✴️ Điều trị sỏi đường mật theo y học cổ truyền

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Y học hiện đại

Khái niệm

Sỏi đường mật là bệnh tạo sỏi trong hệ thống đường dẫn mật (bao gồm túi mật và đường dẫn mật), thành phần hóa học của sỏi như sau:

Sỏi cholesterol chiếm 14,8%. Loại sỏi này không cản quang và thường chỉ có một viên, màu vàng sẫm, hình bầu dục hoặc tròn.

Sỏi sắc tố mật chiếm 3,2%. Loại sỏi này nhỏ và cứng, có màu xanh hoặc nâu hoặc óng ánh đen, thành phần có sắc tố mật và calcium, kém cản quang.

Sỏi hỗn hợp chiếm 52%; thành phần chủ yếu là cholesterol 94%, sắc tố mật 3%, calcium 2%. Loại sỏi này cản quang và thường có nhiều viên.

Sỏi carbonat calcium: sỏi có thể phối hợp hoặc không phối hợp với bilirubin calcique, sỏi có tính cản quang.

Sỏi túi mật thường là sỏi cholesterol, sỏi đường mật thường là do sắc tố mật gây nên. Bệnh sỏi mật với bệnh viêm đường mật thường có quan hệ nhân quả.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của sỏi đường mật phụ thuộc vào kích thước sỏi, tính chất sỏi, vị trí sỏi và các triệu chứng kết hợp khác.

Sỏi di chuyển ở đường mật:

Sỏi từ túi mật di chuyển xuống ống túi mật hoặc ống mật chủ luôn gây cảm giác bứt rứt. Do cơ trơn của túi mật hoặc ống mật chủ giãn hay co thắt để tống sỏi nên có thể gây cơn đau quặn gan. Cơn đau quặn gan thường xảy ra sau khi ăn hoặc ăn nhiều chất béo hoặc bị chấn thương vùng bụng. Vị trí đau thường ở mạn sườn hoặc vùng bụng trên. Cơn đau thường dữ dội làm bệnh nhân đứng ngồi không yên, ra mồ hôi nhiều, sắc mặt trắng bệch, buồn nôn và nôn. Thời gian cơn đau ngắn, ít khi vượt quá vài giờ. Khi sỏi di chuyển lại về túi mật hoặc xuống tá tràng thì hết đau, có lúc do giãn cục bộ đường mật thì đau cũng giảm.

Sỏi ở túi mật:

Sỏi ở vị trí này thì thường không gây cơn đau quặn gan. Do rối loạn bài tiết mật nên cũng gián tiếp ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của tuyến tụy nên bệnh nhân thấy xuất hiện cảm giác đầy tức vùng mạn sườn phải hoặc vùng thượng vị; hoặc thấy nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua. Nếu kèm theo viêm nhiễm thì có thể xuất hiện sốt, đau vùng hạ sườn phải, ấn điểm túi mật đau, có thể sờ thấy túi mật.

Sỏi ở ống túi mật:

Sỏi làm tắc ống túi mật nên gây cơn đau quặn gan, túi mật căng to. Trường hợp bị mạn tính thì túi mật thường giãn, bên trong chứa nhiều dịch lỏng. Nếu bị bội nhiễm thì gây viêm túi mật hoặc mủ túi mật.

Sỏi ống mật chủ:

Sỏi di chuyển trong ống mật chủ gây tắc mật. Lúc này, ngoài triệu chứng đau quặn gan ra, còn thấy vàng da, viêm đường mật. Khi ứ mật ở ống mật chủ có thể gây viêm mủ đường mật, sốt cao, rét run, vàng da, bạch cầu trong máu tăng, huyết áp hạ, có thể rối loạn ngôn ngữ, hôn mê. Khi sỏi di chuyển vị trí hoặc xuống được hành tá tràng thì vàng da và sốt sẽ giảm.

Sỏi trong gan:

Sỏi trong gan thường có màu vàng xanh hoặc dạng sỏi bùn. Trung tâm viên sỏi có thể tìm thấy xác trứng giun. Sỏi có thể thấy ở cả gan phải và gan trái, có thể thấy nhiều viên. Bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng như sốt, vàng da, sợ lạnh từng đợt. Chức năng gan có thể bị tổn thương nhưng chức năng túi mật vẫn bình thường. Biến chứng của nó tương đối nguy hiểm: viêm mủ đường mật, áp xe gan, xuất huyết đường mật…

Bệnh sỏi của người phương Đông có sự khác biệt so với người phương Tây về tỷ lệ mắc bệnh, tuổi, giới. Người phương Tây thường mắc bệnh sỏi đường mật với tính chất sỏi là cholesterol, còn người phương Đông mắc bệnh sỏi thường do sắc tố mật gây nên.

Ở Việt Nam thường gặp là sỏi đường mật (chiếm 95%) và hay gây viêm đường mật.

Cận lâm sàng

Siêu âm: siêu âm là phương pháp đầu tiên nên kiểm tra, có thể phát hiện được vị trí của sỏi mật, túi mật có bị giãn không; nói chung, phương pháp này tương đối chính xác (đạt khoảng 96%).

Chụp cản quang đường mật: bằng thuốc uống hoặc tiêm, nếu có sỏi thì sẽ thấy hình ảnh khuyết ở túi mật. Sỏi túi mật thường là sỏi cholesterol nên không cản quang, một số sỏi có thể có calci thì sẽ thấy hình cản quang đậm.

Nội soi qua đoạn II tá tràng: không nên dùng phương pháp này nếu bệnh nhân nghi bị viêm tụy cấp.

Biến chứng

Viêm đường mật.

Thủng túi mật.

Xuất huyết đường mật.

Viêm tụy cấp.

Áp xe gan.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm tuỵ cấp.

Cơn đau do viêm loét dạ dày - hành tá tràng, cơn đau quặn thận.

Tắc ruột, lồng ruột.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các chứng miêu tả trong bệnh sỏi đường mật thuộc phạm trù hiếp thống, hoàng đản, vị quản thống, tâm hạ thống.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Rối loạn sơ tiết của can đởm:

Đởm là “trung thanh chi phủ”, có quan hệ biểu lý với can, có tác dụng vận chuyển dịch mật mà không có tác dụng chuyển hóa thủy cốc và chất cặn bã. Chức năng của đởm lấy thông giáng và đi xuống dưới làm thuận.

Nếu do các loại nguyên nhân như tình chí uất ức làm cho can khí không thư thái gây nên khí huyết ứ trệ, can mộc không điều đạt, đởm không thông giáng được nên dịch mật tích trệ, tràn lan ra bì phu gây nên vàng da, đưa xuống bàng quang gây nên tiểu tiện sẫm màu. Dịch mật tích trệ lâu dài, can kinh hun đốt lâu ngày sẽ hình thành nên sỏi mật.

Tổn thương do ăn uống:

Bệnh nhân thích ăn chất béo ngọt, khó tiêu gây nên rối loạn vận hóa tỳ vị, uất mà hóa hỏa hóa nhiệt. Uất nhiệt kết hợp với tỳ thấp lâu ngày không được giải trừ làm cho đởm phủ thông giáng thất thường, dịch mật uất kết lâu ngày gây nên sỏi.

Trùng tích đởm phủ:

Do cảm nhiễm ký sinh trùng gây nên thấp nhiệt uẩn kết trung tiêu, hồi trùng (giun đũa) ăn chất dinh dưỡng và luôn vận động, ký sinh ở đường tiêu hóa có thể xâm nhập vào đường mật làm cho đởm mất “trung thanh” và “hòa giáng” gây nên dịch mật uất trệ, phát sinh thành sỏi và thấp nhiệt.

Tóm lại, các nhân tố trên làm can uất khí trệ, can đởm thấp nhiệt... gây nên can mất sơ tiết làm đởm phủ uất trệ, rối loạn bài tiết dịch mật hoặc do ăn uống không điều độ, cảm nhiễm trùng tích, dịch mật uất trệ làm cho dịch mật kết hợp với khí huyết đàm trọc ngưng kết hình thành nên sỏi.

 

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Biện chứng

Căn cứ vào quá trình phát triển bệnh lý của sỏi mật, kể cả đặc điểm lâm sàng của bệnh mà có thể phân thành ba loại là khí uất, thấp nhiệt và nhiệt độc.

Can uất khí trệ: can đởm khí trệ huyết ứ, sơ tiết thất thường, một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng và gây rối loạn chức năng của tỳ vị.

Thấp nhiệt: bệnh đã nhập lý, thấp nhiệt uất tích gây chứng dương minh phủ thực. Do chứng dương minh phủ thực kết hợp với thấp làm trở trệ trung tiêu, uất lại mà hóa nhiệt. Thấp và nhiệt kết hợp hun đốt can đởm làm cho dịch mật thoát ra ngoài đường mật gây nên vàng da, vàng mắt và tiểu tiện sẫm màu. Nếu yếu tố thấp nặng sẽ thấy rêu lưỡi vàng nhớp; nếu yếu tố nhiệt nặng sẽ thấy rêu vàng khô, mạch thường là hoạt sác hoặc huyền sác.

Nhiệt độc: do chứng dương minh phủ thực phát triển, diễn biến bệnh sẽ nặng và phức tạp, lúc này là do nhiệt nhập doanh huyết.

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị thời kỳ cấp tính thì trị tiêu, dùng pháp khứ tà là chính: sơ can lợi đởm, thanh nhiệt lợi thấp, thông lợi công hạ.

Nguyên tắc điều trị thời kỳ mạn tính thì trị bản, dùng pháp phù chính: kiện tỳ ích khí, sơ can lợi đởm, lý khí chỉ thống.

 

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

Giai đoạn cấp tính

Lâm sàng: đau bụng vùng hạ sườn phải, bệnh nhân nằm ngồi không yên, sắc mặt trắng nhợt, buồn nôn, nôn, đau có thể lan ra sau lưng, có thể có vàng da, sốt, túi mật có thể to, thậm chí dẫn tới viêm túi mật hóa mủ. Sỏi đường mật làm tắc mật gây ngứa ngoài da. Sỏi đường mật trong gan gây đau bụng, sốt, sợ lạnh, gan to và đau, túi mật to.

Do thấp nhiệt uẩn kết ở can đởm hoặc thấp nhiệt hóa hỏa chưng đốt tân dịch tạo thành sỏi gây tắc trở đường mật, khí cơ bế trở làm ảnh hưởng tới sự sơ tiết của can đởm.

Pháp điều trị: sơ can lý khí, thanh nhiệt lợi thấp, lợi đởm bài thạch.

Bài thuốc: Đại sài hồ thang phối hợp với Nhân trần cao thang gia giảm.

 

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì sài hồ có tác dụng sơ can lợi đởm. Hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt giải độc, táo thấp. Chỉ thực, mộc hương có tác dụng hành khí chỉ thống. Uất kim có tác dụng sơ can lợi đởm, hành khí khứ ứ chỉ thống. Nhân trần, chi tử có tác dụng thanh nhiệt hóa thấp lợi đởm. Kim tiền thảo có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp bài thạch. Sinh đại hoàng có tác dụng thanh nhiệt khứ thấp, tả hạ nhiệt tích ở dương minh. Hổ trượng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp và hỗ trợ sài hồ, hoàng cầm sơ can đởm, thanh nhiệt hóa thấp. Bạch thược có tác dụng dưỡng âm nhu can, hoãn cấp chỉ thống, hạn chế các vị thuốc có tính vị đắng táo gây tổn thương âm.

Thực nghiệm đã chứng minh sài hồ, hoàng cầm, đại hoàng, nhân trần, kim tiền thảo, chỉ thực, mộc hương, uất kim, chi tử có tác dụng làm tăng tiết mật; đại hoàng, nhân trần, kim tiền thảo, sài hồ, uất kim, chỉ thực, mộc hương có tác dụng làm hạn chế sự căng giãn túi mật; bạch thược có khả năng điều hòa trương lực cơ đại tràng; sài hồ, hoàng cầm, đại hoàng còn có tác dụng ức chế quá trình viêm đường mật. Các vị thuốc phối hợp với nhau làm tăng cường tiết mật, ức chế quá trình viêm đường mật, làm giảm quá trình viêm, giảm đau, bài thạch.

Nếu đau vùng hạ sườn phải nhiều thì gia xuyên luyện tử 10g, huyền hồ 10g để tăng cường tác dụng sơ can lý khí chỉ thống.

Nếu sốt, rét run thì gia kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, bồ công anh 20g, tử hoa địa đinh 10g để thanh nhiệt giải độc.

Nếu nôn nhiều thì gia bán hạ chế 10g, trúc nhự 12g để hòa vị giáng nghịch cầm nôn.

Nếu đau co cứng bụng, cự án thì gia đan sâm 20g, xích thược 12g để hoạt huyết khứ ứ.

Nếu đại tiện táo bón thì tăng liều đại hoàng hoặc gia huyền minh phấn 12g để tăng cường tác dụng tả hạ thông tiện.

Giai đoạn ổn định

Sỏi mật gây rối loạn sơ tiết của can đởm, sỏi có liên quan với thấp nhiệt ở bên trong nên nguyên tắc điều trị cơ bản là sơ can lợi đởm bài thạch, phối hợp với thanh lợi thấp nhiệt ở can đởm. Nếu bệnh kéo dài cần chú ý đến nhân tố huyết ứ gây trở trệ kinh lạc, mộc bất sơ thổ hoặc mộc vượng thừa thổ. Trên lâm sàng, người thầy thuốc cần chú ý phân biệt để đề ra phương pháp điều trị phù hợp.

Thấp nhiệt uẩn kết

Lâm sàng: đau vùng mạn sườn hoặc vùng trên rốn, không thích xoa nắn, vùng thượng vị căng tức, sốt, khát nước hoặc sốt cao, sợ lạnh hoặc buồn nôn, nôn hoặc mặt, mắt, da vàng, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớp hoặc vàng khô, mạch huyền sáp hoặc hoạt sáp.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, thông lý công hạ.

Bài thuốc: Đại sài hồ thang gia vị.

 

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc này thì sài hồ có tác dụng sơ tà thấu biểu. Đại hoàng có tác dụng tả nhiệt thông phủ. Hoàng cầm có tính vị đắng lạnh, có tác dụng thanh uất nhiệt ở đởm. Chỉ thực có tác dụng hành khí phá kết và khi phối hợp với đại hoàng sẽ có tác dụng hành khí tiêu bĩ. Bạch thược hoãn cấp chỉ thống nên phối hợp với đại hoàng để điều trị đau bụng và phối hợp với chỉ thực để điều hòa khí huyết, điều trị đau tức vùng hạ sườn. Bán hạ có tác dụng hòa vị giáng nghịch và khi phối hợp với sinh khương càng phát huy tác dụng cầm nôn, đồng thời khống chế tính đắng, lạnh của hoàng cầm và đại hoàng. Đại táo hòa trung ích khí, phối hợp với sinh khương để điều hòa doanh vệ và điều hòa các vị thuốc, phối hợp với bạch thược để sinh tân ích âm hoãn cấp. Kim tiền thảo, hải kim sa, kê nội kim có tác dụng tăng cường lợi tiểu trừ thấp, bài sỏi.

Nếu thấp nặng hơn nhiệt thì gia hậu phác 10g, thương truật 10g, xa tiền tử 10g để tăng cường lợi niệu trừ thấp.

Nếu nhiệt độc uẩn thịnh thì gia kim ngân hoa 30g, nhân trần 60g, bồ công anh 30g, hổ trượng 30g để tăng cường thanh nhiệt giải độc.

Nếu buồn nôn và nôn thì gia lô căn 30g.

Nếu bụng đau, trướng thì gia uất kim 10g, huyền hồ 10g, xuyên luyện tử 10g.

Can uất khí trệ

Lâm sàng: đau âm ỉ vùng mạn sườn phải và vùng túi mật; đau nhức, tê mỏi vùng bả vai trái; bụng trướng, đắng miệng, khô họng, bứt rứt, dễ cáu, sợ thức ăn nhiều chất béo, đại tiện xong vẫn không thấy thoải mái, sốt nhẹ, nước tiểu màu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc nhớp, mạch huyền tế.

Pháp điều trị: sơ can lợi đởm.

Bài thuốc: Sài hồ sơ can thang gia vị.

 

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, uống thuốc trước khi ăn.

Trong bài thuốc này thì sài hồ có tác dụng sơ can giải uất. Hương phụ có tác dụng lý khí sơ can và giúp sài hồ giải can uất. Uất kim, xuyên khung hành khí hoạt huyết chỉ thống và giúp sài hồ giải trừ uất trệ kinh can. Trần bì và chỉ xác đều có tác dụng lý khí hành trệ. Bạch thược và cam thảo đều có tác dụng dưỡng huyết nhu can, hoãn cấp chỉ thống. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Nếu đau nhiều thì gia xuyên luyện tử 10g, huyền hồ 10g.

Nếu sốt cao thì gia đan bì 10g, chi tử 10g để tăng cường thanh nhiệt.

Nếu ăn ít thì gia hoắc hương 10g, trạch lan 12g để hóa thấp tỉnh tỳ. Nếu ăn xong bụng trướng thì gia mộc hương 10g, sa nhân 10g để hành khí.

Nếu đại tiện phân nát thì gia hoài sơn 12g, biển đậu 12g để kiện tỳ lợi thấp chỉ tả.

Đàm trọc trở trệ

Lâm sàng: đau tức vùng mạn sườn phải, vùng thượng vị, người béo bệu, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, ăn uống bình thường, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi nhờn, mạch hoạt.

Pháp điều trị: hóa đàm tán kết, kiện tỳ lý khí.

Bài thuốc: Nhị trần thang.

Bán hạ          15g                 Trần bì         15g

Phục linh      10g                Cam thảo      06g

Các vị thuốc trên sắc cùng với sinh khương 07 lát, ô mai 01 quả, uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc này, bán hạ có tính vị cay đắng âm táo; có tác dụng táo thấp hóa đàm, giáng nghịch hòa vị để cầm nôn làm cho vị khí hòa giáng nên không còn nguồn sinh đàm. Trần bì có tác dụng lý khí táo thấp, hòa vị hóa đàm làm cho khí thuận đàm tiêu. Phục linh có tác dụng lợi thấp kiện tỳ, thấp khứ thì đàm sẽ tiêu. Sinh khương có tác dụng giáng nghịch hòa vị, ôn hóa đàm ẩm và giúp cho bán   hạ hóa đàm, đồng thời khống chế bớt độc tính của bán hạ. Ô mai dùng liều nhỏ, vị chua có tác dụng thu liễm để đề phòng thuốc tiêu đàm hành khí và làm giảm tính ôn táo cay tán làm thương âm. Bán hạ và trần bì nhờ ô mai mà táo thấp hóa đàm nên không tổn thương chính khí, ô mai nhờ có bán hạ và trần bì mà liễm âm không bị liễm cả tà. Như vậy, tác dụng tán và thu cùng được dùng trong bài thuốc này. Cam thảo điều hòa các vị thuốc, hoãn hòa tính cay táo của thuốc tiêu đàm, vừa có tác dụng ích khí kiện tỳ để triệt nguồn sinh đàm.

Nếu đàm trọc nặng thì gia thanh mông thạch 12g, tạo giác tử 10g.

Nếu đau bụng nhiều thì gia uất kim 10g, thanh bì 10g.

Ứ huyết tích tụ

Lâm sàng: đau vùng mạn sườn như dao đâm, đau cố định; thăm khám thấy vùng hạ sườn phải có khối u, chất lưỡi tím, mạch sác huyền.

Pháp điều trị: hành khí hoạt huyết, tán sỏi.

Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang gia vị.

 

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì đương quy, xuyên khung, xích thược, đan bì, hồng hoa, đào nhân có tác dụng hoạt huyết khứ ứ, thông lợi huyết mạch. Ô dược, chỉ xác, hương phụ, tam lăng, nga truật có tác dụng hành khí tán kết, sơ đạt khí cơ. Diên hồ sách, ngũ linh chi có tác dụng hành huyết chỉ thống. Kim tiền thảo, kê nội kim có tác dụng lợi niệu tiêu sỏi. Cam thảo điều hòa các vị thuốc.

Nếu vùng mạn sườn trướng đau nhiều thì gia xuyên luyện tử 12g để tăng cường lý khí hoạt huyết chỉ thống.

Phương pháp điều trị kết hợp khác

Châm

Huyệt vị thường dùng: Dương lăng tuyền, Đởm du, Nhật nguyệt.

Nếu nôn nhiều thì gia Nội quan, đau nhiều thì gia Can du, Thượng quản.

Nếu vàng da nhiều thì gia Chí dương, Uyển cốt. Nếu sốt cao thì gia Khúc trì, Nội đình.

Phương pháp châm: tả pháp.

Nhĩ châm

Điểm Can, Tỳ, Đởm, Vị, Hành tá tràng (hoặc gài kim), ngày 01 lần, 30 ngày một đợt.

Phối hợp với ăn uống

Cháo thịt nhân trần kim tiền thảo: thịt nạc 120g, nhân trần 30g, kim tiền thảo 30g nấu cháo ăn; dùng trong sỏi mật thể thấp nhiệt, tuần ăn 03 lần.

Cháo thịt kê cốt thảo: kê cốt thảo 40g, hồng táo 04 quả, thịt nạc lợn 120g nấu cháo ăn; dùng trong thể thấp nhiệt, tuần ăn 03 lần.

Phương thuốc kinh nghiệm của Trung Quốc

Kim tiền thảo 30g, sắc uống hàng ngày, thời gian kéo dài trên nửa năm, có hiệu quả đối với sỏi bùn đường mật và túi mật.

Bài Lợi đởm bài thạch thang: long đởm thảo 12g, nhân trần 12g, chỉ xác 12g, sinh đại hoàng 03g. Bài thuốc này sắc uống trong khoảng 01 năm, áp dụng cho tất cả các thể sỏi mật mà có chỉ định điều trị nội khoa.

Bài Đởm đạo bài thạch thang (Bệnh viện Thanh Đảo): sài hồ 15g, uất kim 15g, hương phụ 15g, chỉ xác 15g, kim tiền thảo 30g, mộc hương 18g, đại hoàng 30g (dùng cho thể khí trệ, thấp nhiệt).

Bài Tiêu thạch thang số 2: sài hồ 10 - 30g, bạch thược 20 - 50g, đan sâm 20g, hải kim sa 50 - 100g, kê nội kim 10 - 50g, cam thảo 10 - 50g, kim tiền thảo 30 - 50g, đại hoàng 05 - 10g. Bài thuốc này sắc uống, ngày 01 thang (dùng cho sỏi trong gan).

Bài Bài thạch thang số 5: kim tiền thảo 30g, mộc hương 10g, chỉ xác 10g, hoàng cầm 10g, xuyên luyện tử 10g (dùng khi sỏi mật thời kỳ ổn định).

Bài Bài thạch thang số 6: hổ trượng 30g, mộc hương 15g, chỉ xác 10g, kim tiền thảo 30g, nhân trần 12g (hoặc chi tử 12g), nguyên hồ 15g, đại hoàng 15g.

Tham khảo phương pháp tổng công bài thạch:

8 giờ: uống thuốc sắc y học cổ truyền theo biện chứng luận trị.

9 giờ 30 phút: tiêm dưới da cafein 5mg.

10 giờ 10 phút: tiêm dưới da atropin 0,5mg.

10 giờ 15 phút: uống thuốc tẩy magnesium sulfat 33%, 40ml.

10 giờ 25 phút: ăn chất béo như trứng rán 02 quả.

10 giờ 30 phút: châm huyệt Đởm du, Nhật nguyệt, Trung quản, Lương môn.

 

KẾT LUẬN

Y học cổ truyền mô tả chứng bệnh sỏi đường mật trong phạm trù hiếp thống, hoàng đản, vị quản thống.

Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến rối loạn sơ tiết của can đởm, ăn uống không điều hòa hoặc do ký sinh trùng ở đường tiêu hóa gây nên.

Nguyên tắc điều trị trong giai đoạn cấp tính thì dùng pháp sơ can lợi đởm, thanh nhiệt lợi thấp, thông lợi công hạ để khứ tà; trong giai đoạn mạn tính thì dùng pháp kiện tỳ ích khí, sơ can lợi đởm, lý khí chỉ thống.

Trong quá trình điều trị, người thầy thuốc chú ý phân tích rõ các giai đoạn bệnh thuộc cấp tính hay mạn tính, kết hợp với y học hiện đại để chẩn đoán và điều trị phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top