✴️ Thực hành dùng thuốc cho người bệnh (P1)

GIỚI THIỆU

Thuốc là một dạng hoạt chất được sử dụng nhằm mục đích điều trị, phòng ngừa, nâng cao sức khỏe và chẩn đoán.

Dùng thuốc đường uống và dùng tại chỗ - còn gọi là dùng thuốc không xâm lấn:

là đưa thuốc vào cơ thể người bệnh không có sự can thiệp thủ thuật qua da hoặc xâm nhập vào các tổ chức của cơ thể.

Tiêm là một trong các biện pháp đưa thuốc, chất dinh dưỡng vào các tổ chức của cơ thể người bệnh có sự can thiệp bằng các thủ thuật, bao gồm tiêm trong da, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.

Để đảm bảo dùng thuốc cho người bệnh an toàn và hiệu quả, điều dưỡng viên phải hiểu biết đầy đủ về thuốc và cách sử dụng thuốc, phải nhận định đúng tình trạng người bệnh trước khi dùng thuốc. Ngoài mục đích đảm bảo hiệu quả và tránh nhầm lẫn khi dùng thuốc, điều dưỡng viên phải có kỹ năng và thái độ cần thiết để thực hiện dùng thuốc cho người bệnh. Trong và sau khi dùng thuốc, điều dưỡng viên cần chủ động phối hợp với đồng nghiệp để tư vấn, hướng dẫn người bệnh phát hiện các dấu hiệu bất thường để xử trí kịp thời. Khi dùng thuốc qua đường tiêm điều dưỡng viên phải đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn để đảm bảo an toàn cho người bệnh, người được tiêm và cộng đồng.

Bài viết sẽ giới thiệu một số kỹ năng dùng thuốc cho người bệnh như:

Cho người bệnh uống thuốc

Tiêm dưới da

Tiêm bắp

Tiêm tĩnh mạch

 

KỸ NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH UỐNG THUỐC

Nguyên tắc

Tuân thủ nguyên tắc 5 đúng khi cho người bệnh dùng thuốc:

Đúng người bệnh

Đúng thuốc

Đúng liều

Đúng đường dùng

Đúng thời gian dùng thuốc

Các dạng thuốc dùng qua đường tiêu hóa

Thuốc viên

Thuốc bột

Dung dịch thuốc

Áp dụng

Cho người bệnh có thể uống được, thuốc không bị dịch tiêu hóa phá hủy.

Không áp dụng

Người bệnh rối loạn thần kinh cơ

Nôn liên tục

Chít hẹp thực quản

Người bệnh mất khả năng nuốt, hôn mê

Người bệnh đang hút dịch dạ dày

Những điểm cần lưu ý khi dùng thuốc qua đường tiêu hóa

Không đưa thuốc cho người bệnh nếu người bệnh có những băn khoăn, lo lắng về việc dùng thuốc. Người điều dưỡng phải giải thích để người bệnh hiểu, an tâm, đưa thuốc và chứng kiến người bệnh dùng thuốc tận miệng.

Không được uống các loại thuốc cùng một lúc với nhau (phòng ngừa tương tác thuốc).

Thuốc có tính acid làm hại men răng, trước khi cho uống cần phải pha loãng và cho uống qua ống hút.

Sau khi cho người bệnh dùng thuốc dầu, nên cho uống thêm nước cam hoặc nước chanh để đỡ cảm giác buồn nôn.

Khi cho người bệnh uống aspirin phải cho uống lúc no, không uống chung với các loại thuốc có tính chất kiềm.

Các loại thuốc sulfamid, nên cho người bệnh uống nhiều nước để tránh thuốc lắng đọng ở thận.

Khi dùng thuốc cho trẻ em, điều dưỡng không nên pha thuốc vào sữa, dịch nuôi dưỡng vì liều dùng dễ bị thiếu do trẻ không uống/không ăn hết.

Không nên pha thuốc loại đắng, mùi vị khó uống với nhiều nước, nếu mùi vị một số thuốc khi uống làm cho người bệnh buồn nôn nên cho ngậm đá sau khi uống vài phút.

Thuốc lợi tiểu phải uống trước khi ngủ 15 giờ.

Nước dùng để uống tốt nhất là nước ấm.

Điều dưỡng cần theo dõi dấu hiệu sinh tồn trước và sau khi cho người bệnh dùng những loại thuốc làm ảnh hưởng đến tuần hoàn, hô hấp.

Không cho người bệnh dùng thuốc khi người bệnh có chống chỉ định dùng thuốc hoặc nếu nghi ngờ về khả năng an toàn của người bệnh khi dùng thuốc.

Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc đông y, thuốc nam phải báo lại cho bác sỹ biết để tránh tương tác thuốc.

Trong trường hợp người bệnh đang đặt sonde dạ dày thì phải nghiền thuốc pha với nước để bơm qua sonde (không pha trộn các loại thuốc với nhau khi không có y lệnh)

Tai biến khi dùng thuốc qua đường tiêu hoá và cách phòng tránh

Dị ứng thuốc: phải hỏi kỹ về tiền sử dị ứng thuốc, thực hiện 5 đúng. Nếu sau khi dùng thuốc thấy có các dấu hiệu bất thường như nổi mẩn, ngứa, buồn nôn, nôn, khó thở, tức ngực... phải dừng thuốc ngay và xử trí theo hướng dẫn xử trí phản vệ (thông tư 51 - BYT về xử trí phản vệ).

Xuất huyết dạ dày: khi uống các loại thuốc chống viêm kháng steroid, aspirin… phải uống thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày trước, uống thuốc sau khi ăn. Nếu người bệnh có các biểu hiện bất thường như nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng... phải dừng thuốc ngay và báo với bác sĩ để xử trí kịp thời.

Ngộ độc thuốc: thuốc tim mạch có thể gây ngộ độc, nên trước khi uống phải đếm nhịp tim, đo huyết áp... nếu thấy không bình thường phải tạm dừng thuốc, báo bác sĩ để xử trí kịp thời.

Quy trình thực hành kỹ thuật cho người bệnh uống thuốc

Bảng kiểm kỹ thuật cho người bệnh uống thuốc

 

KỸ THUẬT TIÊM DƯỚI DA

Tiêm dưới da là sử dụng bơm kim tiêm để đưa thuốc vào mô liên kết dưới da.

Áp dụng

Với một số thuốc mong muốn thấm dần (từ từ) vào cơ thể để phát huy tác dụng: Insulin.

Không áp dụng:

Những thuốc gây hoại tử mô

Vị trí:

Tiêm vào mô liên kết lỏng lẻo dưới da. Thường chọn những vị trí:

1/3 giữa mặt trước ngoài cánh tay

Hai bên bả vai.

Xung quanh rốn, cách rốn 5cm.

1/3 giữa mặt trước, ngoài đùi.

Tai biến

Tai biến do vô khuẩn không tốt

Gây áp xe (abscess) tại chỗ tiêm

Phát hiện: Chỗ tiêm tấy đỏ, sưng nóng, toàn thân có thể sốt hoặc không.

Xử trí: Chườm nóng, dùng kháng sinh trong trường hợp thuốc tiêm không phải là thuốc kháng sinh (giai đoạn viêm tấy); Chích áp xe nếu áp xe đã hóa mủ rõ.

Lây các bệnh truyền nhiễm như viêm gan vius, HIV...

Do vô khuẩn không tốt, mầm bệnh từ người mắc bệnh truyền sang người không bị bệnh.

Xử trí: điều trị bệnh truyền nhiễm.

Tai biến do quá trình tiêm

Gãy kim, quằn kim do người bệnh giãy dụa hoặc do tiêm không đúng kỹ thuật

Đề phòng: Không tiêm ngập đốc kim, để đề phòng nếu kim gãy có thể rút ra được.

Sốc do bơm thuốc quá nhanh hoặc người bệnh quá sợ hãi và đau không chịu được.

Đề phòng: Thực hiện nguyên tắc khi tiêm 2 nhanh 1 chậm, trước khi tiêm thuốc phải giải thích cho người bệnh nhân yên tâm, tránh sợ hãi lo lắng.

Các tai biến do thuốc

Người bệnh đau, áp xe vô khuẩn: do thuốc hấp thu rất chậm.

Phát hiện: chỗ tiêm sưng nóng đỏ.

Xử trí: chườm nóng, chích áp xe nếu cần thiết.

Có thể gây mảng mục ở trẻ em như tiêm insulin, muối quinin, các chất dầu, các hormon.

Dị ứng thuốc và phản vệ:

Phát hiện: Dị ứng, khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ, vã mồ hôi, chân tay lạnh...

Phòng: Hỏi kỹ tiền sử trước khi dùng thuốc

Xử trí: Khẩn trương phối hợp cấp cứu phản vệ.

Quy trình thực hành kỹ thuật tiêm dưới da

Nhận định

Nhận định đúng người bệnh: đối chiếu với y lệnh.

Nhận định toàn trạng người bệnh, dấu hiệu sinh tồn.

Tiền sử dùng thuốc và dị ứng thuốc của người bệnh.

Nhận định vị trí tiêm.

Nhận định thái độ, kiến thức của người bệnh/gia đình NB khi sử dụng thuốc.

Dụng cụ và thuốc

Thuốc tiêm theo chỉ định.

Dụng cụ vô khuẩn: Bơm tiêm và kim tiêm phù hợp: bơm tiêm 1 -3 ml; kim tiêm, Kim lấy thuốc; Cồn sát khuẩn: cồn 70; Bông/gạc sát khuẩn; Panh không mấu và ống trụ cắm panh.

Các dụng cụ khác: Panh có mấu và khay sạch; Hộp thuốc cấp cứu Phản vệ; Dung dịch sát khuẩn tay nhanh; Bảng ghi các thuốc sau khi sử dụng và máy tính (nếu có).

Hộp an toàn/kháng thủng để đựng vật sắc nhọn; Các loại túi/dụng cụ đựng rác thải theo quy định.

Các bước thực hiện quy trình tiêm dưới da

Bảng kiểm kỹ thuật tiêm dưới da

 

Xem tiếp phần 2

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top