✴️ Miễn dịch chống vi sinh vật (P1)

Nhiễm trùng là nguyên nhân gây chủ yếu gây bệnh tật và tử vong trên khắp thế giới. Chỉ riêng ở châu Phi, Tổ chức Y tế Thế giới đã ước tính có khoảng 100 triệu người mắc sốt rét. Bệnh nhiễm trùng cũng thu hút sự chú ý của nhiều người bởi các lý do: Sự xuất hiện nhiễm trùng có thể gọi là “mới” như bệnh Legionaires và AIDS; thực tế lâm sàng đã làm biến đổi mô hình nhiễm trùng bệnh viện; ngày càng gia tăng số bệnh nhân bị suy yếu miễn dịch dẫn đến nguy cơ tăng các loại nhiễm trùng cơ hội; có quan niệm cho rằng một số bệnh xảy ra là do đáp ứng của cơ thể đối với vi sinh vật đã tự gây tổn thương cho mình một cách không đặc hiệu; và ngày càng gia tăng các loại bệnh nhập cảng do tăng giao lưu quốc tế theo đường hàng không.

Đối với nhiễm trùng, một cân bằng được duy trì giữa sức chống đỡ của cơ thể và khả năng của vi sinh vật cố gắng để vượt qua sức chống đỡ đó. Sự nghiêng lệch của cân bằng này đã tạo ra độ trầm trọng của bệnh cảnh (Bảng 8.1).

Bảng 8.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến phạm vi và độ trầm trọng của nhiễm trùng

CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN VI SINH VẬT

Số lượng (tức mức độ tiếp xúc)

Động lực vi sinh vật

Đường vào

CÁC YẾU TỐ CỦA CƠ THỂ CHỦ

Tính nguyên vẹn của miễn dịch không đặc hiệu

Khả năng hệ thống miễn dịch

Khả năng di truyền về đáp ứng bình thường đối với từng vi sinh vật

Đã từng tiếp xúc trước hay chưa

Trong phạm vi tài liệu này, chúng ta không bàn luận kỹ về độc lực, cho nên nhiễm trùng xảy ra hay không sẽ phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch có tỏ ra đầy đủ hoặc thích hợp hay không.

 

MIỄN DỊCH CHỐNG VIRUS

Virus và đáp ứng miễn dịch:

Virus có những tính chất độc đáo riêng: Chúng có thể xâm nhập vào mô mà không gây ra một đ áp ứng viêm; chúng có thể nhân lên trong tế bào trong suốt đời sống cơ thể chủ mà không gây ra tổn thương tế bào; đôi khi chúng cản trở một số chức năng đặc biệt của tế bào mà không gây biểu hiện ra ngoài; và cũng có khi virus gây tổn thương mô hoặc cản trở sự phát triển tế bào và rồi biến mất hoàn toàn khỏi cơ thể.

Gần đây, người ta phát hiện được rằng một số bệnh trước đây không rõ nguyên nhân như viêm não xơ hóa bán cấp, bệnh não chất trắng đa tiêu điểm tiến triển (progressive multifocal leukoencephalopathy) bệnh Creuzfeld - Jacob, bệnh Curu lại là những bệnh có liên quan đến virus hoặc những vật thể giống virus. Biểu hiện lâm sàng của bệnh virus rất đa dạng và một số ví dụ được trình bày ở (Bảng 8.2).

Nhóm virus herpes bao gồm ít nhất 60 virus, trong đó có 5 con rất hay gây bệnh cho người: Herpes simplex (HSV) typ 1, HSV typ 2, Varicella zoster (VZV), cytomegalovirus (CMV) và Epstein-Barr (EBV). Có hình ảnh bệnh lý chung cho tất cả các virus nhóm herpes ở người, đó là: Một, để truyền được người này sang người khác phải có sự tiếp xúc gần gũi trực tiếp, trừ việc truyền máu và ghép cơ quan là đường truyền hiệu quả nhất của CMV. Hai, sau lần nhiễm đầu tiên virus herpes sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời.

Để hạn chế sự lan tỏa của virus và phòng ngừa tái nhiễm hệ thống miễn dịch phải có khả năng chặn đứng sự xâm nhập của các hạt virion và tế bào cũng như loại bỏ các tế bào bị nhiễm để giảm nơi cư trú của virus. Như vậy, các phản ứng miễn dịch có hai loại: Một loại để tác động lên các hạt virus và một loại tác động lên tế bào nhiễm. Một cách tổng quát, đáp ứng miễn dịch chống virion có xu hướng trội về thể dịch còn đáp ứng tế bào thì tác dụng lên tế bào nhiễm virus. Cơ chế thể dịch chủ yếu là trung hòa, nhưng phản ứng thực bào phụ thuộc bổ thể và phản ứng ly giải phụ thuộc bổ thể cũng có thể xảy ra.

Trung hòa virus ngăn cản sự tiếp cận của chúng đến các tế bào đích. Đây là chức năng của kháng thể IgG trong dịch ngoại bào và của IgA trên bề mặt niêm mạc. Chúng ta cần nhớ rằng, chỉ những kháng thể chống lại các thành phần chịu trách nhiệm về khả năng tiếp cận mới có tính trung hòa: Sự tạo ra kháng thể có độ đặc hiệu chính xác là nguyên tắc cơ bản để sản xuất vacxin virus. Những kháng thể chống lại những kháng nguyên không cần thiết không chỉ không có tác dụng bảo vệ mà còn tạo điều kiện để hình thành phức hợp miễn dịch.

Mặt dù chỉ cần kháng thể IgG là đủ để trung hòa hầu hết virus, nhưng sự hoạt hóa bổ thể tỏ ra cũng rất có ích trong việc làm tăng cường khả năng loại trừ virus. Sự ly giải virus cũng có thể thực hiện chỉ nhờ vào b ổ thể mà không cần có kháng thể. Một số virus như EBVcó thể gắn với C1 và hoạt hóa bổ thể theo đường cổ điển để cuối cùng là hạt virion bị ly giải.

Miễn dịch qua trung gian tế bào liên quan tế bào bị nhiễm virus hơn là virus tự do. Lymphô T nhận diện virus trong sự phối hợp với các glycoprotein của phức hệ hòa hợp mô chủ yếu (MHC). Tế bào T gây độc sẽ ly giải tế bào đã bị virus đột nhập hoặc làm thay đổi kháng nguyên bề mặt. Như vậy, miễn dịch tế bào (tế bào T) chịu trách nhiệm trong quá trình hồi phục sau nhiễm virus, chứ không phải trong giai đoạn cấp tính của bệnh.

Bảng 8.2. Hình ảnh lâm sàng của nhiễm virus herpes

Loại virus

Biểu hiện lâm sàng

Chất lây truyền

Nơi tiềm ẩn

Herpes simplex typ 1

Viêm miệng -lợi cấp

Herpes simplex

Viêm giác-kết mạc

Viêm não

Nhiễm trùng lan tỏa

Tổn thương da khu trú

Chất tiết miệng –đường hô hấp

Tiếp xúc da

Hạch dây V

Herpes simplex typ 2

Herpes sinh dục

Viêm màng não

Nhiễm trùng lan tỏa

Tổn thương da khu trú

(Ung thư cổ tử cung )

Dường sinh dục

Qua bào thai

Hạch cùng

Varicela zoster

Thủy đậu

Thủy đậu tiến triển

Thủy đậu bẩm sinh

Herpes zoster

Herpes zoster lan tỏa

Chất tiết miệng –đường
hô hấp
Tiếp xúc da
Bẩm sinh

Hạch rễ ngực

Cyto-megalo
-virus (CMV)

Nhiễm CMV bẩm sinh

Viêm gan

Viêm phổi

Viêm võng mạc

Đơn nhân nhiễm CMV

Đơn nhân nhiễm khuẩn

Bẩm sinh

Qua bào thai

Miệng – hô hấp

Sinh dục

Không rõ, có thể do truyền máu, ghép

Bạch cầu

Tế bào biểu mô tuyến mang tai, cổ tử cung, ống thận

Epstein Barr
(EBV)

U lympho Burkitt

Ung thư vòm

Chất tiết miệng – đường hô hấp

Lympho B

Tế bào biểu
mô vòm hầu

Đa số nhiễm trùng virus đều tự giới hạn. Trên một số người, virus có thể tạo ra triệu chứng lâm sàng trong lúc đó trên một số người khác thì bệnh không bao giờ vượt quá giai đoạn tiền lâm sàng. Sự hồi phục sau nhiễm trùng virus cấp thường để lại tính miễn dịch lâu dài và ít khi cơ thể bị tấn công lần hai bởi cùng loại virus đó.

 

Tác động trực tiếp của virus:

Hướng tính của virus (viral tropism) là một yếu tố cơ bản để xác định tầm quan trọng lâm sàng của nhiễm trùng virus, là một nhiễm trùng phụ thuộc không những vào số lượng tế bào bị phá hủy còn phụ thuộc vào chức năng của những tế bào đó. Sự phá hủy một số lượng nhỏ tế bào có chức năng biệt hóa cao như dẫn truyền thần kinh hoặc điều hòa miễn dịch cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Ngược lại, sự phá hủy một lượng lớn những tế bào ít biệt hóa như tế bào biểu mô chẳng hạn nhưng hậu quả lại ít trầm trọng hơn nhiều.

Càng ngày người ta càng hiểu biết nhiều hơn về các thụ thể virus và tương tác giữa thụ thể này với virus. Virus Epsptein-Barr dùng thụ thể của C3b (tức CR2), còn HIV thì lại dùng thụ thể CD4 để làm nơi xâm nhập vaìo tế bào đích trong hệ thống miễn dịch .

Một khi vào trong tế bào, virus có thể giết tế bào bằng nhiều cách. Một số virus như polyovirus, adenovirus và các sản phẩm của chúng có thể ức chế các enzym cần thiết cho sự nhân lên hoặc chuyển hóa tế bào. Một số virus khác có thể phá hủy cấu trúc nội bào như tiêu thể chẳng hạn làm giải phóng ra các enzym độc hại làm chết tế bào. Trong một số trường hợp, protein của virus gắn với màng tế bào làm thay đổi tính chất của nó: Ví dụ như virus sởi có hoạt tính gây hòa màng làm cho các tế bào kết hợp với nhau thành những hợp bào (syncytia).

Một số virus có thể làm thay đổi chức năng đã chuyển hóa của tế bào mà không giết chết chúng. Những tế bào này thường là tế bào của hệ miễn dịch, thần kinh trung ương hoặc hệ nội tiết. Ví dụ các virus sởi, cúm, CMV thường nhiễm vào tế bào lympho người và biến đổi chức năng của chúng. Trong suốt thời kỳ nhiễm trùng, các virus biến tướng được sinh sản một cách chọn lọc trong lách và có thể ức chế sự hình thành các tế bào T gây độc. Hậu quả là virus không bị loại bỏ khỏi cơ thể mà sống suốt đời với ký chủ.

 

Xem tiếp phần 2

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top