✴️ Vị thuốc cây Lưỡi rắn

A. Mô tả cây

Lưỡi rắn là một loài cỏ nhỏ, mọc hằng năm, thân hơi vuông, mềm yếu, nhẵn, màu xanh, mang rất nhiều cành, chỉ cao chừng 0,3m, lá mọc đối, hình hơi rộng hay hình mác hẹp dài. Phiến lá 1-5cm, rộng 1-5mm, đặc biệt có thể rộng tới 1cm, hai đầu nhọn, hầu như không có cuống, mép nguyên, chỉ có gân giữa là rõ. Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá, cuống chính và phụ nhỏ, ngắn 5-10mm, mỗi cụm hoa gồm 2-5 hoa, hoa nhỏ, màu trắng hay hồng nhạt, đài dài ước 2mm, tràng dài chừng 2,5mm. Quả nang hình bán cầu, ở đỉnh hơi phồng lên, dài rộng ước 1,8mm xung quanh có đài tồn tại, bầu có hai ngăn, hạt nhiều, hình nhiều cạnh, màu nâu, trên mặt có gợn mịn nhỏ.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

  • Cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta, thường hay gặp nhất ở hai bên đường xe lửa hay ở nơi mát
  • Còn mọc nhiều ở nhiều nước nhiệt đới khác ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ. tại miền nam Trung Quốc cũng có mọc. Người ta dùng toàn cây, thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hạ, thu lúc cây có hoa. Hái về phơi hay sao vàng mà dùng.

Phân bố, thu hái và chế biến

C. Thành phần hoá học

Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu

D. Công dụng và liều dùng

Chỉ mới thấy dùng trong nhân dân. Theo ông Đỗ Hữu Cận, một vị đông y ở khu Đống Đa, Hà Nội người có nhiều kinh nghiệm dùng cây này thì cây lưỡi rắn (vương thái tô) có tác dụng chữa sốt quá hoá điên cuồng, ngoài ra còn có tác dụng chữa đau nhức xương cốt, thấp khớp, đau lưng. Kinh nghiệm này thấy có ghi trong một số tài liệu cũ tại Ấn Độ, Philippin người ta cũng dùng cây này để chữa sốt, sốt cách nhật, trong bụng thấy nóng, người mệt lả, có người dùng chữa ho.

Ngày dùng 160g cây tươi, đem về rửa sạch, sao vàng cho vào với 600ml nước sắc còn 100ml (1 bát), chia làm 3 lần uống trong ngày (sáng, trưa, tối) cần chú ý nghiên cứu thêm.

Chú ý:

Một cây khác cũng mang tên cóc mắn dùng chữa ho cần chú ý tránh nhầm lẫn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top