✴️ Tác dụng chữa bệnh của đơn lá đỏ

Nội dung

1. Nhận biết đơn lá đỏ

Đơn lá đỏ còn gọi là đơn mặt trời (Excoecaria cochinchinensis Lour.), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Là cây nhỏ, cao độ 0,5 – 1m. Cành nhỏ vươn dài màu đỏ tía. Lá mọc đối, mép khía răng, cuống dài, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới màu đỏ tía. Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành. Quả nang, có cạnh. Đơn lá đỏ cũng là một cây vừa làm cảnh vừa làm thuốc. Có hầu hết ở các địa phương trong nước ta: Thái Bình, Hải Dương, Tuyên Quang…

2. Công dụng chữa bệnh của đơn lá đỏ 

Trong lá chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau: flavonoid, saponin, coumarin, anthranoid, tanin…. Thường thu hái lá vào lúc cây sắp ra hoa, phơi khô. Một số địa phương có tập quán thu hái lá cây đơn lá đỏ vào dịp tết Đoan Ngọ (tết 5/5 âm lịch). Chính vì thế mà cây này còn mang tên cây “chè 5 tháng 5”, sau đó phơi khô, bảo quản vào các dụng cụ chống ẩm để dùng quanh năm. Trước khi dùng cần sao vàng.

Theo YHCT , đơn lá đỏ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông kinh, hoạt lạc, chỉ thống. Dùng trị mụn nhọt, mẩn ngứa, đơn độc, nhất là các nhọt lớn, nhọt vú… mà người ta gọi là chứng “đơn”; cũng chính vì lẽ đó, tên cây mang chữ “đơn”. Và vì lá của nó có màu đỏ, nên ghép lại thành đơn lá đỏ.

Liều dùng, ngày 6 – 9g, dạng thuốc sắc, trước bữa ăn. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

3. Một số chứng bệnh thường dùng đơn lá đỏ:

Trị vú sưng đỏ, đau nhức, mụn nhọt ở vú: Dùng 15 – 20g lá đơn đỏ, đem ngâm và rửa sạch bằng nước muối. Cho lá thuốc với nước vào nồi sắc theo tỉ lệ đổ 3 còn 1. Phần nước thuốc sau khi sắc được chia làm 3 phần uống trong ngày. Ngoài ra, để trị nhanh những nốt mụn có thể lấy một nắm lá đơn đỏ sao nóng, vò nát rồi bọc bằng vải sạch rồi áp vào phần bị đau. Chú ý khi áp vào nhiệt độ vừa đủ, không nên để quá nóng để tránh gây bỏng da.

Trị kiết lỵ, đại tiện ra máu ở trẻ em: Lấy 1 nắm lá đơn đỏ, rửa sạch và sắc cùng với nước uống hàng ngày. Cho trẻ uống nước thuốc thường xuyên các triệu chứng suy giảm dần, trẻ không còn quấy khóc và có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường.

Hoặc dùng ké đầu ngựa, kim ngân đằng, đơn lá đỏ và liên kiều mỗi vị 8 – 12g. Đem các vị thuốc sắc lấy nước và chia thành 3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang, uống trước khi ăn để có hiệu quả tốt nhất.

Chữa mề đay, dị ứng: Lá đơn đỏ 20g kết hợp với vỏ núc nác, ké đầu ngựa và kim ngân mỗi vị 10g. Đem các vị thuốc sắc với 700ml nước để lấy nước thuốc uống hàng ngày. Mỗi ngày 1 thang, chia uống 2 – 3 lần trong ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Hoặc lấy 1 nắm lá đơn đỏ rửa sạch bằng nước muối sau đó cắt nhỏ. Đem lá thuốc sắc với 500ml nước đến khi cạn còn 100ml thì chia ra làm 2 phần uống vào buổi trưa và tối.

Cũng có thể lấy 100g đơn lá đỏ và tầm phỏng đun cùng nước rồi dùng để tắm hằng ngày đến khi bệnh tình khỏi hẳn. Chú ý chỉ nên tắm khi nước còn ấm và dùng khăn mềm để tắm, tránh dùng nước quá nóng có thể khiến tình trạng ngứa gia tăng hoặc gây bỏng da.

Trị bệnh mất ngủ, mẩn ngứa và zona thần kinh: Lấy 20 – 30g lá đơn đỏ, đem sao vàng hạ thổ. Sau đó dùng lá thuốc sắc với 500ml nước. Sắc đến khi còn khoảng 150ml, thì chia ra ngày dùng 2 lần.

Trị mụn nhọt và mẩn ngứa ngoài da: Cành đơn lá đỏ 30g kết hợp với đậu ván tía, thài lài tía và bầu đất tía. Mỗi ngày sắc 1 thang thuốc, chia nước thuốc uống hết trong ngày. Kiên trì dùng các nốt mẩn ngứa, mụn nhọt sẽ nhanh chóng suy giảm.

Trị tiêu chảy lâu ngày: Chuẩn bị 1 miếng gừng nước và 15g lá đơn đỏ đã sao vàng. Đem các nguyên liệu đã chuẩn bị sắc với 600ml đến còn lại 200ml thì chia làm 3 lần uống trong ngày. Sử dụng thuốc hàng ngày đến khi tình trạng tiêu hóa diễn ra bình thường thì dừng thuốc.

Trị bệnh viêm da cơ địa: Lấy 4 – 5 lá đơn đỏ, đem rửa sạch rồi giã nát với muối. Sau đó vắt lấy nước cốt uống 2 lần/ ngày, phần bã còn lại dùng đắp lên vùng da cần điều trị.

Hoặc lấy 7 – 8 lá cây đơn đỏ sắc với 500ml nước đến khi cạn còn 1 chén nước thuốc thì đem dùng. Chia nước thuốc thành 2 phần bằng nhau và dùng hàng ngày để có hiệu quả cao nhất.

Cũng có thể lấy 2 – 3 lá cây đơn đỏ và lá khế, đem đi rửa sạch, để ráo nước rồi vò nát. Cho lá thuốc vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó dùng hỗn hợp trực tiếp đắp lên vị trí da bị tổn thương rồi cố định bằng bông gạc. Giữ thuốc đắp trong vòng 20 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm.

Trị bệnh viêm đại tràng bằng lá đơn đỏ: Lấy 20g lá cây đơn lá đỏ sao vàng, sắc với 1 lít nước đến còn lại 300ml thì thêm vài lát gừng vào. Chia nước thuốc uống nhiều lần trong ngày và tốt nhất khi uống thuốc còn ấm. Sử dụng nước thuốc hàng ngày các triệu chứng bệnh đại tràng giảm dần và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng.

Trị thấp khớp: Lá bạc thau (sao vàng), lá đơn tướng quân và lá cây đơn đỏ mỗi loại 12g; phắc ma, rễ kim lê mỗi loại 16g, lá thông 8g và dây kim ngân 10g. Đem các vị thuốc sắc cùng 600ml nước bằng lửa nhỏ cho đến khi còn 200ml. Chia nước thuốc dùng nhiều lần trong ngày và nên uống trước khi ăn. Sử dụng thuốc hàng ngày, sau 5 – 7 ngày các triệu chứng thấp khớp sẽ suy giảm hoàn toàn.

Lưu ý:

Cần lựa chọn dược liệu có mùi thơm đặc trưng, không bị ẩm mốc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo hiệu quả bài thuốc.

Trường hợp bị bệnh máu khó đông, đang bị chảy máu, phụ nữ đang mang thai nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Sử dụng lá đơn tươi chữa bệnh cần phải rửa sạch bằng nước muối để loại bỏ bụi bẩn và ngăn ngừa vi khuẩn, kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

Trong quá trình sử dụng nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng như: dị ứng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, người nôn nao,… Khi đó người bệnh cần sử dụng và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám cũng như điều trị.

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây đơn mặt trời là các bài thuốc dân gian nên hiệu quả phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Do đó khi kiên trì sử dụng, nếu bệnh không có dấu hiệu suy giảm cần thay đổi phương án trị bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top