào quang về chính mình sẽ khiến bạn sớm trở nên mệt mỏi.

Kiểu ái kỷ tổn thương (vulnerable narcissist)

Kiểu người này dè dặt hơn, và hiếm khi tìm kiếm sự chú ý theo kiểu ồn ào và hợm hĩnh như trên. Họ nhút nhát và thậm chí hạ thấp bản thân mình khá nhiều.

Họ giống kiểu ái kỷ thứ nhất ở chỗ siêu nhạy cảm và cần được trấn an liên tục. Nhưng họ khác biệt ở chỗ không tin rằng mình giỏi hơn người khác, mà là chiều ngược lại. Thay vào đó, họ cho rằng mình là nạn nhân “độc nhất vô nhị”, hoặc bị áp đặt bởi những người khác.

Sự mong manh dễ vỡ này là một kiểu ái kỷ tinh vi hơn. Nhưng nó vẫn là ái kỷ, chỉ khác ở chỗ người ái kỷ vĩ đại nghĩ họ thượng đẳng hơn tất cả, trong khi người ái kỷ tinh vi cho rằng họ kém cỏi hơn mọi người.

Người ái kỷ vĩ đại cho rằng họ có đặc quyền cao nhất, trong khi ái kỷ tinh vi luôn nghĩ mình thuộc nhóm yếu thế. Người ái kỷ vĩ đại tự hào về việc lợi dụng người khác, còn ái kỷ tinh vi lại tự hào về việc luôn là nạn nhân của một thế lực nào đó. Dù vậy, hai kiểu người này giống nhau ở niềm tin rằng họ là những cá thể đặc biệt, cần được đối xử đặc biệt.

Người ái kỷ tinh vi tự dán nhãn “nạn nhân” cho chính họ. Bề ngoài họ có vẻ nhút nhát và khiêm tốn, nhưng ẩn sâu dưới lớp vỏ đó là một cảm giác vĩ đại. Họ sẽ bị xúc phạm bởi bất cứ điều gì khiến họ không vừa ý, dù điều đó có “nhỏ như con kiến”.

 

Hai kiểu ái kỷ này dù rất khác nhau, nhưng đều quan trọng hóa bản thân theo một cách mong manh. Họ phải luôn coi mình là ngoại lệ theo một trong hai thái cực: siêu phi thường hoặc siêu kém cỏi. Họ phủ nhận mọi ý kiến bất đồng với cách nhìn nhận đó. Điều này dẫn đến các mối quan hệ hời hợt, và họ cũng ít xã giao với người khác.

Mấu chốt nằm ở chỗ, cả hai kiểu người này đều quá tự cao, luôn tin rằng họ đặc biệt hơn người khác theo một cách độc đáo nào đó. Vì vậy, những luật lệ áp dụng cho người khác không bao giờ áp dụng cho họ.

return to top