✴️ Sulfonylureas làm tăng tiết insulin tụy trong điều trị đái tháo đường bằng cách nào?

Nội dung

Kiểm soát đường huyết là mục tiêu quan trọng trong điều trị đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường típ 2. Hiện nay, nhiều nhóm thuốc hạ đường huyết mới đã được khám phá và đang cạnh tranh nhau về vị trí trong các phác đồ điều trị, trong đó Sulfonylurea (SU) là nhóm thuốc uống lâu đời nhất, được phát hiện trong khi sử dụng nhóm kháng sinh sulfonamides ghi nhận xảy ra hiện tượng hạ đường huyết, có vai trò quan trọng trong trong điều trị cho bệnh nhân mắc ĐTĐ típ 2 nhờ hiệu quả giảm HbA1c mạnh (1,5% đơn trị liệu).

 

Vậy Sulfonylurea (SU) kích thích tăng giải phóng insulin từ tế bào β tụy bằng cách nào?

- Bình thường, K+ đi ra khỏi tế bào β tụy, để duy trì sự phân cực của màng, và insulin được tiết chỉ khi sự khử cực diễn ra.

- Glucose đóng vai trò như một insulinogen, bằng cách tăng ATP nội bào → đóng kênh K+ → khử cực màng → ↑ Ca2+ đi vào → giải phóng insulin.

- Mặc khác, Sulfonylureas tác dụng trực tiếp trên tế bào β tụy bằng cách gắn vào thụ thể SUR1 (là một phần của phức hợp kênh kali nhạy cảm với ATP Kir6.2), làm chẹn kênh K+, từ đó gây khử cực màng tế bào→ phóng thích insulin.

Tuy nhiên, thụ thể SUR còn hiện diện ở cơ tim (SUR2A trên cơ tim, SUR2B trên cơ trơn, mạch máu), sử dụng SU có thể gây tăng nguy cơ biến cố tim mạch, và do tác dụng kích thích tiết insulin mạnh của nó, nguy cơ hạ đường huyết và tăng cân giống insulin, SU là lựa chọn cân nhắc khi kiểm soát đường huyết chưa đạt mục tiêu.

 

Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Sulfonylureas

Thuốc Sulfonylureas được chỉ định trong điều trị bệnh đái tháo đường loại 2 ở người lớn, trong trường hợp những người bệnh này không thể kiểm soát được hàm lượng đường huyết thông qua chế độ ăn, luyện tập và giảm cân đơn thuần. Thuốc Sulfonylureas cũng được sử dụng như chỉ định thay thế ở bệnh nhân mắc cùng lúc đái tháo đường và béo phì, đề kháng insulin hoặc khi sử dụng hợp chất metformin không mang lại hiệu quả mong đợi, tình trạng dung nạp kém hoặc có chỉ định với metformin.

Thuốc Sulfonylureas cũng được chỉ định cho bệnh nhân có đề kháng insulin không có khả năng vượt trội so với thiếu hụt insulin ở những bệnh nhân có cân nặng nằm trong ngưỡng bình thường.

Thuốc Sulfonylureas cũng có thể chống chỉ định trong một số trường hợp:

  • Người bệnh thiếu hụt insulin với tình trạng đái tháo đường phụ thuộc insulin,
  • Đối tượng trẻ vị thành niên,
  • Nhiễm toan ceton hoặc tiền hôn mê
  • Hôn mê do đái tháo đường.
  • Người bệnh bị suy thận
  • Người suy gan nặng

Khi sử dụng thuốc Sulfonylureas có nguy cơ quá liệu và hạ đường huyết. Bên cạnh đó, những người bệnh có rối loạn chuyển hóa porphyrin ở gan khi sử dụng thuốc Sulfonylureas có thể gặp nguy cơ đợt cấp tính. Ngoài ra, những người bệnh quá mẫn cảm với nhóm thuốc Sulfamid như hạ đường huyết hoặc kháng khuẩn hoặc lợi tiểu...)

 

Cách sử dụng thuốc Sulfonylureas

Đa số thuốc Sulfonylureas có thời gian tác dụng khá dài nên người bệnh chỉ cần sử dụng thuốc hai lần/ngày hoặc thậm chí có thể chỉ cần 1 lần/ngày. Trong trường hợp quên liều thuốc thì người bệnh không nên sử dụng liều quên mà nên sử dụng liều kế tiếp. Vì trường hợp người bệnh tăng liều sử dụng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn.

Thuốc Sulfonylureas được sử dụng trong hoặc sau bữa ăn để tránh tình trạng hạ đường huyết. Với trường hợp sử dụng thuốc 1 lần/ngày thì nên uống thuốc vào buổi sáng.

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc người bệnh nên bảo vệ da khi ra nắng do thuốc Sulfonylureas có thể khiến cho người bệnh nhạy cảm với ánh sáng.

Khi sử dụng thuốc Sulfonylureas nên uống thuốc nguyên viên, vì thuốc được bào chế ở dạng phóng thích kéo dài nên nếu người bệnh nhai thuốc trước khi uống sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top