✴️ Thiếu sắt

Triệu chứng của thiếu sắt

Các triệu chứng thiếu sắt khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như sức khỏe tổng thể của một người. Đối với thiếu sắt nhẹ hoặc trung bình, một người có thể không gặp bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào.

Đôi khi, thiếu chất sắt có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Đây là khi cơ thể không có đủ hồng cầu hoặc huyết sắc tố trong máu.

Thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • Mệt mỏi, đuối sức
  • Chóng mặt, đau đầu
  • Nhạy cảm với nhiệt độ
  • Tay chân lạnh
  • Khó thở, đau ngực
  • Khó tập trung
  • Tim đập nhanh
  • Hội chứng chân không yên
  • Thèm đồ ăn không phải thực phẩm, như nước đá hay bụi bẩn

Ngoài ra còn có một số dấu hiệu thể chất cho thấy sự thiếu hụt sắt chẳng hạn như:

  • Móng tay dễ gãy
  • Vết nứt ở hai bên miệng
  • Rụng tóc
  • Viêm lưỡi
  • Da nhợt nhạt hoặc vàng bất thường
  • Nhịp tim không đều hoặc thở.

​      chóng mặt do thiếu máu

Nguyên nhân

Có một số nguyên nhân gây thiếu chất sắt bao gồm:

Chế độ ăn: Sắt có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau bao gồm cá, ngũ cốc tăng cường, đậu, thịt và rau xanh.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng nam giới trưởng thành cần cung cấp 8 mg sắt mỗi ngày và phụ nữ cần 18 mg mỗi ngày trước 50 tuổi và 8 mg sau 50 tuổi.

Hấp thu sắt: Một số tình trạng, bệnh lý và thuốc có thể ngăn cơ thể hấp thụ sắt đúng cách ngay cả khi một người đang ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt.

Các yếu tố có thể gây cản trở hấp thụ sắt bao gồm:

  • Tình trạng đường ruột và tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh viêm ruột.
  • Phẫu thuật đường tiêu hóa, chẳng hạn như phẫu thuật cắt dạ dày

đột biến gen hiếm

Mất máu: Huyết sắc tố là một protein trong các tế bào hồng cầu chứa hầu hết chất sắt của cơ thể. Vì vậy, mất máu có thể dẫn đến thiếu sắt và thiếu máu.

Mất máu có thể do chấn thương, hoặc hiến máu quá thường xuyên. Nhưng một số tình trạng bệnh lý hoặc thuốc cũng có thể gây mất máu bao gồm:

  • Chảy máu trong do loét hoặc ung thư trực tràng
  • Sử dụng thường xuyên aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Mất máu nhiều trong chu kì kinh nguyệt.
  • Chảy máu đường tiết niệu
  • Các hội chứng, bệnh di truyền hiếm gặp
  • Phẫu thuật

Các tình trạng bệnh lý khác

      Các tình trạng bệnh lý khác có thể gây thiếu sắt bao gồm:

  • Suy thận
  • Suy tim sung huyết
  • Béo phì

Sắt đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tăng trưởng. Vì lý do này, trẻ em và phụ nữ mang thai có nguy cơ bị thiếu sắt và thiếu máu cao hơn những người khác.

Chẩn đoán

Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kết hợp với việc trao đổi với bệnh nhân về các triệu chứng và bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác. Nếu nghi ngờ thiếu sắt, bệnh nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm máu. Kết quả của xét nghiệm máu có thể cho biết các thông tin như tổng lượng hồng cầu và hàm lượng sắt trong máu.

Nếu nghi ngờ xuất huyết trong có thể cần tiến hành xét nghiệm, thăm dò thêm như:

  • Xét nghiệm máu trong phân.
  • Nội soi.

Điều trị

Việc điều trị chính xác cho tình trạng thiếu sắt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa thuốc sắt uống bổ sung.

Trường hợp cơ thể kém hấp thu sắt, liệu pháp cung cấp sắt bằng đường tiêm tĩnh mạch. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần đến truyền máu. Nếu chảy máu trong là nguyên nhân của sự thiếu hụt, cần phải phẫu thuật cầm máu.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường các thực phẩm giàu chất sắt nhằm cải thiện tình trạng thiếu sắt.

 Khi nào đi khám bác sĩ?

Khi gặp các triệu chứng thiếu sắt nên cần đi khám bác sĩ. Nếu mức độ sắt bình thường thì có thể có các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng trên.

Phục hồi chỉ số sắt trong máu về mức bình thường có thể sẽ mất từ 1 đến 2 tháng điều trị. Bệnh nhân có thể cần bổ sung thuốc sắt bằng đường uống trong thời gian dài hơn để cơ thể có thể dự trữ đủ lượng sắt cần thiết. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể cần các phương pháp điều trị chuyên sâu hơn.

Tóm lược

Thiếu sắt có thể gây ra nhiều triệu chứng bao gồm chóng mặt, mệt mỏi và tay chân lạnh. Có thể chẩn đoán thiếu sắt bằng cách sử dụng xét nghiệm máu đơn giản. Việc điều trị có thể cần thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung sắt theo toa trong vài tháng. Trong trường hợp có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây ra sự thiếu hụt sắt, bệnh nhân cần được điều trị chuyên sâu và triệt để hơn.

Xem thêm: Ăn gì khi bị thiếu máu do thiếu sắt

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top