Tên tiếng Việt: Dương địa hoàng
Tên khoa học: Digitalis purpurea L.
Họ: Scrophulariaceae (Hoa mõm chó)
Công dụng: Chữa bệnh tim (Lá chứa Digitalin).
A. Mô tả cây:
- Cây thảo lớn, sống 2 năm, cao 0,5-1,5m tạo thành trong năm đầu một vòng lá hoa thị ở gốc; phiến lá dài 10-30cm, hình bầu dục và có lông mềm; năm thứ hai, cây mới tạo một cán hoa và lá, cao tới 1-2m. ít khi phân nhánh. Hoa có màu tía đẹp, hình chuông, dạng như ngón của găng tay; phần dưới và trong của hoa hơi sáng hơn với các chấm màu sẫm.
- Quả nang, hình trứng, màu nâu, đầu có mũi nhọn, khi chín mở ra thành 2 mảnh; hạt nhỏ rất nhiều, màu nâu sáng, hơi sần sùi.
- Ra hoa tháng 5-9.
B. Phân bố, sinh thái:
- Cây của châu Âu, ta nhập trồng ở Hà Nội (Văn Điển), Vĩnh Phú (Tam Đảo) và Lào Cai (Sapa). Gieo trồng bằng hạt. Khi cây mọc, bứng cây ra cấy ở ruộng với khoảng cách 10x 25cm. Thu hái lá năm đầu vào mùa thu, phơi khô.
- Cây ưa khí hậu ẩm, mát với điều kiện phát triển thích hợp từ 15-20 độ C. Về mùa đông cây có hiện tượng tàn lụi, sinh trưởng mạnh nhất vào tháng 3-6. Cây trồng ở Sapa ra hoa quả nhiều. Hạt giống gieo trồng được.
C. Bộ phận dùng:
Lá của năm thứ nhất và năm thứ hai. Lá dương địa hoàng được dùng làm nguyên liệu glycosid chữa tim
D. Thành phần hoá học:
Tất cả các bộ phận cây đều chứa glucoside, trong đó có digitoxin (0,15-0,79g/kg lá khô), gitoxin (0,1-0,7g/kg lá khô) và gitalin, girorin, girotin… Còn có tanin, inositol, luteolin và nhiều acid và chất béo.
E. Tác dụng dược lý:
Các glycosid của dương địa hoàng có những tác dụng sau:
- Tăng cường sức co bóp cơ tim: Tác dụng này thể hiện rõ trên động vật thí nghiệm cũng như trên người bệnh, trên tim cô lập cũng như trên tim tại chỗ, có tính đặc hiệu cao và tác dụng trực tiếp trên cơ tim. Tác dụng còn thể hiện đối với tim bình thường cũng như trường hợp suy tim. Đối với tim bình thường, các glucosid cường tim trong khi tăng cường sức co bóp cơ tim đồng thời cũng gây co bóp các mạch máu ngoại vi, làm tăng trở kháng ngoại vi, lượng máu trở về tim giảm, cho nên lượng máu do tim đẩy ra khi co bóp không được tăng cường. Còn trong trường hợp suy tim, trên cơ sở sức co bóp của cơ tim bị suy yếu, tác dụng tăng cường sức co bóp của thuốc thông qua các bộ phận cảm nhận về áp lực ở xoang động mạch cổ và cung động mạch chủ gây nên các phản xạ điều tiết, làm giảm hoạt động hệ thần kinh giao cảm, gây giãn mạch ngoại vi, trở kháng ngoại vi giảm, lượng máu trở về tim tăng, do đó lượng máu do tim đẩy ra được gia tăng.
- Ngoài tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, các glycosid cường tim còn có tác dụng kéo dài một cách tương đối thời gian tim nghỉ và làm giảm lượng tiêu hao oxygen của tim bị suy yếu, do đó là thuốc thích hợp điều trị suy tim.
F. Tính vị, công năng:
Với liều dược dụng, nó làm cho tim hoạt động, làm cho hưng phấn, cường tim, tăng thêm sức co bóp của tim và làm cho tim đập dịu; còn có tác dụng lợi tiểu. Với liều cao, nó gây độc mạnh.
G. Công dụng:
Làm thuốc điều hoà hoạt động của tim và làm thuốc trị phù thũng toàn thân. Dùng ngoài làm cho vết thương chóng lành.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp