✴️ Xét nghiệm u nang buồng trứng - phát hiện sớm hạn chế biến chứng

Nội dung

1. Các dạng u nang buồng trứng 

Các dạng u nang buồng trứng

  • U nang cơ năng: Khối u phát sinh do sự rối loạn hoạt động nội tiết của buồng trứng.

- Nang bọc noãn: Nang trứng khi chín thì không vỡ, không rụng trứng, mà tiếp tục lớn lên cùng chế tiết estrogen khiến người bệnh chậm kinh. Xuất hiện chảy máu nhiều trong ổ bụng và cần phải mổ cấp cứu khi nang vỡ đôi.

- Nang hoàng tuyến: Thường gặp ở người bệnh chửa trứng, đa thai, ung thư nguyên bào nuôi hay người bệnh điều trị vô sinh.

  • U nang thực thể: Đây là khối u có nguy cơ ung thư hóa do có sự biến đổi về tổ chức học buồng trứng, cụ thể: 
  • U nang nước buồng trứng: Dạng thường gặp, chiếm tới khoảng 40% các khối u nang buồng trứng. Trường hợp trên bề mặt khối u có các mạch máu tăng sinh, hoặc có các chồi nhú trên mặt hay trong lòng u có thể nghi ngờ ung thư hóa.
  • U nang bì buồng trứng: Khoảng 25% trong các ca mắc phải, thường thấy u quái, cấu trúc u rất đặc biệt, thành khối u có cấu trúc gần giống như da, có lớp sừng, tuyến bã,... thậm chí bên trong nang thường có chứa răng, tóc, bã đậu,...
  • U nang nhầy buồng trứng: chiếm khoảng 20% trong số các khối u buồng trứng, kích thước to có khi lên đến vài chục kg và thường hay dính vào các tổ chức xung quanh.
  • Lạc nội mạc tử cung dạng u nang: Trường hợp này, nội mạc tử cung phát triển trên bề mặt của buồng trứng làm phá hủy các tổ chức buồng trứng lành khác. 

2. Các xét nghiệm u nang buồng trứng

Để chẩn đoán u nang buồng trứng cần kết hợp giữa lâm sàng và các xét nghiệm để có thể kết luận kịp thời với độ chính xác cao. 

2.1 Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng dựa trên các nhóm triệu chứng bao gồm:

  • Triệu chứng cơ năng: Tuổi tác, tình trạng gia đình, tiền sử sinh đẻ, ngày kinh cuối cùng, các diễn biến cơ năng khác (nếu có) theo mô tả của người bệnh.

  • Triệu chứng tổng quát: Rất ít ảnh hưởng nhưng có thể có gặp các biến chứng cần can thiệp ngoại khoa cấp cứu như xoắn u, ung thư hóa,... Trong một số trường hợp người bệnh có dấu hiệu chèn ép tĩnh mạch dẫn đến phù hai chân.

  • Triệu chứng thực thể: Thăm khám phụ khoa, khám bằng mỏ vịt, tiếp đó khám âm đạo, khám trực tràng cùng phối hợp với khám bụng.

2.2 Xét nghiệm u nang buồng trứng

  • Thử thai: Loại trừ khả năng mang thai 

  • Siêu âm: Nhằm đánh giá tình trạng khối u bao gồm kích thước, hình dạng, vị trí, sơ bộ đánh giá dạng khối u. Đồng thời, cũng đánh giá tình trạng của ổ bụng, tử cung và các tổ chức khác thuộc phần phụ.

  • Chụp Cộng hưởng từ (MRI - Magnetic Resonance Imaging) hoặc Chụp cắt lớp (CT - Computed Tomography): MRI giúp làm rõ kết quả siêu âm còn CT cần cho chẩn đoán tình trạng lan rộng của khối u.

  • Xét nghiệm huyết thanh CA-125 (CA: Cancer Antigen): CA-125 là một loại protein và được gọi là chất chỉ điểm ung thư. Loại Protein này sẽ xuất hiện nhiều trong máu khi có sự hiện diện của tế bào u nang buồng trứng. Xét nghiệm này thường được chỉ định trong trường hợp cần sàng lọc ung thư buồng trứng đối với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Đồng thời, xét nghiệm này cũng được ứng dụng để theo dõi điều trị ung thư hay kiểm tra ung thư tái phát.

  • Kiểm tra nồng độ hormon: Xét nghiệm công thức máu để kiểm tra nồng độ LH, FSH, estradiol,  testosterone có trong cơ thể.

  • Thử thai: Việc điều trị u nang buồng trứng ở một người bệnh đang có thai và không có thai là hoàn tác khác nhau. Bên cạnh đó, thử thai để chẩn đoán phân biệt với có thai ngoài tử cung bởi triệu chứng khá giống nhau.

Các xét nghiệm u nang buồng trứng

3. Các biến chứng của U nang buồng trứng

Biến chứng biểu hiện sớm hay muộn phụ thuộc vào từng người bệnh. Trong một vài trường hợp biến chứng lại là một cơ hội chẩn đoán bệnh: 

  • Xoắn u nang: Hiện tượng xoắn u nang có thể xảy ra với tất cả các loại u, trong đó u nhỏ với cuống dài, không dính là những u dễ bị xoắn hơn cả. Người bệnh có biểu hiện: đau bụng dữ dội và liên tục, có thể buồn nôn, nôn. 

  • Vỡ nang: Người bệnh thường đau bụng một cách đột ngột, liên tục, ấn xuống hạ vị (vùng thấp nhất của bụng) và hai hố chậu thấy đau. Một vài trường hợp vỡ nang gây chảy máu trong, người bệnh có thể có choáng do mất máu. 

  • Chèn ép các tạng xung quanh: Biến chứng này thường xuất hiện muộn khi u đã phát triển lâu, kích thước lớn dần. Khối u chèn ép lên bàng quang gây tiểu rắt, chèn ép trực tràng gây táo bón. Đối với những khối u rất lớn có thể chèn ép cả tĩnh mạch chủ dưới gây phù chi dưới.

4. Khi nào nên xét nghiệm u nang buồng trứng và nên xét nghiệm ở đâu?

Khi chưa có biến chứng, khối u nang buồng trứng thường có các triệu chứng rất mơ hồ và không đặc hiệu như chậm kinh, rối loạn kinh nguyệt, cảm giác đau tức vùng bụng dưới. Thăm khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm khối u nang buồng trứng. Siêu âm là một phương pháp đơn giản cho phép định dạng loại u nang và phát hiệu các yếu tố nghi ngờ ác tính. Do đó, đối với phụ nữ đang ở độ tuổi sinh nở đặc biệt là phụ nữ đã quan hệ tình dục việc khám phụ khoa định kỳ rất quan trọng và có ý nghĩa đối với việc chẩn đoán bệnh. 

Siêu âm là một xét nghiệm hình ảnh đơn giản nên bạn có thể thực hiện ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh nào. Tuy nhiên, để có được kết quả chẩn đoán chính xác khi có các dấu hiệu nghi ngờ u nang sau siêu âm thì bạn cần tìm đến các cơ sở xét nghiệm chuyên nghiệp để có thể đánh giá tình trạng khối u nang.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top