✴️ Vị thuốc Ngưu tất

Tên khoa học: Achyranthes bidentata

Tên gọi khác: Hoài ngưu tất, cây cỏ xước, có xước hai răng, cỏ sướt

Mô tả: Ngưu tất là loài cây lâu năm thường có chiều cao từ 70 – 120cm. Cụm rễ củ của cây có hình trụ, thon dài, có kích thước từ 0,6cm – 1cm mọc ra nhiều nhánh rễ phụ. Thân cây ngưu tất có màu xanh lục hoặc nâu tía, có các đốt trên thân phình lên giống như đầu gối chân trâu nên dân gian lấy tên cây dược liệu là Ngưu tất

Cây ngưu tất có tính ưa sang, ưa ẩm, cho nên cành thường mọc hướng thẳng đứng lên trên, các cành và lá mọc đối nhau, cuống lá có đường kính từ 5 – 22mm, Lá cây ngưu tất có hình bầu dục, mũi lá nhọn, dọc thân lá có hình gai, chiều dài từ 2 – 10cm, rộng từ 1 – 5cm

Hoa trong thời kỳ nở  ban đầu thường kích thước ngắn và mọc thành từng cụm, đến khi phát triển hoàn toàn sẽ có kích thước từ 15 – 20cm, thường nở vào khoảng từ tháng 7 cho đến tháng 9 và sẽ cho ra quả từ tháng 9 cho đến tháng 10 hằng năm

Bộ phận dùng: Lá, hạt, cuống, rễ

Thành phần hoá học: saponin tritecpenoid (sau khi qua nước thủy phân thành oleanolic acid và đường), genin là acid oleanolic, các sterol ecdysteron, inokosteron, glucoza, polysaccharide, muối kali. ..Ngoài ra cây ngưu tất còn hàm chứa arginine (Arg), 12 lọai amino acid và alkaloids, hợp chất coumarins, và nguyên tố vi lượng sắt, đồng…

Tính vị: tính ôn, vị đắng và chua

Quy kinh: Vào các kinh can, thận

Công năng: Hoạt huyết thông kinh, cường gân cốt, bổ can thận

Chủ trị: Trị đau lưng, mỏi gối, mỏi gân xương, bế kinh, kinh nguyệt không đều, tăng huyết áp

Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng từ 8g – 12g dạng thuốc sắc

Thuốc sắc ngưu tất:

  • Bài 1: ngưu tất 20g, cam thảo 10g. Sắc uống thay trà. Dùng cho người lên sởi có viêm họng.
  • Bài 2: xuyên ngưu tất 30g, sắc hai nước, bỏ bã, lấy nước 1 trộn lẫn nước 2. Ngày 1 thang chia 2 lần.Dùng cho người xuất huyết dạ con.
  • Bài 3: ngưu tất 12g, thục địa 12g, xa tiền tử 12g, hoài sơn 12g, trạch tả 8g, đan bì 8g, phục linh 8g, sơn thù 8g, phụ tử chế 8g, nhục quế 4g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng trong trường hợp bí tiểu tiện ở người cao tuổi.
  • Bài 4: ngưu tất (chích rượu) 12g, ích mẫu 16g; hương phụ (tứ chế), đào nhân, uất kim, tạo giác thích (gai bồ kết), mỗi vị 8g. Dùng trong trường hợp bế kinh, khi có kinh đau bụng. Sau kỳ kinh khoảng 7-10 ngày, sắc uống ngày 1 thang. Mỗi thang sắc 2 lần, hợp 2 nước với nhau, chia ra uống 2-3 lần trong ngày, uống trước bữa ăn, 14 ngày là một liệu trình.
  • Bài 5: ngưu tất, bạch truật, mỗi vị 12g, cỏ nhọ nồi 12g; phục linh, bán hạ (chế), trần bì, hương phụ, mỗi vị 8g. Dùng cho trường hợp rong kinh. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 2-3 tuần là một liệu trình.
  • Bài 6: ngưu tất, phòng phong, tang ký sinh, độc hoạt, tục đoạn, ý dĩ, đương quy, thục địa, bạch thược, đảng sâm, mỗi vị 12g; tần giao 10g; quế chi, xuyên khung, mỗi vị 8g; tế tân, cam thảo mỗi vị 6g. Dùng cho trường hợp viêm đa khớp dạng thấp. Sắc uống ngày một thang, uống trước bữa ăn. Uống liền 2-3 tuần. Nghỉ 1 tuần. Tùy theo tình hình có thể tiếp tục một liệu trình mới.
  • Thuốc bột ngưu tất: ngưu tất, đại giả thạch, tiên hạc thảo, lượng bằng nhau. Nghiền chung thành bột. Mỗi lần uống 10g, ngày 1-3 lần. Dùng cho người hay chảy máu cam. 10 ngày là 1 liệu trình.
  • Cháo ngưu tất: thân cây và lá ngưu tất (khô) 20g sắc lấy nước, bỏ bã nấu với 100 g gạo lứt ( cháo loãng), ăn nóng, ngày 2-3 lần. 10 ngày là một liệu trình. Dùng cho người phong hàn tê thấp, đau lưng mỏi gối, các khớp xương không ổn định, viêm đau khớp.

 

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, băng huyết không dùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top