✴️ Kinh túc thiếu âm thận (KI)

Nội dung

ĐƯỜNG ĐI

Từ góc trong chân móng ngón chân út (đi dưới lòng bàn chân), chạy chếch về bờ trong bàn chân, tới sau mắt cá trong thì vòng xuống gót chân, rồi lên cẳng chân (giao với kinh can, tỳ ở huyệt tam âm giao) và chạy dọc theo bờ sau trong xương chày, qua phía trong khoeo, đùi, lên bụng, ngực và tận cùng bờ dưới xương đòn (huyệt du phủ).

 

LIÊN QUAN

Ở cẳng chân: L4; ở đùi: L4,3,2; ở ngực: D3 - D8; ở bụng: D9  - D12, L3 – 2.

Huyệt ở chân, bụng, đùi liên quan  tiết đoạn L2- L4 ;chữa các bệnh về tiết niệu sinh dục.

Các huyệt liên quan D9 - D12 ;chữa các bệnh tiêu hóa.

Các huyệt liên quan đến D3 - D8 ;chữa bệnh về hô hấp, tim mạch.

Thận liên quan biểu lý với kinh bàng quang. Thận có liên lạc với can (can, thận đồng nguyên) thận nạp khí (liên quan đến phế); tâm, thận thường giao nhau nếu tâm thận lưỡng hư sinh chứng tâm thận bất giao.

Hình 3.7: Kinh túc thiếu âm thận

1.Dũng tuyền.

4.Âm cốc.

2.Thái khê.

5.Hoang du.

3.Chiếu hải.

6.Du phủ.

 

CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ CHUNG

Đau các khớp gối, cổ chân, bàn chân; liệt chi dưới, đau thần kinh hông khoeo trong.

Toàn thân: các chứng bệnh sinh dục, tiết niệu: di tinh, hoạt tinh, đái dắt, đái buốt, đái són; ho hen, táo bón hoặc ỉa chảy; bệnh và hội chứng suy nhược thần kinh; cao huyết áp…

 

HUYỆT VỊ THƯỜNG DÙNG

Dũng tuyền (KI1):

Dũng tuyền là huyệt tỉnh thuộc mộc.

Vị trí: điểm giữa 1/3 trên và 2/3 dưới của đoạn thẳng nối đầu ngón chân 2 với điểm giữa bờ sau gót chân.

Điều trị:

Đau mặt trong đùi, nóng hoặc lạnh gan bàn chân; thoát vị, đau sưng họng, đánh trống ngực, nục huyết, bí đái sau đẻ…

Cấp cứu chết đuối, hôn mê, hội chứng tiền đình, đau đỉnh đầu, chứng “âm hư hỏa vượng”, kinh giật ở trẻ em…

Cách châm cứu: châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn; cứu 5 - 15 phút.

Nhiên cốc (KI2):

Nhiên cốc là huyệt huỳnh thuộc hỏa.

Vị trí: giữa bờ dưới xương thuyền nơi tiếp giáp giữa da mu chân và gan bàn chân.

Điều trị:

Đái đục, di tinh, liệt dương, kinh nguyệt không đều, ngứa âm hộ, đau bụng, khí hư… đau sưng khớp bàn chân, cổ chân.

Trẻ em kinh phong, cấm khẩu, khái huyết, sốt rét, tiêu khát, tự hãn, đạo hãn, tai ù, điếc…

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 0,8 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Thủy tuyền (KI15):

Thuỷ tuyền là huyệt khích.

Vị trí: dưới huyệt thái khê 1 thốn, ngang sau đỉnh mắt cá trong 0,5 thốn.

Điều trị: đau sưng mặt trong gót chân, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đái dắt…

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,3 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Chiếu hải (KI6): 

Chiếu hải là giao hội của kinh thận với mạch âm kiểu.

Vị trí: dưới đỉnh mắt cá trong 1 thốn, trước thủy tuyền 1 thốn (chỗ lõm thẳng phía dưới mỏm mắt cá trong xương chày 1 thốn).

Điều trị: đau sưng mắt cá trong, rối loạn kinh nguyệt, táo bón, đau bụng do thoát vị, ngứa sinh dục ngoài, khô họng, sa dạ con, điên giản, mất ngủ, giảm thị lực…Kết hợp với Cự khuyết, nội quan, phong long chữa động kinh ban đêm.

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,3 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Phục lưu (KI7):

Phục lưu là huyệt kinh thuộc kim.

Vị trí: chỗ lõm ở phía sau trên mắt cá trong xương chày 2 thốn.

Điều trị:

Đái dắt, lưỡi và mồm khô; liệt, teo cơ, lạnh cẳng chân.

Sôi bụng, phù thũng, đạo hãn, cảm hàn không có mồ hôi, bụng trướng,… kết hợp với thận du, túc tam lý, ế phong chữa cổ trướng.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 7 - 15 phút.

Thông cốc (KI20):

Thông cốc là huyệt hội của kinh thận với mạch xung.

Vị trí: ở dưới huyệt u môn 1 thốn, cách đường trắng giữa 0,5 thốn (từ thượng quản đo ngang ra 0,5 thốn).

Điều trị: tức ngực, buồn nôn, ăn không tiêu.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn (có thai gần ngày đẻ không châm sâu); cứu 5 - 7 phút.

U môn (KI21):

U môn là huyệt hội của kinh thận với mạch xung.

Vị trí: ở cách hai bên huyệt cự khuyết 0,5 thốn.

Điều trị: đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, tức ngực, bồn chồn.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 0,8 thốn (không châm sâu, không kích thích mạnh vì có thể làm tổn thương gan); cứu 5 - 7 phút.

Linh khư (KI24):

Vị trí: ở chỗ lõm dưới huyệt thần tàng 1,6 thốn, cách đường giữa ngực 2 thốn (từ ngọc đường đo ngang ra 2 thốn).

Điều trị: ho suyễn, đầy tức ngực, đau vú, không muốn ăn.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn (không châm sâu, không kích thích mạnh vì có thể gây tổn thương tim, phổi).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top