✴️ Chất quý gì trong đông trùng hạ thảo?

Nội dung

Sở dĩ đông trùng hạ thảo luôn được xem như một loại thảo dược quý hiếm là bởi vì trong thành phần của nó có chứa rất nhiều dược chất có công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, như: 17 loại acid amin khác nhau, nucleoside, nucleobase, D-mannitol, lipit, nhiều nguyên tố vi lượng và vitamin,… Trong đó đáng giá nhất là Cordycepin, là loại hoạt chất hay được “tung hô” như là một thành phần hoạt tính độc đáo chỉ của riêng đông trùng hạ thảo, với công dụng phòng chống và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh máu trắng, nâng cao hệ miễn dịch và chống oxi hóa,…

Hoạt chất Cordycepin có thể được tìm thấy ở một số loài nấm khác, chứ không phải chỉ có riêng ở đông trùng hạ thảo. Cordycepin có cấu trúc hóa học tương tự với Adenosine (một trong 4 loại nucleoside tham gia cấu tạo nên RNA), chỉ khác là ở vị trí 3’ của Cordycepin là deoxy(-H) thay vì hydroxyl(–OH) như Adenosine. Nhờ có sự giống nhau tương tự này mà Cordycepin có thể can thiệp vào nhiều quá trình sinh hóa và phân tử khác nhau trong tế bào:

  • Ức chế con đường sinh tổng hợp purin: Khi vào bên trong tế bào, Cordycepin dễ dàng bị phosphoryl hóa thành 5′ mono-, di- và tri-phosphat giúp ức chế hoạt động của các enzym như ribose-phosphat pyrophosphokinase và 5-phosphoribosyl-1-pyrophosphat amidotransferase được sử dụng trong sinh tổng hợp purin.
  • Gây kết thúc sớm quá trình phiên mãBởi vì có sự giống nhau với Adenosine nên một số enzym RNA polymerase không thể phân biệt giữa Adenosine và Cordycepin, dẫn đến việc tuyển dụng Cordycepin thay vì Adenosine cho quá trình tổng hợp RNA (phiên mã). Điều này gây ra kết thúc sớm quá trình phiên mã, do Cordycepin không có nhóm -OH ở vị trí 3′, đóng vai trò quan trọng trong kéo dài mạch RNA.
  • Can thiệp vào con đường truyền tín hiệu mTORmTOR (mammalian Target Of Rapamycin) đóng vai trò rất quan trọng trong điều chỉnh quá trình dịch mã. Khi các yếu tố tăng trưởng liên kết với thụ thể yếu tố tăng trưởng, PI3K (Phosphatidyl Inositol 3 Kinase) sẽ được kích hoạt, làm chuyển đổi PIP2 (Phosphatidyl Inositol Bisphosphate) thành PIP3 (Phosphatidyl Inositol Trisphosphate). PIP3 tiếp tục kích hoạt PDK1 (Phosphoinositide Dependent protein Kinase 1). Sau đó, PDK1 sẽ phosphoryl hóa AKT-1-Kinase và làm cho nó hoạt hóa một phần, phức hợp mTORC2 sẽ giúp AKT-1-Kinase kích hoạt hoàn toàn. AKT-1-Kinase sau đó sẽ kích hoạt phức hợp mTORC1 dẫn đến quá trình phosphoryl hóa 4EBP1 (cơ chế kìm hãm dịch mã), làm cho 4EBP1 bị bất hoạt và do đó quá trình dịch mã có thể bắt đầu. Cordycepin có thể kích hoạt AMPK, làm ngăn chặn hoạt động của phức hợp mTORC1 và mTORC2 theo cơ chế vẫn chưa rõ. Phức hợp mTORC2 bị bất hoạt dẫn đến AKT-1-Kinase sẽ không được kích hoạt hoàn toàn, làm ngăn chặn sự truyền tín hiệu mTOR, gây ức chế quá trình dịch mã, ức chế tăng sinh và phát triển tế bào, giúp ngăn ngừa ung thư.

Trong số các hợp chất chống ung thư tự nhiên, Cordycepin được coi là một hoạt chất có hoạt tính chống lại ung thư mạnh mẽ, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều loại ung thư, bao gồm u thần kinh đệm, ung thư miệng, vú, phổi, ung thư biểu mô tế bào gan, bàng quang, đại trực tràng, tinh hoàn, tuyến tiền liệt, ung thư tế bào hắc tố và ung thư tế bào máu thông qua khả năng điều chỉnh nhiều con đường tín hiệu liên quan đến sự tăng sinh tế bào, khả năng sống của tế bào, tế bào chết theo chương trình (apoptosis), sự xâm lấn (invasion), sự di căn (metastasis), sự hình thành mạch máu (angiogenesis) và miễn dịch ung thư. Ngoài ra, Cordycepin còn có công dụng chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh, bảo vệ tim mạch, trị hen suyễn, trị tiểu đường, trị máu nhiễm mỡ, chống loãng xương, chống trầm cảm, xơ mô kẽ thận, bảo vệ da và kháng virus.

Tuy nhiên, bên cạnh các công dụng dược học tuyệt vời này, nhiều bài báo cũng đã cho thấy các nhược điểm bất lợi của Cordycepin, bao gồm: gây độc đối với ngay cả các tế bào hồng cầu khỏe mạnh; làm suy yếu gan và thận ở chuột; có tính ổn định hóa học kém do độ hòa tan trong nước thấp, dễ mất hoạt tính dưới điều kiện acid dạ dày, có thời gian bán hủy ngắn và dễ bị đào thải nhanh chóng, ngụ ý rằng Cordycepin có thể không thực sự đem lại hiệu quả nếu được hấp thụ theo đường miệng.

Nhìn chung, tất cả các ưu điểm cũng như nhược điểm dược học của Cordycepin đã được nêu ở trên đều chỉ được chứng minh trên các mô hình chuột hoặc tế bào. Điều này đồng nghĩa với việc liệu tác động của Corycepin khi được sử dụng trên người có thực sự đạt được kết quả như vậy hay không thì vẫn chưa chắc chắn được. Do đó, các thử nghiệm lâm sàng là cần thiết để trả lời câu hỏi này. Theo tìm hiểu, hiện nay, chỉ có 1 thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành và cho thấy: Cordycepin (100 mg mỗi ngày) góp phần chống lại sự tiến triển của bệnh thận mạn (tiến hành trên 98 bệnh nhân) thông qua tác động lên con đường truyền tín hiệu oxy hóa khử TLR4/NF-κB. Mặc dù thử nghiệm này cho kết quả tích cực, tuy nhiên cỡ mẫu của thử nghiệm này vẫn còn nhỏ. Do đó, trước khi có các kết quả từ các thử nghiệm trên cỡ mẫu lớn hơn thì người tiêu dùng vẫn cần thận trọng khi sử dụng Cordycepin cho mục đích điều trị bệnh thận mạn. Tóm lại, vẫn còn nhiều câu hỏi về tính chất dược học của Cordycepin chưa được kiểm chứng, nên hiện tại, Cordycepin chỉ có thể được xem là một hoạt chất có tiềm năng dược học rộng rãi. Về mặt tây y, Cordycepin vẫn chưa được tây y công nhận do hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc Cordycepin nào được FDA công nhận cho điều trị bất kỳ bệnh nào. Do đó, việc tự ý sử dụng Cordycepin trong đông trùng hạ thảo theo kinh nghiệm truyền miệng dân gian là phải rất thận trọng. Hy vọng trong tương lai gần, sẽ có nhiều thử nghiệm lâm sàng hơn được tiến hành nhằm kiểm chứng tính hiệu quả và an toàn của Cordycepin.

Mặc dù, Cordycepin là một hoạt chất có tiềm năng dược học rộng rãi, đã được chứng minh trên nhiều nghiên cứu ở chuột và tế bào. Tuy nhiên, hiện tại, Cordycepin vẫn chưa được tây y chấp thuận như một loại thuốc chữa bệnh. Do đó, việc tự ý sử dụng Cordycepin trong đông trùng hạ thảo theo kinh nghiệm truyền miệng dân gian là phải rất thận trọng. Đặc biệt là trong lúc tình trạng đại dịch Coronavirus bùng phát mạnh mẽ như hiện nay, Cordycepin trong đông trùng hạ thảo vẫn chưa được xem như là một liệu pháp giúp điều trị Covid-19. Người tiêu dùng nên thận trọng khi mua các sản phẩm đông trùng hạ thảo cho mục đích này. Mặc dù, hiện nay, đa số các sản phẩm “đông trùng hạ thảo” trên thị trường đều có bản chất là nhộng trùng thảo, tuy nhiên không phải vì điều này mà chối bỏ nhộng trùng thảo. Dưới điều kiện môi trường nuôi cấy nghiêm ngặt, nhộng trùng thảo vẫn có thể cho các thành phần dược chất còn cao hơn cả đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top