Tác dụng phụ của trà gừng

Đa số mọi người dùng gừng như một loại gia vị, nhưng gừng cũng có thể dùng làm trà. Tất cả những gì bạn cần làm là cho một muỗng canh gừng tươi cắt nhỏ vào trong một lít nước sôi và bạn đã có một bình trà gừng thơm ngon, sẵn sàng để thưởng thức.

Một số lợi ích về sức khỏe

Một số người cho rằng, trà gừng có thể chữa ho và các vấn đề khác liên quan đến hệ tiêu hóa. Các nghiên cứu chỉ ra rằng gừng có tác dụng làm giảm huyết áp, và gingerol – một thành phần có trong gừng, được chứng minh là có thể làm giảm sự phát triển của khối u trong phòng thí nghiệm. Rất nhiều người dùng cũng khẳng định rằng, trà gừng có thể làm giảm bớt tình trạng đau do viêm khớp hoặc đau cơ.

Trong y học cổ truyền, trà gừng thường được sử dụng để chữa các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, và phổ biến nhất là dùng trà gừng để làm giảm buồn nôn, đặc biệt là nôn do hóa trị hoặc do phẫu thuật. Tuy nhiên, dùng gừng để giảm ốm nghén trong thai kỳ còn là vấn đề còn đang gây tranh cãi. 

Bạn hãy đảm bảo rằng đã hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất cứ biện pháp nào, bao gồm cả trà gừng, để làm giảm buồn nôn trong khi mang thai, khi đang điều trị ung thư hoặc sau phẫu thuật.

 

Tác dụng phụ của trà gừng – sự thật và những hiểu lầm

Thông thường, trà gừng thường không có tác dụng phụ nghiêm trọng vì bạn khó có thể uống một lượng trà lớn đến mức đủ để khiến cơ thể bị kích ứng hoặc có hại cho cơ thể được. 

Nhiều người nghĩ rằng, gừng có thể làm tăng sản xuất dịch mật, nhưng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho việc này. Dù vậy, tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng trà gừng nếu bạn có tiền sử mắc các vấn đề liên quan đến túi mật.

Một tác dụng phụ nhỏ có thể xảy ra khi uống trà gừng là ợ nóng hoặc đau bụng, cảm giác này giống như khi bạn ăn ớt hoặc đồ ăn cay nóng vậy. Bạn có thể sẽ nhầm lẫn những triệu chứng này với các triệu chứng dị ứng do gừng. Tuy nhiên, bạn chỉ bị dị ứng với gừng nếu bạn bị mẩn đỏ hoặc khó chịu trong miệng hoặc bụng sau khi uống trà gừng mà thôi.

Gừng có thể giúp làm giảm huyết áp, do vậy, bạn có thể sẽ thấy hơi chóng mặt nhẹ  - như một tác dụng phụ khác của trà gừng. Gừng cũng có chứa salicylate, chất hóa học có trong aspirin và có tác dụng như một chất làm giảm đông máu. Và vì thế, gừng có thể sẽ gây ra một số vấn đề với những người bị rối loạn chảy máu. Nhưng, nhấn mạnh lại rằng, bạn chỉ gặp những phản ứng phụ này khi tiêu thụ nhiều hơn 4gam gừng/ngày.

Lưu ý bạn rằng Cái gì quá nhiều cũng không tốt, kể cả những thứ có nguồn gốc tự nhiên, cũng có thể sẽ gây ra vấn đề. Nhưng nếu bạn đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt và bạn thích cảm giác mà trà gừng mang lại, hãy cứ uống trà gừng mà đừng lo lắng gì hết!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top