✴️ Vị thuốc Thổ cao ly sâm

Nội dung

Tên tiếng Việt: Thổ cao ly sâm, Thổ nhân sâm, Đông dương sâm, Cứa ly sinh (Thái), Mằm sâm đăm (Tày)

Tên khoa họcTalinum fruticosum (L.) Juss.

Tên đồng nghĩa: Talinum crassifolium Willd.

Họ: Portulacaceae (Rau sam)

Công dụng: dùng rễ làm thuốc bổ, thuốc chữa ho dưới dạng thuốc sắc.

A. Mô tả cây 

  • Cây loại cỏ mọc hằng năm hoặc sống dai, thân mọc thẳng, có thể cao tới 0,6m, thân màu xanh, phía dưới chia cành. Lá mọc so le, hình trứng ngược, hoặc hình thìa, phiến lá dày, hơi mẫm, hai mặt đều bóng, đầu lá nhọn hoặc tù, phía cuống hẹp lại, cuống rất ngắn, lá dài 5-7cm, rộng 2,5- 3,5cm. Vào mùa hạ ở đầu cành xuất hiện cụm hoa hình chùm nhiều hoa nhỏ, đường kính ước 6mm, 5 cánh hoa màu tím đỏ nhạt, hơn 10 nhị dài ước 2mm. Bầu hoa hình cầu. Quả nhỏ, khi chín có màu xám tro, đường kính ước 3mm. Hạt rất nhỏ, màu đen nhánh hơi dẹt, trên mặt hơi có vân nổi.
  • Mùa hoa: tháng 6-7-8. Mùa quả: tháng 9-10.

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

  • Cây thổ cao ly sâm mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta vì nhiều người nhầm là cây nhân sâm. Sự thực hai cây khác hẳn nhau về hình thái cũng như về họ thực vật.
  • Có điều đáng chú ý là một số tỉnh ở Trung Quốc như Triết Giang, Giang Tô, An Huy, Quảng Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên là nơi cây này cũng mọc hoang và được trồng làm cảnh, người ta cũng gọi cây này với những tên cao ly sâm, thổ cao ly sâm v.v… và cũng dùng nó làm thuốc bổ thay sâm.
  • Có thể trồng bằng hạt hoặc bằng mẩu rễ. Cây mọc rất khoẻ, sau một năm đã thu hoạch lấy rễ, để lâu năm được rễ to hơn. Rễ đào về rửa sạch cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô. Rễ lúc mới đào về có màu hồng đẹp. Để lâu đen xám.

C. Thành phần hoá học 

Chưa có tài liệu nghiên cứu.

D. Tác dụng dược lý 

Chưa có tài liệu nghiên cứu

E. Công dụng và liều dùng 

  • Dùng trong phạm vi kinh nghiệm trong nhân dân.
  • Tại Việt Nam và Trung Quốc nhiều nơi dùng rễ làm thuốc bổ, thuốc chữa ho dưới dạng thuốc sắc.
  • Có khi người ta dùng rễ cạo sạch vỏ, hoặc dùng lá nấu với thịt để ăn như nấu canh rau.
  • Ngày dùng 20-30g.

F. Bài thuốc – món ăn chứa Thổ cao ly sâm theo kinh nghiệm dân gian

Bài 1 – Chữa tiểu tiện nhiều, hỗ trợ đái tháo đường: Thổ nhân sâm 60g, kim anh tử 60g, các vị trên cho vào ấm đổ 550ml nước, sắc nhỏ lửa còn 250ml nước chia 2 lần uống trong ngày. 5 ngày một liệu trình.
Bài 2 – Bổ khí huyết – chữa khí huyết suy yếu, người xanh gầy, thở yếu, hồi hộp, ít ngủ, kém ăn, mệt mỏi: Thổ nhân sâm 40, sắc nước uống trong ngày, cho vào ấm đổ 400ml nước, sắc nhỏ lửa còn 150ml nước chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.
Bài 3 – Chữa đại tiện lỏng do tỳ hư: Thổ nhân sâm 30g, đại táo 15g, cho vào ấm đổ 550ml nước, sắc uống thay trà trong ngày.
Bài 4 – Hỗ trợ điều trị ho lâu ngày: Thổ nhân sâm, hà thủ ô trắng, thông thảo, mỗi vị 20g, gà một con nhỏ tương đương với 400g. Cách chế biến: Cho các nguyên liệu trên rửa sạch cho vào nồi hầm gà thêm khoảng 80 phút đến khi nước canh có màu trắng sữa. Khi gà chín nhừ, hớt bỏ bớt mỡ, múc gà ra một bát to, đổ hết nước hầm lên, ăn kèm với muối và hạt tiêu.
Bài 5 – Chữa mồ hôi trộm: Thổ nhân sâm 60g, dạ dày lợn nửa cái. Cách chế biến: Dạ dày làm sạch để ráo, cho vào nồi hầm thổ nhân sâm. Khi dạ dày chín nhừ, ăn kèm với muối và hạt tiêu.
Bài 6 – Người mới ốm dậy, sau phẫu thuật: Sườn lợn 300g, hoàng kỳ 200g, thổ nhân sâm 200g. Xương sườn lợn luộc qua rồi vớt bỏ bọt, hoàng kỳ sắc kỹ lấy nước. Cho hoàng kỳ và sườn lợn vào nồi, chế thêm nước, đun nhỏ lửa và om kỹ, khi đạt độ nhừ cho thổ nhân sâm vào đun tiếp 5 – 10 phút, nêm gia vị vừa đủ ăn với cơm. Mỗi tuần có thể ăn 2 – 3 bữa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top