✴️ Vị thuốc từ cây Dạ cẩm

Nội dung

1. Nhận biết cây dạ cẩm 

Cây dạ cẩm hay còn gọi là cây loét mồm (Hedyotis capitellata Wall. exg. Don), họ Cà phê (Rubiaceae). Là loại cây bụi, leo bằng thân quấn, lúc non cành có bốn cạnh, sau tròn, phình to ở những đốt. Lá mọc đối hình bầu dục hoặc hình trứng. Thân cây có thể có lông hoặc không lông, có thể có màu tím, hoặc màu xanh, song về mặt thực vật, vẫn chỉ là một loài.

Dạ cẩm mọc hoang, phân bố rất rộng ở nhiều vùng núi và trung du với độ cao đến 1000 m của các tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Giang…

Cây dạ cẩm

 

Có thể thu hái quanh năm, tốt nhất là trước khi cây ra hoa, khi đó dây rất mập, lá rất dày. Sau khi thu hái, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô. Trước khi dùng, cắt đoạn 5 – 7cm, sao khô để dùng dưới dạng thuốc thang; nếu có số lượng lớn, hoặc có nhu cầu sử dụng nhiều, có thể tiến hành bào chế dạng cao mềm.

Dạ cẩm chứa alcaloid, ngoài ra còn có tanin và saponin.

2. Tác dụng của dạ cẩm theo y học cổ truyền

Theo YHCT , dạ cẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, tiêu viêm, lợi tiểu. Trên thực tế lâm sàng, dạ cẩm có tác dụng làm giảm các cơn đau và có tác dụng trung hòa a xít trong dạ dày, làm bớt ợ hơi, ợ chua, làm cho vết loét nhanh lành lại và nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho người bệnh.

3. Một số chứng bệnh thường dùng dạ cẩm:

– Trị các chứng lở loét niêm mạc miệng, lưỡi, viêm loét họng: lấy lá và ngọn non dạ cẩm, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cho uống hoặc lấy dịch bôi vào vết lở loét; hoặc lấy khoảng 12 – 25g lá dạ cẩm sắc, chia 2 – 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn, hoặc đem dạ cẩm nấu thành cao lỏng 1:1, thêm chút mật ong, bôi vào nơi bị lở loét.

– Trị đau dạ dày, tá tràng, ợ chua: cao lỏng dạ cẩm thêm mật ong đủ ngọt, với liều tương đương 10 – 25g ngày, chia 2 – 3 lần uống trước bữa ăn; hoặc lấy 5 – 7g cao mềm dạ cẩm hòa với nước sôi để nguội, thêm mật ong đủ ngọt, uống liền 3 – 4 tuần lễ. Cũng có thể bào chế dưới dạng cốm dạ cẩm, ngày uống 2 lần trước bữa ăn.

4. Để đảm bảo an toàn cho người dùng bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Nên sử dụng cây dạ cẩm với một lượng vừa đủ, không nên lạm dụng quá nhiều có thể gây ra tác dụng ngược lại.
  • Những đối tượng như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú khi dùng cần được sự chỉ định và kiểm tra của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến thai nhi và sữa mẹ.
  • Nếu bạn dùng cây dạ cẩm dưới dạng khô, bạn nên chọn màu ở những địa điểm uy tín, kiểm tra trước khi múa, tránh việc trộn hoặc lẫn thêm loại cây cỏ khác. Hoặc dược liệu đã bị đổi màu, nấm mốc thì nên bỏ đi mà không sử dụng nữa.
  • Người dùng khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào như buồn nôn, chóng mặt, dị ứng,… thì nên dừng sử dụng và đến cơ sở thăm khám Đông y để kiểm tra sức khỏe.
  • Những trường hợp sử dụng cây dạ cẩm để giã lấy nước cốt, đắp ngoài da cần ngâm muối loãng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn bám trên lá.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top