✴️ Vị thuốc Bách bệnh (Mật nhân)

1. Thông tin khoa học

  • Tên gọi khác: bá bệnh, hậu phác, Tongkat Ali, tho nan (Lào), antongsar, antoung sar (Campuchia)
  • Tên khoa học: Eurycoma longifolia Jack. (Crassula pinnata Lour.).
  • Thuộc họ: Thanh thất – Simaroubaceae

2.  Mô tả cây: 

  • Cây nhỡ, cao 2 – 8m, ít phân cành. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 21 – 25 lá chét không cuống, mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới có có lông màu trắng xám; cuống lá kép màu nâu đỏ.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép hoặc chùy rộng, cuống có lông màu gỉ sắt; hoa màu đỏ nâu; đài hoa chia thành 5 thùy hình tam giác có tuyến ở lưng; tràng hoa 5 cánh hình thoi cũng có tuyến; nhị 5 có lông dày và hai vảy ở gốc; bầu có 5 noãn, hơi dính nhau ở gốc, đầu nhụy rời.
  • Quả hạch, hình trứng, nhẵn, có rãnh dọc, khi chín màu vàng đỏ, chứa một hạt.
  • Cây đa dạng và có nhiều thứ.
  • Mùa hoa: tháng 1 – 2 ; mùa quả: tháng 3 – 4

3.  Sinh thái: 

  • Eurycoma Jack, là chi nhỏ gồm những đại diện là cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á. Vùng Đông Nam Á có 3 loài và một vài dưới loài, trong đó đáng chú ý nhất là loài bách bệnh phân bố rộng rãi từ Myanmar đến các nước Đông Dương, Thái Lan, Malaysia, đảo Sumatra, Borneo (Indonesia) và Philippin. Loài này còn xuất hiện ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ và một vài nước khác.
  • Ở Việt Nam, bách bệnh phân bố rải rác ở các tỉnh vùng núi thấp (dưới 1000m) và trung du. Các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung gặp nhiều hơn ở các tỉnh phía bắc. Cây có thể chịu được bóng nên thường gặp ở dưới tán rừng còn tương đối nguyên sinh, rừng thứ sinh, và đôi khi cả ở đồi cây bụi ở vùng trung du. Cây mọc ở vùng đồi thường có chiều cao thấp, trong khi đó những cây mọc dưới tán rừng ẩm có thể cao tới 5 hoặc 7 m, hoa quả nhiều. Bách bệnh ra hoa quả nhiều, nhưng lượng cây con tái sinh từ hạt hạn chế, do quả chín rụng vào mùa mưa bị lũ cuốn trôi mất. Trong tự nhiên gặp nhiều cây chồi, điều đó chứng tỏ bách bệnh có khả năng tái sinh tốt sau khi bị chặt phá.

4. Bộ phận dùng: 

Vỏ thân, rễ, lá phơi hoặc sấy khô.  (Radix Eurycomae longifoliae)

5.  Mô tả dược liệu:

Rễ hình trụ tròn, đường kính từ 2,0 cm đến 8,5 cm, hơi cong, bị chặt thành từng đoạn 40 cm đến 50 cm. Mặt ngoài màu vàng nâu, trơn hay hơi xù xì, có rễ con. Mặt cắt ngang màu trắng ngà, có lớp bần mỏng, không thấy vân đồng tâm. Chất cứng, khó bẻ gãy.

6. Thành phần hoạt chất: 

Trong vỏ và gỗ bách bệnh người ta đã chiết được các chất sau:

  • Các hợp chất quassinoid: eurycomalacton, 6-α-hydroxyeurycomalacton, longilacton, 5, 6-dehydro-eurycomalacton, 14, 15-β-dihydroxyklaineanon, 11-dehydroklaineanon, các quassinoid có tác dụng diệt vi trùng sốt rét Plasmodium falcifarum đã kháng thuốc.
  • Các hợp chất triterpen loại lirucalan: niloticin, dihydroniloticin, piscidinol A, bourjotinolon A, episapelin A, melianon và hyspidron.
  • Từ rễ đã phân lập được 3 quassinoid: eurycoinanol, eurycomanol 2-O-β-D-glucopyranosid và 13β, 18-dihydroeurycomanol.
  • Các alkaloid loại canthin-6-on được phân lập từ vỏ và gỗ: 9, 10-dimethoxycanthin-6-on, 10-hydroxy-9-methoxy-canthin-6-on, 11 hydroxy-10-methoxy- canthin-6-on, 5, 9-dimethoxycanthin-6-on và 9-methoxy-3 methyl-canthin-5, 6 – dion.
  • Ngoài ra còn có các alkaloid carbolin.
  • Từ vỏ cây bách bệnh ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam đã xác định được thành phần hai chất đắng euricomalacton và 2. 6 dimethoxybenzoquinon.
  • Ngoài ra, còn campestrol, và β-sitosterol.

7.  Tác dụng dược lý:

Bách bệnh có những tác dụng dược lý đã được chứng minh như sau:

  • Cao chiết từ bách bệnh có tác dụng kháng ký sinh trùng sốt rét trong thử nghiệm nuôi cấy in vitro.
  • Bách bệnh có tác dụng tăng dục, có mối tương quan giữa hoạt tính kích thích sinh dục nam và lượng nội tiết tố sinh dục nam trong huyết thanh, thân và rễ bách bệnh làm tăng lượng testosteron trong huyết thanh động vật, rễ làm tăng testosteron nhiều hơn thân cây.
  • Một chế phẩm thuốc gồm 3 dược liệu: bách bệnh, trâm bầu và xấu hổ có độc tính cấp diễn và trường diễn rất thấp. Thuốc có tác dụng lợi mật rõ rệt và không làm thay đổi thành phần của mật ở chuột lang. Thuốc làm tăng thải trừ BSP của gan thỏ so với đối chứng.
  • Chế phẩm thuốc này có tác dụng làm chậm quá trình hư biến của gan chuột cống trắng gây nên do carbon tetraclorid. Nó cũng làm tăng sự tái tạo của tế bào gan chuột nhắt trăng trong mô hình gây thương tổn gan thực nghiệm.
  • Áp dụng trên bệnh nhân có chỉ định điều trị lợi mật, chế phẩm gồm bách bệnh, trâm bầu và xấu hổ đã làm giảm bilirubin – máu một cách có ý nghĩa.

Theo tài liệu “Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”: Sâm Tongkat Ali có tác dụng tăng dục. Có mối tương quan giữa hoạt tính kích thích sinh dục nam và lượng nội tiết tố sinh dục nam trong huyết thanh. Thân và rễ bách bệnh làm tăng lượng nội tiết tố nam trong huyết thanh động vật, rễ làm tăng nội tiết tố nam nhiều hơn thân cây
Đã có rất nhiều các nghiên cứu hiện đại để chứng minh hiệu quả của Tongkat Ali  tới sức khỏe nam giới:

Tongkat Ali làm chậm quá trình mãn dục nam: 

  • Tongkat Ali đã được coi như một  dược liệu thay thế tự nhiên cho liệu pháp thay thế nội tiết tố nam và đã được chứng minh có tác dụng khôi phục lại mức nội tiết tố nam trong huyết thanh tuổi 25, do đó cải thiện đáng kể sức khỏe tình dục. Nghiên cứu cũng khẳng định, ở nồng độ điều trị, Tongkat Ali không có bất cứ tác dụng phụ đáng kể nào. Do đó, Tongkat Ali có thể là một dược liệu an toàn, hiệu quả để làm chậm lại quá trình mãn dục nam
  • Năm 2012, tại đại học Y Khoa Malysia cùng đại học kĩ thuật Đức, một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng đã được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng làm chậm quá trình mãn dục nam của cây Tongkat Ali. Nghiên cứu thực hiện trong 12 tuần trên 109 nam giới trong độ tuổi 30- 55 tuổi được chia làm 2 nhóm, một nhóm sử dụng dịch chiết Tongkat Ali (300mg/ngày) và một nhóm sử dụng giả dược đối chứng. Kết quả cho thấy nhóm dùng Tongkat Ali có cải hiện đáng kể về mặt chức năng thể chất, chức năng cương dương, ham muốn tình dục tăng 14% tới tuần 12. Các dấu hiệu của sự mãn dục nam cũng bắt đầu có dấu hiệu cải thiện: các chỉ số huyết áp, mật độ xương, thừ cân, tinh thần đều có dấu hiệu cải thiện. . Đặc biệt, nghiên cứu cũng cho thấy sự vận động của tinh trùng tăng 44,4% và thể tích tinh dịch tăng là 18,2% ở cuối đợt điều trị và giảm lượng mỡ ở những người có BMI ≥ 25 kg/m2 điều này khẳng định Tongkat Ali không chỉ làm chậm các dấu hiệu mãn dục nam đơn thuần mà còn giúp cải thiện chức năng sinh sản, tăng khả năng thụ thai.
  • Tongkat ali tăng cường số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng khả năng thụ thai.
  • Trong một nghiên cứu điều tra 75 nam giới bị vô sinh không rõ nguyên nhân, sau đó bổ sung Tongkat Ali với liều 200 mg/ngày. Kết quả cho thấy: tăng thể tích tinh dịch, nồng độ tinh trùng, tăng tỷ lệ hình thái tinh trùng và khả năng vận động của tinh trùng bình thường (Tambi & Imran, 2010) đều được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, trong số 75 nam giới nghiên cứu đã có 11 trường hợp (14,7%) có thai tự phát.
  • Ngoài ra cũng còn rất nhiều nghiên cứu khác khẳng định tác dụng tăng cường khẳ năng sinh sản tuyệt vời như: năm 2009, tại đại học Sains Malaysia cho thấy khi sử dụng Tongkat Ali với liều 200mg/ngày giúp làm tăng 99.2% số lượng tinh trùng so với nhóm đối chứng. Nghiên cứu tại Y cũng cho thấy, Tongkat Ali dù chỉ dùng ở liều duy nhất nhưng cũng làm tăng hiệu suất hoạt động tình dục và chất lượng tinh trùng ở chuột thí nghiệm.
  • Không chỉ vậy, Tongkat ali còn giúp xóa bỏ tình trạng nhức mỏi, cơ thể suy hao do việc hoạt động tình dục. Giúp nam giới luôn cảm thấy khỏe mạnh, khoan khoái, luôn có ham muốn.
  • Tất cả điều trên, khẳng định Tongkat Ali là một giải pháp hoàn hảo vừa giúp tăng cường khả năng hoạt động tình dục, tăng cường khả năng có con, vừa giúp làm chậm quá trình màn dục, cải thiện thể chất, tinh thần ở nam giới tuổi trung niên.

9.  Công dụng 

  • Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ thân bách bệnh được dùng chữa các trường hợp ăn uống không tiêu, nôn mửa, đầy bụng tiêu chảy, gần như vị hậu phác, còn dùng chữa sốt rét, giải độc do uống nhiều rượu và chữa lưng đau mỏi do thấp, vỏ phơi khô tán bột, ngâm rượu hay làm thành viên, hoặc sắc uống. Ngày dùng 6 – 12g. Quả chữa lỵ. Rễ chữa ngộ độc và tẩy giun. Lá nấu nước tắm chữa lở ghẻ.
  • Theo kinh nghiệm dân gian Indonesia, nước sắc của lá hoặc vỏ thân bách bệnh được coi là vị thuốc cổ truyền tốt nhất để chữa sốt rét. Có ý kiến cho là nó có hiệu lực tương đương với viên nén cloroquin trong điều trị sốt rét. Nước sắc lá dược dùng làm thuốc chữa đau lưng, đau bụng âm ỉ, Nhiễm khuẩn đường tiết niệu và những rối loạn về khớp.
  • Nước sắc lá bách bệnh cùng với lá một loài lấu (có thể là Psychotria malayana) được dùng uống chữa sốt, với lá một loài Uncaria điều trị tiểu tiện ra máu, với lá cây Ngoi điều trị những rối loạn về khớp.
  • Ngày nay, Bách bệnh được coi như là một cây số 1 về khả năng kích thích tình dục và làm chậm quá trình mãn dục nam.

10. Bài thuốc có bách bệnh:

  1. Ôn kinh trợ dương điều khí thang, chữa bại liệt nửa người bên phải, do dưỡng khí suy, phong tê, mình lạnh tê dại: Bách bệnh 4g, rễ đinh lăng 10g, xấu hổ sao 8g, dây đau xương 8g, đậu chiều sao 8g, dây trâu cổ 8g, cây thần sa 6g, bạch hồ tiêu (quả chín phơi khô, sát bỏ vỏ ngoài) 5g, quế chi 5g, gừng sống 3g, sắc nước uống.
  2. Tư bổ âm huyết thang, chữa âm huyết suy kém, tê bại nửa người bên phải, nóng đau: Bách bệnh 6g, đậu đen 12g, hà thủ ô đỏ 10g, dây gùi 8g, huyết rồng 8g, rau muống biển 8g, rễ nhàu 8g, rễ ô môi 8g, rễ cỏ xước 8g, tang chi 8g, dây ký ninh 2g. Sắc nước uống.
  3. Bá ứng tiêu hạ tán, chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi chướng bụng:
  • Bách bệnh 50g, vỏ quýt 100g, hoắc hương 100g, bồ bồ 100g, dây mơ 100g, dây rơm 100g, cam thảo nam 100g, hậu phác 100g, củ sả 50g, củ gấu 50g, tiêu lốt 50g.
  • Các vị tán nhỏ, ngày uống 12g (người lớn), trẻ em tùy theo tuổi mà quy định liều dùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top