✴️ Phương pháp châm cứu chữa bệnh

Châm là dùng kim châm vào huyệt, cứu là dùng sức nóng cứu trên huyệt để gây kích thích đạt tới sự phản ứng của cơ thể nhằm đạt mục đích chữa bệnh.

Muốn đạt hiệu quả điều trị, cần phải nắm vững chỉ định, chống chỉ định và kỹ thuật châm, cứu.

 

CHÂM - CỨU.

Châm:

Chỉ định.

Một số bệnh cơ năng và triệu chứng của một số bệnh:

Thần kinh: nhức đầu, mất ngủ, đau các dây thần kinh ngoại biên...

Tuần hoàn: tim đập nhanh, cao huyết áp, huyết áp thấp.

Tiêu hoá: cơn đau dạ dày, nôn mửa, táo bón, ỉa lỏng...

Tiết niệu: bí đái, đái dầm...

Sinh dục: rong kinh, rong huyết, thống kinh, di tinh...

Một số bệnh do viêm nhiễm: viêm màng tiếp hợp, viêm tuyến vú, chắp,lẹo...

Chống chỉ định:

Không nên giữ để chữa các bệnh thuộc diện cấp cứu bằng châm đơn thuần.

Các cơn đau bụng cần theo dõi ngoại khoa.

Người sức khoẻ yếu, thiếu máu, mắc bệnh tim mạch, trạng thái tinh thần không ổn định. Cơ thể không ở trạng thái bình thường: vừa lao động nặng nhọc, mệt quá, đói quá...

Cấm châm các huyệt ở vị trí rốn, đầu vú.

Không được châm sâu các huyệt: phong phủ, á môn, liêm tuyền...

Kỹ thuật châm.

Dụng cụ:

Kim châm các loại.

Khay đựng dụng cụ.

Cồn sát trùng: cồn 70o, cồn iod, bông, panh kẹp kim.

Tất cả đều phải dược vô trùng đúng qui định.

Tiến hành châm:

Thầy thuốc ở tư thế thuận lợi nhất. Bệnh nhân ở tư thế thoải mái chịu đựng được lâu, bộc lộ dược vùng cần châm, dù ở tư thế nằm hay ngồi cũng cần có điểm tựa.

Thầy thuốc xác định huyệt, đánh dấu huyệt, vô trùng; châm kim qua da nhanh, tiến kim tới huyệt, sau khi đạt "đắc khí”, tùy theo chỉ định mà áp dụng thủ thuật bổ - tả (đơn giản) cho phù hợp:

Châm bổ: lưu kim từ 20 - 30 phút, không vê kim, rút kim nhanh, bịt lỗ châm kim.

Châm tả: lưu kim từ 15 - 20 phút, khoảng 5 phút vê kim lại 1 lần, rút nhanh không bịt lỗ châm kim.

Những hiện tượng bất thường xảy ra khi châm và cách giải quyết:

Vựng châm:

Do bệnh nhân quá yếu, trạng thái cơ thể không bình thường (đói, sau lao động nặng...), thiếu máu.

Triệu chứng: tái da, toát mồ hôi, tim đập nhanh,  mạch yếu...

Cách giải quyết: rút kim ngay, để bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái nơi thông khí, nới lỏng quần áo, đắp ấm cho bệnh nhân, giải thích cho bệnh nhân yên tâm, trợ tim ... nếu cần thiết.

Cách đề phòng: chỉ định đúng trước châm. Khi châm cho bệnh nhân lần đầu phải giải thích cho bệnh nhân biết, chọn châm ít huyệt và kích thích nhẹ.

Chảy máu:

Do chọc kim vào mạch máu.

Cách xử trí: lấy bông khô ấn chặt nơi bị chảy máu, sau đó dùng bông cồn day nhẹ chỗ chảy máu cho máu bầm tan bớt.

Gãy kim: do kim cong, gỉ hoặc thủ thuật quá mạnh hoặc sau khi châm kim lại để bệnh nhân vận động làm các cơ co kéo...

Xử trí: dùng kẹp kẹp lôi kim ra.

Đề phòng: trước khi châm phải kiểm tra kim, không châm lút cán kim, không để bệnh nhân co cơ nhiều khi châm hoặc vận cơ nhiều sau châm.

Cứu:

Chỉ định và chống chỉ định.

Giống như châm nhưng theo các nguyên tắc hư hàn thì cứu, thực nhiệt thì châm.

Không được cứu trong các trường hợp thực nhiệt (có sốt cao...).

Không nên cứu ở các vùng có nhiều gân, da sát xương, vùng mặt ...vì có thể gây bỏng nhất là khi cứu cho những vùng bị mất cảm giác của bệnh nhân.

Kỹ thuật cứu:

Dụng cụ: mồi ngải hoặc điếu ngải, gừng tươi thái lát mỏng khoảng 2mm, lửa.

Tiến hành: đốt cháy mồi ngải hoặc điếu ngải rồi đặt hoặc hơ lên huyệt.

Mức độ nóng: không động viên bệnh nhân chịu đựng nóng tối đa.

Thời gian: trung bình 15 phút. Người già và trẻ em thời gian cứu ít hơn.

Tai nạn xảy ra khi cứu.

Bỏng: thường gây bỏng độ I. Điều trị: dùng thuốc mỡ bôi và dán băng tránh nhiễm trùng.

Cháy: do mồi ngải rơi khỏi người bệnh nhân vướng vào quần áo hoặc chăn đệm gây cháy.

Phối hợp châm và cứu :

Có 2 cách phối hợp châm và cứu:

Trên một bệnh nhân cùng lúc vừa có huyệt châm và huyệt cứu.

Ôn châm: ôn châm là vừa châm vừa cứu trên cùng một huyệt. Có thể dùng ba cách làm nóng kim để ôn châm:

Xuyên kim qua mồi ngải cứu gián tiếp trên huyệt. - Lồng một đoạn điếu ngải vào chuôi kim rồi đốt.

Hơ điếu ngải gần cán kim cho kim nóng lên, sức nóng theo kim truyền vào sâu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top