✴️ Thuốc tiêu thực

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa: 

Thuốc tiêu thực là những vị thuốc có tác dụng tiêu thực đạo trệ, tăng cường tiêu hoá, điều trị các chứng ăn uống bị tích trệ, còn gọi là thuốc tiêu đạo.

Chỉ định.

Điều trị các chứng tích trệ thức ăn, bụng đầy chướng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn, không muốn ăn, đại tiện thất thường do tỳ vị hư nhược gây nên.

Chú ý.

Điều trị tỳ vị khí trệ, thức ăn đình tích, thường phối hợp dùng với thuốc lý khí để hành khí đạo trệ. 

Điều trị tỳ vị khí hư, vận hóa thất điều thường phối hợp dùng với kiện tỳ ích vị để tiêu bản kiêm thi, tiêu bổ cùng dùng. 

Nếu bẩm tố tỳ vị hư hàn, điều trị thường phối hợp dùng với thuốc ôn lý để ôn vận tỳ dương, tán hàn tiêu thực. Nếu kiêm thấp trọc trung trở, nên phối hợp với thuốc phương hương hoá thấp để hoá thấp tỉnh tỳ, tiêu thực khai vị.

Điều trị thực tích hoá nhiệt, thường phối hợp dùng với thuốc công hạ để tả nhiệt hoá tích.

 

CÁC VỊ THUỐC.

Sơn tra.

Sơn tra (Fructus Crataegi) là quả chín thái mỏng sấy khô của cây sơn tra Crataegus pinnatifida Bge. var. major N.E.Br, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.

Tính vị: chua, ngọt, hơi ấm. Qui kinh tỳ vị can.

Tác dụng: tiêu thực hóa tích, hành khí tán ứ.

Chỉ định: 

Điều trị chứng tích trệ thức ăn (thịt cá), gây bụng đầy chướng, ợ hơi, ợ chua, đau bụng, tiện lỏng thường dùng với lai phục tử, thần khúc. Điều trị thực tích khí trệ bụng đầy chướng nên dùng với thanh bì, chỉ thực, nga truật.

Điều trị ỉa lỏng bụng đau có thể dùng sơn tra sắc uống hoặc dùng với mộc hương, binh lang, chỉ xác. Điều trị sán khí (thoát vị bẹn, sưng đau tinh hoàn) gây đau thường dùng với lệ chi hạch, quất hạch.

Điều trị sản hậu đau bụng ứ trệ, hoặc đau bụng kinh có thể dùng sơn tra sắc uống hoặc dùng với xuyên khung, đương qui, ích mẫu thảo. Điều trị đau tức ngực sườn thường dùng với xuyên khung, đào nhân, hồng hoa.

Gần đây dùng sơn tra để điều trị bệnh lý mạch vành, cao huyết áp, cao mỡ máu, lỵ trực khuẩn đều đạt hiệu quả tốt.

Liều dùng: 10 - 15g. Liều cao 30g.

Tác dụng dược lý: sơn tra có tác dụng co tử cung, cường tim, chống lại rối loạn nhịp tim, tăng lưu lượng tuần hoàn vành, giãn mạch, giảm huyết áp, giảm mỡ máu, ức chế trực khuẩn đại trường.

Thần khúc: lục thần khúc.

Thần khúc (Massa medicata fermentata) được tạo nên từ nhiều loại thuốc phối hợp với bột mỳ hoặc bột gạo gây mốc rồi phơi khô. 

Công thức chế biến không thống nhất. Việt nam dùng thanh hao, hương phụ, cây ké đầu ngựa, sơn tra, ô dược, thiên niên kiện, quế, hậu phác, trần bì, sa nhân, tía tô, kimh giới, mạch nha, địa liền tán bột trộn với hồ nếp, đóng bánh để dùng.

Tính vị: ngọt, cay, ôn. Qui kinh tỳ vị.

Tác dụng: tiêu thực hoà vị.

Ứng dụng: điều trị chứng ẩm thực tích trệ gây đầy chướng bụng, ăn ít, đại tiện lỏng nát thường dùng với sơn tra, mạch nha, mộc hương.

Liều dùng: 6 - 15g.

Mạch nha.

Mạch nha (Fructus Hordei Germinatus) là mầm sấy khô của cây lúa mạch Hordeum vulgare L, thuộc họ lúa Gramineae.

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh tỳ, vị, can.

Tác dụng: tiêu thực kiện vị, hồi nhũ tiêu chướng.

Chỉ định:

Điều trị các chứng thực trệ thường dùng với sơn tra, thần khúc, kê nội kim. Điều trị trẻ em ăn sữa bị tích trệ dùng mạch nha sắc uống, hoặc tán bột uống. Điều trị tỳ hư ăn ít, ăn xong bụng căng trướng thường dùng với bạch truật, trần bì.

Điều trị chứng căng tức tuyến vú có thể dùng  sinh mạch nha hoặc mạch nha sao 120g sắc uống.

Ngoài ra mạch nha còn có thể sơ can giải uất, dùng điều trị can khí uất trệ hoặc can vị bất hoà gây đau tức ngực sườn đau chướng bụng thường dùng với các thuốc sơ can lý khí khác.

Liều dùng: 10 - 15g. Liều cao 30 - 120g.

Chú ý: không nên dùng khi phụ nữ trong thời kỳ cho con bú.

Cốc nha.

Cốc nha (Fructus Setariae Germinatus) là mầm phơi khô của cây thóc tẻ Oryza sativa L, thuộc họ lúa Gramineae.

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh tỳ, vị.

Tác dụng: tiêu thực kiện vị.

Chỉ định: 

Điều trị thực trệ gây đầy trướng bụng thường dùng với sơn tra, thần khúc, mạch nha.

Điều trị tỳ hư ăn ít thường dùng với đẳng sâm, bạch truật, trần bì.

Liều dùng: 10 - 15g. Liều cao 30g.

Lai phục tử: la bạc tử, hạt củ cải

Lai phục tử (Semen Raphani) là hạt phơi khô của cây cải củ Raphanus sativus L, thuộc họ chữ thập Cruciferae.

Tính vị: ngọt cay, bình. Qui kinh tỳ vị phế.

Tác dụng: tiêu thực trừ trướng, giáng khí hóa đàm.

Ứng dụng:

Điều trị thực tích ứ trệ gây ra đầy bụng, ợ hơi, ợ chua thường dùng với sơn tra, thần khúc, trần bì như bài bảo hoà hoàn. Điều trị thực tích ỉa lỏng, lý cấp hậu trọng thường dùng với mộc hương, chỉ thực, đại hoàng.

Điều trị ho xuyễn nhiều đàm, căng tức ngực, thường dùng với bạch giới tử, tô tử như bài tam tử dưỡng tân thang.

Liều dùng: 10 - 15g.

Chú ý: thuốc có vị cay tán hao khí, thận trọng dùng khi khí hư không có thực tích, đàm trệ. Không nên dùng cùng với nhân sâm.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên thỏ thấy có tác dụng điều tiết co thắt ruột, ức chế bài tiết hơi ở ruột. Ngoài ra có tác dụng hạ huyết áp, ức chế trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn ngoài da.

Kê nội kim: màng trong mề gà, kê hoàng bì.

Kê nội kim (Endothelium Corneum Gigeriae Galli) là màng trong mề gà sấy khô của con gà Gallus gallus domesticus Brisson, thuộc họ Phasianidae.

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh tỳ, vị, tiểu trường, bàng quang.

Tác dụng: tiêu thực kiện vị, sáp tinh chỉ di.

Chỉ định: 

Điều trị thực tích, bụng căng trướng đầy thường dùng với sơn tra, mạch nha, thanh bì. Điều trị trẻ em tỳ hư cam tích thường dùng với sơn dược, sử quân tử, bạch truật.

Điều trị di tinh thường dùng với khiếm thực, thỏ ty tử, liên nhục. Điều trị di niệu thường dùng với tang phiêu tiêu, phúc bồn tử, ích trí nhân. 

Ngoài ra kê nội kim có tác dụng thông lâm hoá thạch dùng điều trị sỏi mật, sỏi đường tiết niệu, thường dùng với kim tiền thảo.

Liều dùng: 3 - 10g.

Tác dụng dược lý: tăng cường bài tiết dịch đường tiêu hóa, tăng cường khả năng tiêu hóa. khả năng vận động, khả năng bài xuất khí.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top