✴️ Vị thuốc Quán chúng

Quán chúng là một vị thuốc tương đối hay dùng trong đông y. Tuy nhiên nguồn gốc rất phức tạp và chưa thống nhất. Trước đây căn cứ vào các tài liệu của Trung Quốc, ta thường xác định quán chúng là thân rễ của cây Cyrtomium fortunei J.Sm (họ Polypodiaceae). Theo A.Petelot (1954, Les planes medicinales du 319) thì cây này có ở Việt Nam. Tại nhiều vùng nhân dân ta dùng thân rễ của nhiều loài quyết khác nhau tên khoa học chưa được ai xác định chính xác.

Năm 1961 tại Trung Quốc (1961-Trung dược trí I) các tác giả có báo cáo đã điều tra nguồn gốc quán chúng tại nhiều vùng ở Trung Quốc (Đông Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Phúc Kiến..) nhưng chưa hề thấy ở đâu dùng thân rễ cây Cyrtomium fortunei J. Sm như thường ghi trong nhiều tài liệu trước.

Chúng tôi giới thiệu tóm tắt một số tài liệu về nguồn gốc và công dụng của vị quán chúng để chúng ta tham khảo và nghiên cứu để chỉnh lý lại trên cơ sở thực tế sử dụng ở Việt Nam ta.

Quán là xâu, chuỗi: chúng là nhiều, vì vị quán chúng trông giống như nhiều cành xâu vào gốc cây nên đặt tên như vậy.

Trong sách vở người ta mô tả, quán chúng là một thứ cây mọc ở khe núi, hình giống đuôi chim chả, da đen thịt đỏ.

A. Nguồn gốc vị quán chúng

Như trên đã nói, tên quán chúng dùng để chỉ thân rễ và phần dưới cuống lá phơi hay sấy khô của rất nhiều cây khác nhau thuộc quyết thực vật. Sau đây là một số cây chính:

  1. Cyrtomium fortunei J. Sm (Polystichum fortunei Nakai). Cây có thân rễ mọc đứng, lá non mọc thành túp cuống dài 5-20cm khía sâu có vảy. Phiến lá hình lông chim dài 15-35cm, ổ tử nang phân phối đều từ gân chính đến mép các thùy của lá. Như trên đã nói, mặc dù có ghi trong tài liệu cũ, nhưng cho đến nay chưa ai phát hiện. Tại Trung Quốc, người ta cũng chưa thấy ở đâu dùng vị thuốc này làm quán chúng.

  2.  Dryopteris crassirhizoma Nakai (Thô hành lân mao quyết) thuộc họ Aspidiaceae, còn có tên quán chúng (Đông Bắc, Trung Quốc). Cây này mới thấy ở Trung Quốc (Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh).

  3.  Athyrium acrostichoides (Sw.) Diels-Quán chúng (Tứ Xuyên) họ Athyriaceae.

  4. Woodwardia unigemmata Nakai họ Ô kim quyết Blechnaceae có tên là đơn nha cẩu tích quản trọng, cây này có mọc ở Sapa (Lào Cai). Cùng giống còn có Đông phương cẩu tích-Woodwardia orientalis Sw. và Woodwardia orientalis Sw. var. prollifera (Hook. et Arn.) Ching. Những loài này thấy và được dùng ở Triết Giang, Phúc Kiến, Đài Loan, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Cạm Túc, Hồ Nam. Tại nước ta, qua các tài liệu cũ có cây mang tên cẩu tích Woodwardia cochinchinensis Ching (co cút, đong un, Lào) nói là có mọc phổ biến ở miền núi nước ta, nhưng cũng chưa phát hiện.

  5. Osmunda japonica Thunb. là cây tử cơ thuộc họ Tử cơ Osmundaceae. Cây này mọc và được dùng ở Hồ Nam, Sơn Đông, An Huy, Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến, Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Thiểm Tây.

Qua tài liệu cũ ta có cây quản trọng Osmunda zeylania L (tên khác của Helmithostatchys zeylanca Hook.)

Nguồn gốc vị quán chúng

B. Phân bố, thu hái và chế biến

  • Như trên đã nói, do nguồn gốc hỗn loạn cho nên sự phân bổ của cây nào đã giới thiệu ngay ở phần nguồn gốc.
  • Tại nước ta, chưa tiến hành một cuộc điều tra nào về vị qáun chúng; chỉ biết rằng đối với những cây người ta cho là vị quán chúng thì vào mùa hè, mùa thu đào lấy thân rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần trên mặt đất, rễ con, rồi phơi hay sấy khô là được. Khi dùng ngâm nước cho mềm rồi thái mỏng sắc uống hay tán bột. Có khi sao cháy đen mới dùng.

C. Thành phần hóa học

Do nguồn gốc hỗn loạn cho nên thành phần hóa học cần xác minh lại. Theo Dược học tạp chí (Nhật 39; 905, 1920) trong Đông bắc quán chúng có filixin, filmaron C47H56O16, albaspidin C25H38O8. Filixin thủy phân sẽ cho axit filixic C35H40O12 và aspidinola C12H16O4, ngoài ra còn có axit filmaric chất béo.

D. Công dụng và liều dùng

  • Quán chúng là một vị thuốc kinh nghiệm nhân dân. Tính chất theo tài liệu cổ của quán chúng là vị đắng, hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, tán ứ, cầm máu, giải độc, sát trùng, dự phòng bệnh thời khí.
  • Dùng trong những bệnh trừ tà nhiệt, chất độc chứa trong bụng, phá trưng hà (hòn khối trong bụng), trị bạch thốn trùng (sán). Còn dùng làm thuốc sát trùng, chữa băng đới, thuốc phụ khoa.
  • Coi vậy ta thấy một loài quán chúng có tác dụng tẩy sán như loài dương xỉ đực, trong tây y (dương xỉ đực Aspidium filix-mas Roth, thuộc họ Tàm kiển-Polypodiaceae. Trong dương xỉ đực có chất tanin-axit filicotannic, chất béo, chất sáp, nhựa, tinh dầu, filixin, filmaron).
  • Liều dùng của quán chúng: ngày dùng 6-12g. Trong sách cổ nói: những người tỳ hư, vị hàn không thực nhiệt không được dùng.

E. Đơn thuốc có quán chúng dùng trong nhân dân

  • Chữa băng huyết: quán chúng 20g sắc với rượu mà uống.
  • Xích bạch đới lâu ngày không khỏi, sau khi để mất máu nhiều: một củ quán chúng để nguyên, tẩm dấm cho ướt, nướng thơm để nguội tán nhỏ. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 6g, dùng rượu mà chiêu thuốc.
  • Phòng bệnh: trong mùa ôn dịch người ta thường cho quán chúng vào bể nước ăn cho khỏi độc (theo Hoàng cung Tú-Bản thái cương mục của Lý Thời Trân).
  • Chữa lỵ: quán chúng sao vàng tán bột, kim ngân hoa, sao vàng tán bột, mỗi vị 20g, cam thảo bột 10g. Trộn đều, mỗi lần uống 1-2g, ngày uống 3-4 lần (kinh nghiệm của Diệp Quyết Tuyền).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top