Cách sử dụng đúng An cung ngưu hoàng hoàn

Theo lý luận của y học cổ truyền, ACNHH được xếp vào nhóm thuốc khai khiếu. đồng thời nó cũng là thuốc “lương khai”. Thuốc lương khai (khai khiếu mát) là thuốc vừa có tác dụng khai khiếu vừa có tác dụng làm mát để làm giảm bớt sức nóng bên trong cơ thể, trong tạng phủ, trong huyết mạch.

Thuốc ACNHH được dùng phổ biến cho các trường hợp bệnh nặng và nguy cấp.

Sau đây xin giới thiệu một số trường hợp có thể dùng ACNHH:

Dùng trong chứng trúng phong. Theo YHCT không có bệnh danh tai biến mạch máu não (TBMMN). Tuy nhiên, các triệu chứng biểu hiện của TBMMN đều có trong chứng trúng phong của YHCT. Vì vậy, TBMMN thuộc phạm vi chứng trúng phong của YHCT. Cũng vì thế mà ACNHH được dùng phổ biến trong các bệnh TBMMN. Theo YHHĐ, TBMMN được phân thành xuất huyết não và nhồi máu não và điều trị khác nhau. Còn theo YHCT, chứng trúng phong gồm có hai mức độ: trúng phong kinh lạc và trúng phong tạng phủ. Với trúng phong kinh lạc không dùng ACNHH. Trúng phong tạng phủ, ACNHH được chỉ định nhưng cũng chỉ dùng ở thể dương bế trong bế chứng và chống chỉ định: Thoát chứng trong trúng phong tạng phủ.

Dùng trong ôn bệnh

Ôn bệnh là các bệnh sốt cấp tính thuộc nhiệt, thường phát theo mùa, là bệnh truyền nhiễm, có khi lây lan thành vụ dịch.

ACNHH có chỉ định khi bệnh đã tiến sâu vào tâm, dinh, huyết (bệnh thuộc lý), người bệnh có biểu hiện mê sảng, co giật, hôn mê, xuất huyết nhiều, phát ban.

Dùng trong một số bệnh nội khoa khác: kiết lỵ: thuộc thể độc lỵ; hoàng đản thuộc thể cấp hoàng; sốt rét: thuộc thể ác tính.

Nhìn chung, khi sử dụng các thuốc YHCT để điều trị bệnh thì cần phải nắm vững lý luận của YHCT. Người thầy thuốc YHCT đều phải xác định bệnh đó thuộc biểu hay lý (phía ngoài hay phía trong cơ thể), thuộc hàn hay nhiệt (nóng hoặc lạnh), thuộc hư hay thực.

Xét theo lý luận của YHCT, thuốc ACNHH được dùng như sau:

Thứ nhất: thuốc ACNHH chỉ dùng cho ôn bệnh.

Thứ hai: chỉ dùng ACNHH khi bệnh độc rất mạnh, đề kháng của cơ thể cũng rất mạnh.

Thứ ba: ACNHH chỉ dùng khi bệnh nhân rất nhiệt, sốt rất cao, vật vã, mê sảng.

Tóm lại là bệnh thuộc phần lý, thuộc phần thực, thuộc nhiệt mới có chỉ định dùng ACNHH.

Bài viết này chỉ nói về ACNHH nguyên phương của tài liệu kinh điển. Hiện nay, thuốc này đã được các nhà sản xuất cải tiến, thêm bớt hoặc thay thế các vị thuốc có trong bài thuốc thì cần phải thời gian nghiên cứu thêm nữa.

 

Các loại trúng phong

Theo YHCT, trúng phong được chia thành nhiều thể, tùy thuộc mỗi thể có cách điều trị riêng:

Trúng phong kinh lạc: Bệnh nhân không hôn mê, đột nhiên miệng mặt méo, cảm giác tê bì, co cứng, nói ngọng, nước giãi chảy ra bên góc miệng, có thể liệt nửa người, có thể sốt, đau nhức toàn thân, mạch nhu huyền.

Trúng phong tạng phủ chia làm hai loại bế chứng và thoát chứng.

- Bế chứng: Bệnh nhân hôn mê: đột nhiên ngã rồi hôn mê, co cứng, bàn tay nắm chặt, không duỗi (xòe) ra được. Hai hàm răng cắn chặt, toàn thân cứng đờ.

Ở thể dương bế: Ngoài triệu chứng chung còn có biểu hiện: mình nóng, trạng thái bứt rứt, vật vã, mắt đỏ, hơi thở hôi, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ. Mạch huyền hoạt sác (căng, trơn, nhanh).

Ở thể âm bế: Ngoài triệu chứng chung còn biểu hiện: trạng thái li bì, chân tay lạnh, sắc mặt nhợt trắng, môi thâm, rất nhiều đờm dãi gây bế tắc. Rêu lưỡi trắng nhầy, mạch trầm hoãn hoạt (ấn sâu mới thấy, trơn).

- Thoát chứng: Bệnh nhân hôn mê sâu: đột nhiên choáng, ngã lăn xuống sàn hôn mê. Toàn thân duỗi thẳng, mềm nhũn, chân tay lạnh, bàn tay xòe ra, miệng há, mắt nhắm, mặt tái nhợt, hơi thở rất yếu, đại tiểu tiện không tự chủ, lưỡi mềm như héo rủ..., vã mồ hôi, mạch vi tế.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top