✴️ Giới hạn bình thường Creatinine máu là bao nhiêu?

Mục đích của xét nghiệm creatinine là gì?

Cơ thể sản xuất creatinine với tốc độ ổn định và có thể kiểm tra nồng độ này bằng cách xét nghiệm máu định kỳ.

Do bệnh thận mãn tính có rất ít dấu hiệu rõ ràng, vì vậy việc theo dõi nồng độ creatinine là rất quan trọng. Đo nồng độ creatinine là một phương pháp đơn giản để xác định độ lọc cầu thận (GFR), là một chỉ số về chức năng tổng thể của thận.

Trước khi xét nghiệm cần chuẩn bị gì?

Trước khi tiến hành kiểm tra, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên có thể hỏi các vấn đề liên quan như:

  • Chế độ ăn;
  • Hoạt động thể chất;
  • Các chất bổ sung;
  • Các loại thuốc đang sử dụng hiện tại.

Nên thảo luận về các vấn đề sức khỏe nào và tiền sử gia đình mắc bệnh thận nếu có. Không cần phải nhịn ăn hoặc uống trước khi xét nghiệm máu.

Kết quả thấp hay cao nghĩa là gì?

Thận có chức năng giữ mức creatinine trong máu ở mức bình thường.

Phạm vi tham chiếu điển hình cho creatinine huyết thanh là 60 đến 110 micromole trên lít (μmol/L) (0,7 đến 1,2 miligam trên decilit (mg/dL)) đối với nam giới và 45 đến 90 μmol/L (0,5 đến 1,0 mg/dL) đối với phụ nữ.

Nguyên nhân cho mức độ creatinine cao

Một số nguyên nhân gây ra mức creatinine cao là:

Bệnh thận mãn tính

Khi thận bị tổn thương gây khó khăn trong việc loại bỏ creatinine khỏi máu và khiến nồng độ chất này tăng lên. Kết quả của xét nghiệm creatinine máu có thể dùng để tính GFR, đây là một chỉ số cụ thể hơn có thể giúp đánh giá bệnh thận mãn tính.

GFR từ 60 trở lên là bình thường, GFR dưới 60 có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Mức độ từ 15 trở xuống có thể được xem là suy thận.

Tắc nghẽn ống thận

Sự tắc nghẽn trong dòng chảy của nước tiểu, chẳng hạn như phì đại tiền liệt tuyến hoặc sỏi thận có thể gây tắc nghẽn ống thận. Sự tắc nghẽn này có thể làm suy giảm khả năng hoạt động bình thường của thận gây tăng mức creatinine.

xét nghiệm creatinin máu

Mất nước

Mất nước nghiêm trọng là một yếu tố nguy cơ gây tổn thương thận, điều này sẽ ảnh hưởng đến nồng độ creatinin.

Tăng hấp thụ protein

Thức ăn có thể có tác động đáng kể đến mức creatinine. Ví dụ, protein và thịt nấu chín có chứa creatinine, vì vậy ăn nhiều hơn lượng thịt chứa lượng protein mà cơ thể cần thiết hay bổ sung quá mức lượng protein có thể gây ra tình trạng tăng mức creatinine.

Thử tìm hiểu: Protein – Bao nhiêu là nhiều?

 

Vận động cường độ cao

Creatine có trong cơ bắp và giúp chúng tạo ra năng lượng. Tập thể dục cường độ cao có thể làm tăng nồng độ creatinine bằng cách tăng sự phá hủy cơ.

Tác dụng của một số loại thuốc

Một số loại thuốc kháng sinh và thuốc chẹn H2 có thể làm tăng tạm thời mức creatinine huyết thanh đo được.

Nguyên nhân cho mức thấp

Mức creatinine có thể thấp hơn bình thường vì những lý do sau:

Khối lượng cơ thấp

Bởi vì sự phân hủy cơ tạo ra creatinin, khối lượng cơ thấp có thể dẫn đến mức creatinin thấp.

Người cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc phải tình trạng này hơn khi khối lượng cơ giảm dần theo tuổi tác. Suy dinh dưỡng cũng có thể gây ra khối lượng cơ thấp và mức creatinine thấp.

Các tình trạng mãn tính, chẳng hạn như bệnh nhược cơ hoặc chứng loạn dưỡng cơ, có thể dẫn đến mức creatinine thấp.

Thai kỳ

Mang thai làm tăng lưu lượng máu đến thận dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu và đào thải creatinine nhanh hơn, dẫn đến lượng creatinine thấp hơn.

Giảm cân không khoa học

Giảm cân quá mức hay không khoa học có thể dẫn đến giảm khối lượng cơ, dẫn đến lượng creatinin thấp.

Có thể bạn muốn tìn hiểu: Sụt cân mất kiểm soát

Tóm tắt

Chế độ ăn uống và hoạt động thể chất đóng một vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh nồng độ creatinin trong máu. Tốt nhất nên giữ mức dung nạp protein trong phạm vi khuyến nghị cho độ tuổi và phù hợp với mức độ hoạt động.

Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, nên nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị. Nếu mức độ creatinine trong máu ở mức độ cao trong thời gian dài có nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa thận – tiết niệu. Việc điều trị sớm mức creatinin cao là điều cần thiết để ngăn ngừa bệnh thận nặng hơn.

Tìm hiểu: Cách tính chỉ số eGFR (độ lọc cầu thận)

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top