✴️ Thuốc kháng virus Molnupiravir và những lưu ý

Nội dung

1. Xin BS cho biết với một liệu trình dùng thuốc Molnupiravir, hiệu quả sẽ kéo dài bao lâu? Ở những bệnh nhân tái nhiễm với Covid 19 thì có nên tiếp tục sử dụng Molnupiravir hay không?

Để có hiệu quả tối ưu, Molnupiravir nên được dùng cho bệnh nhân nhiễm COVID– 19 lớn tuổi (trên 50 tuổi), có bệnh nền hoặc những người chưa tiêm vacxin. Hướng dẫn điều trị COVID– 19 mới nhất của Hoa kì vào tháng 1 năm 2022 cũng đã có chỉ định sử dụng Molnupiravir cho các đối tượng nói trên.

Bệnh nhân trẻ và chưa có miễn dịch có thể dùng Molnupiravir. Bệnh nhân trẻ, không có bệnh nền, đã có miễn dịch do đã tiêm vắc xin hoặc do tái nhiễm không cần thiết phải điều trị bằng Molnupiravir do lợi ích không tương xứng với nguy cơ khi sử dụng thuốc. Với những người lớn tuổi, có bệnh nền, dù nếu bị tái nhiễm thì cần điều trị bằng Molnupiravir, vì đây là nhóm người có yếu tố nguy cơ cao.

 

2. Trong quá trình sử dụng Molnupiravir, ví dụ đến ngày thứ 3 bệnh nhân test lại thấy âm tính với virus thì có cần tiếp tục uống thuốc Molnupiravir không, thưa BS?

Về nguyên tắc, tất cả các thuốc kháng sinh, kháng virus đều nên được dùng đúng liều lượng và thời gian đã chỉ định. Vì vậy nếu đến ngày thứ ba bệnh nhân test thấy âm tính thì vẫn nên tiếp tục uống cho đến hết ngày thứ 5.

 

3. Trong hướng dẫn sử dụng Molnupiravir, bệnh nhân cần uống thuốc trong vòng 5 ngày sau khi dương tính với Covid-19. Vậy trong trường hợp bệnh nhân đã dương tính trước đó nhưng lại không có triệu chứng bệnh thì việc uống thuốc như thế có hiệu quả hay không?

Theo đề cương nghiên cứu thuốc Molnupiravir được tiến hành trên 1500 bệnh nhân COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và theo các hướng dẫn của Anh hay Mỹ sử dụng Molnupiravir cho để điều trị bệnh nhân COVID-19 thì thuốc Molnupiravir được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc từ nhẹ đến trung bình và trong vòng 5 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng. Nếu bệnh nhân đã dương tính nhưng không có triệu chứng không cần được điều trị với Molnupiravir chỉ trừ khi bác sĩ điều trị phán đoán là bệnh nhân thuộc nhóm có thể tiến triển bệnh nặng. Trong trường hợp này thì thì việc uống thuốc có thể có hiệu quả.

 

4. Theo khuyến cáo thì Molnupiravir không được sử dụng trên bệnh nhân dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Vậy cách điều trị Covid-19 trên những đối tượng này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa BS?

Nếu bệnh nhân đã được tiêm ngừa đầy đủ và không có bệnh nền thì nguy cơ diễn tiến nặng rất thấp và việc điều trị bằng Molupiravir không có ích lợi  về mặt lâm sàng cho các bệnh nhân dưới 18 tuổi hoặc mang thai và cho con bú mà còn có thể có hại. Ở một số quốc gia có nguồn lực y tế dồi dào, nếu có bệnh nhân dưới 18 tuổi (nhưng trên 12 tuổi) hoặc mang thai và cho con bú, có nguy cơ cao và chưa tiêm vắc xin thì có thể được xem xét cho sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid hoặc kháng thể đơn dòng như Sotrovimab. Ở bệnh nhân nội trú thì cũng có thể dùng Remdesivir. Vì các thuốc này chưa có phổ biến ở Việt Nam, vì vậy để giảm nguy cơ diễn tiến nặng của COVID-19 mọi người đều nên tiêm ngừa vắc xin COVID-19 khi có chỉ định tiêm chủng vắc xin này. Trong trường hợp phụ nữ mang thai mắc bệnh COVID-19 có nguy cơ cao diễn tiến nặng và nếu tuổi thai đã trên 10 tuần tuổi thì bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân quyết định điều trị với Molnupiravir. Nếu phụ nữ đang cho con bú và có nguy cơ cao cần điều trị Molnupiravir thì phải tạm dừng cho con bú và chỉ con con bú lại sau 5 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Khi không cho con bú thì bà mẹ nên vắt bỏ sữa để tuyến vú duy tri tiết sữa giúp trẻ có thể tiếp tục bú mẹ sau 10 ngày không bú sữa mẹ.

 

5. Bất kỳ thuốc nào cũng sẽ có những tác dụng không mong muốn, BS có thể chia sẻ thông tin về các tác dụng phụ này, và ảnh hưởng của nó đến việc điều trị bệnh Covid 19 được không ạ? Liệu các tác dụng phụ này có gây hại lên các bệnh nhân có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tiểu đường, gan, thận,…) hoặc ảnh hưởng đến quá trình điều trị các bệnh này hay không, thưa BS?

Một điều rất đáng quý của thuốc Molnupiravir là rất ít gây tương tác thuốc và không ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị của các bệnh lí khác. Vì vậy bệnh nhân bị nhập viện vì một bệnh lí khác (thí dụ như đái tháo đường), nếu nhiễm COVID-19 và có chỉ định điều trị (do tuổi cao hoặc do có bệnh nền) thì vẫn có thể và nên chỉ định điều trị COVID-19 với Molnupiravir. Các nghiên cứu viên của Đại học Y Dược đã có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 có tuổi rất cao (99 tuổi) hoặc có nhiều bệnh nền. Điều quan trọng là phải tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân và người nhà bởi vì ở những người này, bệnh diễn tiến nặng có thể không phải do thuốc Molnupiravir hay do bệnh COVID-19 mà do tuổi cao hay bệnh nền ảnh hưởng đến tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

 

6. Thưa BS, một số bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nuốt viên thuốc, vậy có thể tách/ cắt/ phá hủy vỏ nang của viên thuốc để bệnh nhân có thể sử dụng dễ dàng hơn không?

Theo hướng dẫn của toa thuốc thì không nên cắt hay phá hủy vỏ nang để giúp việc hấp thu thuốc tối ưu hơn và tránh để nhiễm thuốc Molnupiravir cho người khác (đặc biệt là đối với trẻ em). Tuy nhiên nếu có bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ diễn tiến nặng, cần được điều trị với Molnupiravir và không thể nuốt viên thuốc thì có thể mở hay cắt vỏ nang để cho bệnh nhân uống bột thuốc trên trong, nhưng cần cẩn thận để người khác không bị phơi nhiễm thuốc do vô ý.

 

7. Trong trường hợp uống quá liều Molnupiravir (do quên rằng mình đã uống thuốc, dùng sai cách,…) thì cần phải xử lý như thế nào thưa BS?

Trong trường hợp bệnh nhân bị quá liều, các bác sĩ sẽ theo dõi sát dấu  hiệu sinh tồn  (thân nhiệt,  nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, SpO2) và  điều trị nâng đỡ nếu có vấn đề.

 

8. Molnupiravir được chỉ định uống cách nhau 12h giữa các lần và trước khi ăn 1h. BS có thể cho biết nguyên nhân của chỉ định này được không?

Molnupiravir được chỉ định uống cách nhau 12h mỗi lần uống thuốc, tác dụng sẽ kéo dài khoảng 16 giờ (gấp 5 lần thời gian bán hủy của thuốc là 3,3 giờ). Thuốc có thể uống vào bất cứ lúc nào, kể cả bụng đói và sau khi ăn. Một số bác sĩ dặn bệnh nhân uống trước khi ăn để bệnh nhân dễ nhớ lúc uống thuốc.

 

9. Cần chú ý gì trong việc bảo quản thuốc Molnupiravir không, thưa BS?

Nhìn chung Molupiravir có tính ổn định cao và không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng. Vì vậy  chỉ cần lưu ý để thuốc ở nhiệt độ ổn định trên dưới 25oC và không quá 40oC là đủ.

 

10. Bên cạnh việc sử dụng Molnupiravir, thì có nên dùng thêm các thuốc khác (thuốc Tây Y hoặc Đông Y) để tăng cường hiệu quả điểu trị không thưa dược sĩ? Nếu có thì BS có thể đưa ra một vài ví dụ về thuốc dùng kèm?

Theo các hướng dẫn quốc tế và số liệu từ nghiên cứu thì khi điều trị với Molnupiravir không cần và không nên điều trị với các loại kháng virus khác, các kháng sinh hay corticosteroid. Có thể sử dụng thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt,, thuốc ho hoặc bổ sung vitamine (C, D) và nguyên tố vi lượng (như kẽm). Các thuốc Đông Y điều trị triệu chứng cũng có thể sử dụng. Tuy nhiên cần phải nắm rõ thành phần của thuốc Đông Y trước khi sử dụng bởi vì một số thuốc Đông Y trôi nổi có thể có  một số hoạt chất có ảnh hưởng xấu lên khả năng miễn dịch.

 

11. Ngoài Molnupiravir thì còn những loại thuốc kháng virus nào khác trên thị trường? Và quan điểm của BS về những loại thuốc này như thế nào?

Để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chưa cần phải nhập viện, ngoài Molunpiravir, theo hướng dẫn FDA Hoa kì có 3 loại thuốc được xác định là có hiệu quả để giảm nguy cơ diễn tiến nặng là Paxlovid (thuốc uống), các thuốc kháng thể đơn dòng và Remdesivir (thuốc truyền tĩnh mạch). Tuy nhiên các thuốc này rất hiếm ở thị trường Việt Nam (Remdesivir có thể có nhưng ở Việt Nam chỉ dành cho bệnh nhân nội trú vì phải truyền tĩnh mạch trong 3 ngày).

Một số thuốc kháng virus khác hiện đang có ở Việt Nam như favipiravir (Avigan) và umifenovir (Arbinol) cũng có thể có hiệu quả nhưng hiệu quả tổng kết từ các nghiên cứu thấp hơn so với Molnupiravir và chưa được Hoa kì đưa vào phác đồ điều trị COVID-19.

return to top