✴️ Vị thuốc Cỏ lào

Tên tiếng Việt: Cỏ lào, Cây bù xích, Cây cộng sản, Chùm hôi, Yên bạch, Bớp bớp, Nhả nhật (Tày), Cây việt minh, Pảng pình (K'ho), Blây suôn (Bana), Muồng mung phiu (Dao)

Tên khoa họcEupatorium odoratum L.

Tên đồng nghĩa: Chromolaena odorata (L.) R. King & H. Robins.

Họ: Asteraceae (Cúc)

Công dụng: chữa ghẻ (Lá nấu nước tắm). ỉa chảy (Lá sắc uống). Sốt sét, viêm đại tràng, đau nhức xương, viêm răng lợi, nhọt độc (Rễ sắc uống).

A. Mô tả:

  • Cây nhỏ, cao 1-2m, mọc thành bụi, phân nhiều cành nằm ngang. Thân tròn, màu rất nhạt, có rãnh và lông nhỏ mịn.
  • Lá mọc đối, hình gần tam giác, dài 6-9cm, rộng 2-4cm, gốc thuôn vát, đầu nhọn, mép có răng cưa to, vò ra có mùi hăng hắc, hai mặt lá cùng màu có lông mịn, dày hơn mặt dưới, gân chính 3; cuống lá dài 1-2cm.
  • Cụm hoa mọc ở đầu cành thành ngù kép, gồm nhiều hoa có mùi thơm, tụ hợp thành hình đầu dài khoảng 1 cm, màu vàng lục, lá bắc xếp thành 3-4 hàng, hơi có lông; tràng hoa loe dần từ gốc.
  • Quả bế hình thoi, 5 cạnh có lông.
  • Mùa hoa quả: tháng 1-3.

B. Bộ phận dùng:

Toàn cây, chủ yếu là lá – Herba seu Folium Chromolaenae.

C. Nơi sống và thu hái:

Cây có nguồn gốc ở đảo Angti, được truyền bá vào nước ta, gặp nhiều ở các vùng đồi núi khắp nơi. Cỏ lào mọc rất khỏe, phát triển nhanh trong mùa mưa. Nó có khả năng tái sinh rất mạnh, cho năng suất cao 20-30 tấn/ha. Có thể thu hái lá và toàn cây quanh năm. Thường dùng tươi.

D. Thành phần hoá học:

Cỏ lào chứa 2,65% đạm; 0,5% phosphor và 2,48% kalium. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, alcaloid, tanin.

E. Tính vị, tác dụng:

Cỏ lào có vị hơi cay, tính ấm, có tác dụng sát trùng, cầm máu, chống viêm. Nước sắc Cỏ lào có tác dụng kháng khuẩn, ức chế được vi khuẩn gây mủ trên vết thương và trực trùng lỵ Shigella.

F. Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thông thường ta hay dùng lá tươi cầm máu vết thương, các vết cắn chảy máu không cầm. Cũng được dùng chữa bệnh lỵ cấp tính và bệnh ỉa chảy của trẻ em; chữa viêm đại tràng đau nhức xương, viêm răng lợi, chữa ghẻ, lở, nhọt độc.

Ở Trung Quốc, người ta dùng lá xát hoặc lấy nước bôi vào chân phòng vết cắn, bỏ lá xuống ruộng ngâm nát 1-2 ngày để trừ ấu trùng ký sinh trùng (thể xoắn ốc có móc câu ở đầu) phòng khi xuống ruộng khỏi bị lây. Cỏ lào dùng làm phân xanh có tác dụng diệt cỏ và làm giảm tuyến trùng ở trong đất.

G. Cách dùng:

Lá Cỏ lào pha dưới dạng xirô từ nước hãm (dùng lá non rửa sạch, vò nát, hãm trong nước nóng, cứ 5g lá lấy 15ml nước hãm, sau đó đem phối hợp với đường, cứ 500ml nước hãm hòa với nước pha 900g đường đã đun sôi) dùng chữa lỵ và ỉa chảy.

Nước sắc Cỏ lào dùng uống chữa đau nhức xương. Lá non nấu tắm chữa ghẻ, khi tắm dùng bã xát vào mụn ghẻ trong vòng 5-6 ngày là khỏi. Lá tươi vò hay giã đắp cầm máu vết thương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top