✴️ Vị thuốc Dây lim

1. Mô tả

  • Cây to, cao 15 – 20m, đường kính thân có thể đến 70 – 80 cm. Cành mọc tỏa rộng, vỏ trơn nhẵn màu lục xám, gỗ màu vàng nâu nhạt.
  • Lá kép dài 20 – 25 cm, cuống chung nhẵn, dài 12 cm; lá chét 5 – 9, hình thuôn hoặc trái xoan, dài 7- 15 cm, rộng 2,5 – 8 cm, gốc tròn hoặc thuôn tù, đầu tròn hoặc hơi nhọn, hai mặt nhẵn hoặc có ít lông trên các gân, gân phụ tạo thành mạng lưới rõ.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài 10 – 15 cm, có ít lông, cuống thuyên giảm ở mấu mang 2 – 4 hoa màu trắng, tím hoặc hồng, đài hình chuông cụt, mặt ngoài có lông ngắn; tràng có cánh cờ hình mắt chim, mặt ngoài có lông mịn, cánh bên và cánh thìa thuôn, tù và có lông; nhị 10, một bó, bao phấn hơi nhọn; bầu có lông chứa 2 noãn.
  • Quả nhẵn, dài 3,5 – 5 cm, rộng 2 – 3 cm, dày 6 mm, hơi thắt lại ở hai đầu với một mũi nhọn ngắn, hạt 1, ít khi 2, có vân rõ.
  • Mùa hoa: tháng 5 – 7; mùa quả: tháng 8 – 10.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Pongamia Vent. ở Việt Nam, mới chỉ biết có một loài trên. Về tên gọi loài cây này có thể tuỳ thuộc theo địa phương. Trong các tài liệu về thực vật học và cây gỗ Việt Nam, người ta sử dụng tên gọi là “cây bánh dầy” [Danh lục các loài thực vật Việt Nam, 2003, Vietnam forest Trees, 2009]. Nhưng trong các tài liệu về cây thuốc ở nước ta lại gọi là “Dây lim”, có lẽ do loài này trước kia người ta xếp trong chi Derris có nhiều loài dây leo, song thực tế đây lại là loài cây gỗ lớn, có thể cao tới hơn 15m.

Trên thế giới, loài này phân bố rải rác ở vùng nhiệt đới châu Á, gồm Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin… và đến tận vùng Đông Вас Australia. Cây còn được nhập trồng ở Mỹ (Florida và Hawaii). Ở Việt Nam, dây lim cũng phân bố rộng rãi khắp từ bắc đến nam. Bắt đầu từ Quảng Ninh (Uông Bí), đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cây còn được trồng ở công viên hay đường phố ở Hải Phòng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Là loại cây gỗ ưa sáng, có bộ rễ ăn sâu xuống đất, thường mọc ở ven rừng kín thường xanh, gần bờ suối ở cửa rừng, thậm chí có thể sát với mép nước cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt.

Bộ phận dùng:

Hạt, rễ, vỏ.

3. Thành phần hóa học

Theo Sastri et al., 1969, hạt gồm 5% vỏ và 95% nhân.

  • Nhân chứa 17,4% protein, 6,6% tinh bột.
  • Ngoài ra, còn có chất nhầy, tinh dầu (vết), acid amin phức là glabrin, 4 furanoflavone: karanjin, pongamin, kanjon và pongaglabrin.

Dầu béo chứa acid palmitic 3,7 – 7,9%, acid stearic 2,4 – 8,9%, acid arachidic 2,2 -4,7%, acid behenic 4,2-5,3%, acid lignoceric 1,1 – 3,5%, acid oleic 44,5 – 71,3%, acid linoleic 10,8 – 13,3%, acid eicosanic 9,5 – 12,4%.

Khô dầu của hạt chứa dầu béo 7,8%, protein 31,9%, carbohydrat 39,8%, glabrin và các acid tự do là acid arachidic, acid lignoceric, acid behenic.

Lá giàu chất mang nitơ và 7,19 mg/100g.

Hoa chứa kaemferol, pongamin, y – sitosterol glucosid.

Vỏ rễ chứa kanugin. Có tài liệu nói là có kananjin 0,08%, pongamin 0,08%, furanoflavon, pinnatin, gamatin…

  • Vỏ thân cũng có những thành phần như trên nhưng với hàm lượng thấp.

Thành phần hóa học

4. Tác dụng dược lý

Tác dụng chống đái tháo đường:

Đã nghiên cứu tác dụng chống tăng glucose huyết và chống peroxy hóa lipid của cao ethanol dây lim (hoa) trên chuột cống trắng bình thường và chuột gây đái tháo đường bằng alloxan.

  • Đã nhận xét thấy tăng glucose huyết, tăng peroxy hóa lipid (Chất phản ứng với acid thiobarbituric (TBARS) và trạng thái chống oxy hóa không enzym (vitamin E, vitamin C và glutathion) và enzym bị rối loạn ở chuột cống trắng gây đái tháo đường bằng alloxan. Việc cho uống cao ethanol hoa dây lim (300 mg/kg thể trọng thể hiện các tác dụng chống tăng glucose huyết và chống peroxy.

  • Đã xác định pongamol và karanjin là các hợp chất chính có tác dụng chống tăng glucose huyết từ quả dây lim.

Tác dụng chống loét dạ dày – tá tràng:

Rễ cây lim được dùng trong y học cổ truyền Ấn Độ chữa các bệnh viêm và nhiễm khuẩn khác nhau, kể cả loét.

Một nghiên cứu đáp ứng liều ban đầu cho thấy liều tối ưu là 25 mg/kg, và đã dùng liều này trong nghiên cứu. Cao methanol rễ dây lim có tác dụng bảo vệ đối với loét dạ dày gây bởi aspirin nhưng không có tác dụng này đối với loét gây bởi ethanol. Cao này có xu hướng giảm loét gây bởi acid acetic sau 10 ngày điều trị.

  • Tác dụng bảo vệ chống loét của cao methanol rễ dây lim do tăng các yếu tố bảo vệ niêm mạc như tiết chất nhầy tăng thời gian sống của các tế bào niêm mạc, glycoprotein của tế bào niêm mạc, sự tăng sinh tế bào và ngăn ngừa sự peroxy hóa lipid mà không phải do giảm sự tiết yếu tố tấn công acid – pepsin (Prabha T. et al. 2003).

Tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm:

Cao chiết ethanol trực tiếp và cao chiết liên tiếp với ether dầu hỏa, cloroform, aceton và ethanol từ hạt dây lim, cho uống 30 – 60 phút trước, có các hoạt tính chống viêm, giảm đau và chống gây loét ở chuột cống trắng. Hoạt tính mạnh nhất ở các cao ether dầu hỏa và cloroform.

  • Đã đánh giá hoạt tính chống viêm của cao ethanol 70% từ lá dây lim trong các mô hình viêm cấp tính, bán cấp và mạn tính trên chuột cống trắng.

  • Cho uống cao lá dây lim thấy có tác dụng chống viêm trong các mô hình viêm cấp tính (phù chân sau gây bởi carrageenin, histamin, 5 – hydroxytryptamin và prostglandin E2), bán cấp (phù chân sau gây bởi kaolin – carrageenin và formaldehyd) và mạn tính (u hạt gây bởi viên bông về nhỏ).

Tác dụng kháng vi khuẩn, kháng virus:

Dây lim dùng trong y học cổ truyền Ấn Độ để điều trị các tổn thương ở da và cơ quan sinh dục, đã được đánh giá về tác dụng kháng virus Herpes típ – 1 (HSV – 1) và típ 2 (HSV – 2) bằng các nghiên cứu in vitro ở tế bào Vero.

Tác dụng chống oxy hóa:

Tác dụng của cao lá dây lim trên sự peroxy hóa lipid trong máu lưu thông và tình trạng chống oxy hóa được đánh giá trên tăng amoniac huyết gây bởi amoni clorid trên chuột cống trắng. Sự tăng peroxy hóa lipid trong tuần hoàn của chuột khi dùng amoni clorid gây ra giảm hàm lượng vitamin A, vitamin C, vitamin E, giảm glutathion khử (GSH), glutathion peroxidase (GPx), superoxyd dimustase (SOD), và catalase (CAT).

Ở chuột được cho cao lá dây lim, có sự giảm có ý nghĩa peroxy hóa lipid với sự tăng đồng thời hàm lượng các chất chống oxy hoá.

  • Kết quả nghiên cứu cho thấy cao lá dây lim điều biến các thay đổi này bằng cách đảo ngược sự mất cân bằng oxy hóa – chống oxy hóa trong tăng amoniac huyết gây bởi amoni – clorid và điều này có thể do (i) tác dụng chống tăng amonic huyết do giải độc đối với lượng dư thừa amoni, ure, và creatinin và (ii) tác dụng chống oxy hóa (Essa M.M. et al.. 2006a).

5. Tính vị, công năng

Dây lim có độc, ở ta thường chỉ dùng ngoài, nên chưa thấy tài liệu đề cập.

6. Công dụng

Hạt giã nát, đắp ngoài để trị các bệnh ngoài da, Dầu hạt bôi ngoài chữa các bệnh ngoài da như ngứa, ghẻ, herpes (bệnh mụn rộp), mụn nhọt và các bệnh da khác.

  • Ở Philippin, vỏ dây lim được dùng làm thuốc gây sẩy thai, hạt và rễ cây để duốc cá, dầu hạt xoa ngoài để chữa tê thấp, để chế xà phòng và làm nến.
  • Ở Indonesia, rễ và vỏ thân dây lim để trị ghẻ, lá chữa thấp khớp, hoa chữa đái tháo đường, hạt chữa các bệnh ngoài da, viêm da, thấp khớp [Med. herb index, 1995: 127].
  • Ở Trung Quốc, dầu hạt dây lim được xoa để chữa thấp khớp, dịch rễ được dùng để rửa các vết hoại thư, lá tươi giã nát đắp lên các vết loét nhiễm trùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top