✴️ Vị thuốc Bạch thược

Vị thuốc bạch thược là gì?

Bạch thược là phần rễ đã bỏ vỏ của cây hoa mẫu đơn trắng (cây thược dược hoa trắng – Paeonia lactiflora pall ). Tên khoa học của vị thuốc bạch thược là Radix Paeonia lactiflora (peony). 

Ngoài bạch thược, cây mẫu đơn còn có vỏ rễ cũng là một vị thuốc tên gọi mẫu đơn bì – Đan bì.

Trong hơn 1.000 năm, bạch thược đã được sử dụng trong y học cổ truyền của nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…. Nó được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm sốt, viêm và đau. Một số lợi ích y học đã được chứng minh bởi khoa học hiện đại.

Bạch thược có tác dụng gì?

Trong y học cổ truyền, bạch thược có vị chua, hơi đắng, nhập can tỳ huyết phận. Bạch thược thường được dùng trị chứng tả lị (tiêu chảy), tỳ hư phúc thống (đau bụng do tỳ hư), tâm bĩ hiếp thống (đau tức ngực sườn), đau mắt đỏ, ho hen, bệnh phụ nữ, sản hậu…

Bạch thược chữa các chứng bệnh liên quan đến nội tiết tố

Theo một nghiên cứu của trường Đại học RMIT – Úc thì bạch thược có chứa phytoestrogen. Các hợp chất này có cấu trúc tương tự như estrogen – hormone sinh dục nữ. Điều này củng cố thêm tác dụng chữa bệnh phụ nữ như rối loạn kinh nguyệt, vô kinh… của bạch thược trong y học cổ truyền.

Bạch thược trị rối loạn lo âu và trầm cảm

Trong y học cổ truyền, Bạch thược được dùng nhiều trong các bài thuốc sơ can giải uất như Tiêu dao tán, Sài hồ sơ can thang…

Mới đây, trong một nghiên cứu của Đại học Y học Cổ truyền Sơn Đông công bố năm 2020 kết luận chiết xuất của bạch thược có tác dụng đối với chứng rối loạn lo âu nhất là rối loạn lo âu trong hội chứng tiền kinh nguyệt. Các chất có trong bạch thược tác động vào thụ thể estrogen β (ER β ), tryptophan hydroxylase-2 (TPH2) và chất vận chuyển serotonin (SERT). Các hoạt chất có tác dụng làm tăng serotonin từ đó chống trầm cảm, giảm căng thẳng.

Một nghiên cứu khác của Đại học Chiết Giang -Trung Quốc năm 2018 cho thấy paeoniflorin vừa bảo vệ thần kinh vừa chống trầm cảm.

Bạch thược hỗ trợ tiêu hóa

  • Chống oxy hóa của dịch chiết bạch thược cho tác dụng hiệu quả bảo vệ dạ dày trước tác nhân gây loét lên đến 88,8%.
  • Paeoniflorin trong bạch thược có tác dụng cải thiện và tăng cường giấc ngủ, hỗ trợ các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày. 
  • Đại học Thẩm Dương – Trung Quốc năm 2019 phát hiện ra rằng paeoniflorin cũng làm tăng lợi khuẩn trong ruột, có thể cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột của bạn. Điều này rất có lợi cho những người bị rối loạn tiêu hóa.

Bạch thược chống viêm và điều hòa miễn dịch

Bạch thược có chứa khoảng 15 glycosid (gọi chung là total glucosides of paeony – TGP). Trong đó paeoniflorin và albiflorin là những thành phần phổ biến nhất. Dựa trên ứng dụng của bạch thược trong các đơn thuốc truyền thống, Đại học Y học cổ truyền Thành Đô – Trung Quốc đã nghiên cứu và công bố kết quả vào tháng 5 năm 2020. TGP có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến, lupus ban đỏ hệ thống và hội chứng Sjogren. TGP có nhiều tác dụng dược lý khác nhau liên quan đến tác dụng truyền thống của PRA, bao gồm chống tổn thương cơ quan, chống viêm, giảm đau, chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch và hệ thần kinh.

Bạch thược giảm đau

Có rất nhiều cơ chế liên quan đến tác dụng giảm đau của Bạch thược.

  • Tác dụng kháng cholinergic
  • Tác dụng chống viêm
  • Ức chế tổng hợp các chất trung gian gây viêm, các cytokine tiền viêm
  • Ức chế sản xuất chemokine từ các tế bào nội mô, tạo ra chất chống oxy hóa và giảm tính thấm vi mạch.
  • Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng paeoniflorin trực tiếp ngăn chặn sự hoạt hóa tế bào vi mô do morphin gây ra, do đó làm tăng tác dụng giảm đau cấp tính của morphin.
  • Paeniflorin có tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, giảm đau nội tạng nên hạn chế sự tác động của căng thẳng thần kinh tới hoạt động của ruột, giảm đau bụng nên ngủ cũng tốt hơn.

Một số tác dụng phụ của bạch thược

Chảy máu: cần thận trọng nếu bạn đang mắc các bệnh gây tình trạng chảy máu hoặc chuẩn bị phẫu thuật. Bạch thược có tác dụng chống đông khá tốt.

Trước khi sử dụng bạch thược bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top