Tên tiếng việt: Đinh nam, Rau lức, Nhớt mèo, Rau mương, Xương cá
Tên khoa học: Ludwigia hyssopifolia (G. Don) Exell apud A. & R. Fernandes
Họ: Onagraceae (Rau dừa nước)
Công dụng: Chữa viêm ruột, ỉa chảy, kiết lỵ (cả cây). Còn dùng chữa cảm mạo phát sốt, sình bụng, viêm họng, đau khớp; cây tươi giã đắp chữa mụn lở sưng đau. Nước sắc của rễ chữa bệnh giang mai.
A. Mô tả cây:
- Cây thảo cao 25-50cm, phân nhánh, mọc đứng, thân và cành có 4 góc tù. Lá hình dải -ngọn giáo, thuôn hẹp dài thành cuống, nhọn mũi, dài 4-8cm, rộng 10-15mm. Hoa nhỏ màu trắng trắng ở nách lá, không cuống. Quả hình trụ, nhẵn hơi phồng lên ở đỉnh, dài 15-18mm, rộng 2,5mm, chứa nhiều hạt hình bầu dục.
- Mùa hoa quả tháng 7-9.
B. Phân bố, sinh thái:
- Loài liên nhiệt đới. Ở nước ta cây mọc ở những chỗ ẩm ven các ngòi nước, hồ nước, các bờ đê, gò ruộng, ruộng cạn dần, tới độ cao 1500m, từ Lào Cai, Quảng Ninh, qua Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế vào các tỉnh Tây Nguyên tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
- Ở Việt Nam, đinh nam được coi như loài cỏ dại, thường mọc ở nơi đất thấp, bờ ruộng hay những ruộng lầy thụt mới cạn thuộc các tỉnh từ vùng núi thấp dưới 1000m đến trung du và đồng bằng. Hằng năm, cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào tháng 4-5. Sau mùa hoa quả cây tàn lụi vào mua thu.
- Đinh nam ra hoa quả nhiều. Mỗi cây có tới trên 20 quả, trong quả có nhiều hạt, khi chín tự mở hạt phát tán ra ngoài. Hạt đinh nam khi rơi xuống bùn nhão vẫn duy trì được sức nảy mầm đến mùa xuân năm sau. Thu hái cây vào mùa hè thu.
C. Bộ phận dùng:
- Toàn cây rửa sạch, dùng tươi hoặc thái nhỏ, phơi khô dùng dần. Cũng có khi sao vàng hạ thổ.
D. Thành phần hoá học:
- Lá đinh nam chứa chất đắng. Ngoài ra còn có một số dẫn liệu khoa học đáng chú ý về các flavonoid của 19 loài trong chi Ludwigia được công bố.
E. Tính vị, công năng:
- Vị ngọt nhạt, hơi sít, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, tiêu thũng, cầm ỉa chảy và lỵ, mát máu tiêu sưng.
F. Công dụng:
- Nhân dân một số nơi dùng các ngọn non làm rau nấu canh ăn và dùng làm thuốc trị: Cảm mạo phát sốt, sình bụng, viêm họng; Viêm ruột ỉa chảy, kiết lỵ. Liều dùng 20-40g khô (hoặc 40-50g cây tươi) sao vàng hạ thổ rồi sắc uống.
- Ở Ấn Ðộ, nước sắc rễ dùng trị giang mai.
- Ở Lào, cây được dùng trị đau khớp.
- Dùng ngoài trị mụn lở sưng đau; lấy cây tươi giã đắp, có khi còn nấu với phèn chua và tro bếp làm thuốc trị nấm ăn chân.
Ðơn thuốc:
1. Chữa viêm miệng: Nấu nước ngậm súc miệng.
2. Chữa mụn lở: Giã lá cây tươi đắp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh