✴️ Kinh túc thái âm tỳ

Nội dung

ĐƯỜNG ĐI

Từ góc trong chân móng ngón chân cái, dọc theo đường tiếp giáp da gan và mu chân, tới đầu sau xương bàn chân I, qua bờ trước mắt cá trong, lên cẳng chân chạy dọc phía sau trong xương chày, qua gối, chạy dọc phía trước trong đùi, qua bẹn. 

Lên dọc bụng cách mạch nhâm 4 thốn, đi chếch ra ngoài lên dọc ngực cách mạch nhâm 6 thốn, tới bờ trên xương sườn IV, thì quặt xuống dưới nách, tận cùng ở bờ trên xương sườn VII (huyệt đại bao).

 

LIÊN QUAN

Liên quan tiết đoạn L3 - L4 - L5.

Tương quan biểu lý với kinh vị và liên quan chặt chẽ với kinh đởm.

 

CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ

Điều trị chung: các chứng bệnh ở dạ dày, ruột, sinh dục, tiết niệu. 

Ngoài ra còn điều trị đau khớp ngón chân cái, cổ chân, gối, liệt chi dưới, thống phong (goutt), đau thần kinh chày sau, dị ứng, ngứa, nổi mề đay.

 

HUYỆT VỊ THƯỜNG DÙNG

Ẩn bạch (SP1):

Ẩn bạch là huyệt tỉnh thuộc mộc.

Vị trí: cách gốc móng ngón chân cái về phía trong 0,2 thốn, trên đường tiếp giáp da gan và mu bàn chân.

Điều trị:

Liệt do di chứng trúng phong, đầy bụng, chân lạnh.

Không muốn ăn, nôn, ỉa chảy, băng lậu, điên cuồng,  mạn kinh phong. Kết hợp với huyết hải, khí hải, tam âm giao chữa kinh nguyệt quá nhiều.

Cách châm cứu: châm sâu 0,1 - 0,2 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Thái bạch (SP3):

Thái bạch là huyệt nguyên, huyệt du thuộc thổ.

Vị trí: ở chỗ lõm trên đường tiếp giáp da gan chân và da mu chân, ngang chỗ tiếp nối thân xương và đầu trước xương bàn chân 1.

Điều trị: 

Đau bụng, đầy bụng,  ăn không tiêu, nôn, kiết lỵ, táo bón, thổ tả.

Người nặng nề khó chịu, sốt không có mồ hôi, đau sưng bàn chân.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn, luồn kim dưới xương mũi kim hướng vào lòng bàn chân; cứu 5 - 10 phút.

Công tôn (SP4):

Công tôn là huyệt lạc với kinh vị .

Vị trí: trên đường tiếp giáp da gan chân và mu chân, ngang chỗ tiếp nối thân xương và đầu sau xương bàn chân 1.

Điều trị:

Đau hoặc nóng gan bàn chân đau bụng dưới, đau dạ dày.

Không muốn ăn, nôn, động kinh- kết hợp với túc tam lý, nội quan, nội đình để chữa chảy máu đường tiêu hóa.

Cách châm cứu:  châm sâu 0,5 - 0,8 thốn, luồn dưới xương; cứu 5 - 10 phút.

Thương khâu  (SP5):

Thương khâu là huyệt kinh thuộc kim.

Vị trí: chỗ lõm sát khe khớp xương sên và xương thuyền, thẳng dưới bờ trước mắt cá trong.

Điều trị

Đau mặt trong đùi: đau sưng mắt cá trong, cứng lưỡi.

Lách to, đầy bụng, đau bụng, ăn không tiêu, nôn, ỉa lỏng, táo bón, hoàng đản, trẻ em bị kinh phong. 

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn; cứu 5 - 10 phút.   

Tam âm giao (SP6):

Tam âm giao là huyệt hội của ba kinh âm ở chân.

Vị trí: từ đỉnh mắt cá trong đo thẳng lên 3 thốn, nằm giữa bờ sau xương chày và gân gót Acill.

Điều trị: 

Đau do thoát vị,  sưng đau cẳng chân, bàn chân đau nhức nặng nề, mất ngủ.

Tiêu hóa kém, đầy bụng không muốn ăn, nôn, ỉa chảy; rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, di tinh, đau dương vật, đái khó.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Âm lăng tuyền (SP9):

Âm lăng tuyến là huyệt hợp thuộc thủy.

Vị trí: điểm gặp nhau tại chỗ lõm ở bờ sau trong đầu trên xương chày với đường ngang qua chỗ lồi cao nhất của củ cơ cẳng chân trước xương chày.

Điều trị:  

Đau chân, đau sưng khớp gối; sườn căng, ngực tức. 

Lạnh trong bụng, không muốn ăn, cổ trướng, di tinh, đau dương vật, đái không tự chủ, đái khó, đái dầm.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn; cứu 5  - 10 phút.

Huyết hải (SP10): 

Vị trí: lấy ở trên góc trong xương bánh chè 2 thốn, trong khe lõm giữa cơ may và cơ rộng trong. 

Điều trị: đau mé trong đùi, kinh nguyệt không đều, rong kinh. Kết hợp với khúc trì, phong thị chữa mẩn ngứa dị ứng.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Đại hoành (SP15):

Đại hoành là huyệt hội của kinh thái âm ở chân và mạch âm duy.

Vị trí: từ rốn ngang ra 4 thốn, phía ngoài cơ thẳng bụng.

Điều trị: đau bụng dưới, rối loạn tiêu hóa, táo bón, kiết lỵ.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn (có thai nhiều tháng không châm sâu); cứu 5 - 10 phút.

Đại bao (SP21):

Đại bao là huyệt đại lạc của kinh tỳ.

Vị trí: giao điểm của đường nách giữa và bờ trên xương sườn 7.

Điều trị: đau tức ngực sườn, hen suyễn, khó thở, đau mỏi, nặng nề khắp người, đau các khớp tay chân, yếu sức.

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,3 thốn (không châm sâu vì dễ gây tổn thương phổi); cứu 5 - 10 phút.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top