✴️ Bệnh sa trực tràng và những điều cần biết

Sa trực tràng là bệnh gì?

Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn) bị mất gắn kết bình thường nên chui qua lỗ hậu môn ra bên ngoài.

Sa trực tràng là một bệnh lành tính, không quá nguy hại đối với sức khỏe nhưng lại gay bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Khối bị sa có thể mắc kẹt bên ngoài gây nghẹt hậu môn và có nguy cơ hoại tử.

Bệnh sa trực tràng do nhiều nguyên nhân gây nên và có nhiều mức độ tiến triển khác nhau nên cũng yêu cầu các biện pháp điều trị khác nhau để phù hợp với từng đối tượng. Sa trực tràng gồm 2 loại chính là sa niêm mạc và sa toàn bộ.

Sa niêm mạc

Bình thường, lớp niêm mạc của hậu môn sẽ lộn ngược lại để giúp phân ra ngoài dễ hơn ở mỗi lần đi đại tiện. Sau đó, chúng lại co lại hoàn toàn nhờ tính đàn hồi. Với người bị sa niêm mạc trực tràng, các mô của trực tràng bị căng dãn và kéo dài thường xuyên, chúng không chỉ lộn quá mức mà còn không thể đàn hồi quay ngược lại như bình thường.

Sa trực tràng là bệnh lý thường gặp và dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ

Ban đầu, chỉ phần niêm mạc ống hậu môn bị sa. Dần dần sẽ lan rộng và sa toàn bộ niêm mạc của trực tràng. Mức độ sa niêm mạc chia làm 4 loại:

  • Sa niêm mạc khi rặn rồi lại tự co lên sau khi đi đại tiện

  • Sa khi rặn và không tự co lên được, phải đẩy lên mới về trạng thái bình thường

  • Sa khi đại tiện và sa cả khi hoạt động như đi bộ, ho, hắt hơi, ngồi xổm

  • Sa thường xuyên không cần phải hoạt động

Sa toàn bộ

Đây là tình trạng nặng của sa trực tràng. Với sa trực tràng bình thường thì chỉ có bóng trực tràng bị sa còn ống hậu môn vẫn giữ nguyên nhưng sa toàn bộ là khi cả bóng trực tràng và ống hậu môn đều bị lộn ra phía ngoài hậu môn.

Sa trực tràng toàn bộ gồm 4 cấp độ:

  • Độ 1: Trực tràng chỉ bị sa khi rặn đại tiện hay khi gắng sức mạnh rồi lại tự co lên. Lúc này bệnh chưa gây ảnh hưởng lớn đến người bệnh.

  • Độ 2: Trực tràng bị sa khi rặn đại tiện và co lại rất chậm sau đó nên phải lấy tay đẩy vào. Đồng thời, lúc này niêm mạc có triệu chứng phù nề, hậu môn bị lõm vào.

  • Độ 3: Trực tràng bị sa cả khi chỉ gắng sức nhẹ như ho, đi bộ và không thể tự co lại được. Lúc này niêm mạc tuyến của trực tràng đã bị hoại tử từng đám nhỏ, hậu môn mất trương lực cơ thắt nhão, niêm mạc chảy máu và trung đại tiện mất tự chủ.

  • Độ 4: Trực tràng sa thường xuyên kể cả khi người bệnh không vận động. Niêm mạc bị loét hoại tử, cơ thắt mất trương lực, không giữ được nước tiểu, tung đại tiện không tự chủ… Lúc này bệnh nhân bị rối loạn cảm giác hậu môn, tinh thần căng thẳng, có thể nổi mụn mủ ở đáy hậu môn gây đau rát rất khó chịu.

Nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng và để phát hiện được nguyên nhân chính gây bệnh là rất khó. Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân phổ biển, gồm:

Tiêu chảy thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ bị sa trực tràng

Nguyên nhân giải phẫu

  • Đáy chậu khiếm khuyết: Hoành đáy chậu rộng, cân đáy chậu phát triển không tốt, cơ nâng hậu môn và cơ thắt hậu môn bị nhão khiến cho thành trước của trực tràng dễ bị sa ra ngoài.

  • Trực tràng không dính chắc vào thành bụng nên dễ di động, trượt xuống dưới rồi sa ra ngoài.

  • Thiếu độ cong của xương cùng: Ở người bình thường, xương cùng có độ cong và trực tràng nằm bám vào độ cong này. Nếu xương cùng không có độ cong, trực tràng mất điểm tựa và dễ bị sa.

  • Van trực tràng kém phát triển sẽ làm giảm độ cản và khiến cho trực tràng dễ bị sa xuống.

  • Túi cùng Douglas thấp là nguyên nhân gây nên tình trạng sa trực tràng phía trước.

  • Độ gấp góc của bóng trực tràng với ống hậu môn không đủ.

Nguyên nhân sinh hoạt

  • Trẻ em bị suy dinh dưỡng và thiếu vitamin B là đối tượng dễ bị sa trực tràng . Tuy nhiên nếu được nuôi dưỡng tốt ở giai đoạn sau thì bệnh có thể tự khỏi.

  • Ngồi bô đối với trẻ em khiến các bé đi đại tiện cả khi không có nhu cầu, phải rặn nhiều là nguyên nhân gây sa trực tràng

  • Người thường xuyên bị táo bón khiến cho mỗi lần đi đại tiện phải rặn nhiều hơn tạo nên áp lực ổ bụng và gây nên bệnh sa trực tràng.

  • Người bị tiêu chảy mỗi ngày đi đại tiện rất nhiều lần và mỗi lần đều phải rặn cũng khiến cho trực tràng bị sa.

  • Người làm nghề khuân vác nặng

Nguyên nhân chấn thương

Theo thống kê, 25% số bệnh nhân bị sa trực tràng có tiền sử mổ các bệnh về sản phụ khoa nên đây cũng được cho là nguyên nhân phổ biến gây bệnh.

Những người có tiền sử chấn thương khu vực đáy chậu cũng dễ bị sa trực tràng hơn người bình thường.

Dấu hiệu bệnh sa trực tràng

Khi bị sa trực tràng, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng sau:

  • Đi đại tiện khó kiểm soát ở nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh, phân có thể có dịch nhầy

  • Cảm giác hậu môn bì sà xuống rất khó chịu

  • Tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy xuất hiện thường xuyên hơn, thói quen đi tiêu cũng bị bất thường

  • Chảy máu trực tràng, đặc biệt là sau khi đi đại tiện

  • Phía ngoài hậu môn lòi ra một cục thịt, đau rát khi đại tiện

  • Cơ thể mệt mỏi, cảm giác ngứa rát vùng hậu môn

Những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của một bệnh lý đường tiêu hóa khác. Vì vậy, nếu thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán bệnh chính xác và đưa ra biện pháp chữa trị kịp thời.

Sa trực tràng có nguy hiểm không?

Bệnh sa trực tràng tuy không quá nguy hiểm nhưng người bệnh cũng không được chủ quan vì nếu để lâu, bệnh có thể gây nhiều biến chứng gây hại đối với người bệnh.

Bệnh sa trực tràng có thể dẫn đến đi ngoài ra máu rất khó kiểm soát

Bệnh sa trực tràng có thể dẫn đến đi ngoài ra máu rất khó kiểm soát

  • Chảy máu hậu môn: Đây là biến chứng rất thường gặp khi bệnh nhân đi đại tiện. Cơ thể sẽ bị mất máu nghiêm trọng gây thiếu máu nếu không được chữa trị sớm.

  • Thắt nghẹt: Trực tràng bị sa xuống có thể gây tắc nghẽn ống hậu môn, khiến cho việc đi đại tiện bị cản trở.

  • Viêm loét trực tràng: Khối trực tràng sa ra ngoài dễ bị vi khuẩn tấn công gây viêm loét.

  • Vỡ trực tràng: Trực tràng bị sa xuống rất dễ bị tổn thương khi có tác động mạnh, thậm chí bị vỡ.

  • Tắc ruột: Nếu ruột non cũng bị sa xuống cùng với trực tràng thì sẽ gây nên tình trạng tắc ruột rất nguy hiểm.

  • Sa tử cung: Phụ nữ bị sa trực tràng lâu ngày dễ kéo theo sa tử cung, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh nở của họ.

Những biến chứng trên đây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh nên cần phải chữa trị ngay khi có các biểu hiện của bệnh sa trực tràng, đừng chủ quan xem nhẹ vì sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Phương pháp điều trị bệnh sa trực tràng

Ngay sau khi phát hiện bị bệnh sa trực tràng, người bệnh cần đi khám ngay để được chữa trị kịp thời. Việc chữa trị sớm không chỉ giúp chấm dứt được bệnh mà còn giúp tiết kiệm cho người bệnh vì càng để lâu, bệnh càng khó chữa và tốn kém hơn rất nhiều.

Hiện nay, bệnh sa trực tràng được điều trị bằng 2 biện pháp chính là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

Điều trị nội khoa

Phương pháp này chủ yếu áp dụng cho những trường hợp bệnh nhẹ. Bác sĩ sẽ xem xét tình hình bệnh rồi kê thuốc cho bệnh nhân. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định kết hợp cả thuốc uống với thuốc bôi để tăng hiệu quả điều trị.

Trong quá trình điều trị nội khoa, bệnh nhân nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống khoa học và nghỉ ngơi hợp lý để bệnh nhanh chóng thuyên giảm.

Phương pháp điều trị nội khoa tuy rất tiện lợi nhưng nó có một nhược điểm là không chữa trị được dứt điểm và bệnh dễ tái phát sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Tùy vào tình trạng bệnh bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân

Điều trị ngoại khoa

Với những trường hợp bệnh nặng, dùng thuốc không đem lại hiệu quả thì phương pháp điều trị nội khoa là phù hợp và có tác dụng hơn cả.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào mức độ bệnh của từng bệnh nhân. Trong đó, có một vài phẫu thuật phổ biến như:

  • Cắt bỏ phần hậu môn đáy chậu: Phẫu thuật này giúp cắt bỏ phần trực tràng bị sa ra ngoài. Có hai phẫu thuật được lựa chọn gồm Altemeier và Delorme. Khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân thường được kèm theo thủ thuật gây mê tủy sống nhằm giúp làm giảm nguy cơ biến chứng, đồng thời giúp hồi phục bệnh nhanh hơn.

  • Cắt đại tràng xích ma và cố định trực tràng: Khi tiến hành phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần đại tràng xích ma (đoạn gần trực tràng và hậu môn nhất). Sau đó, bác sĩ tiền hành cố định trực tràng vào cấu trúc xương để không cho nó sa xuống nữa.

  • Cố định trực tràng: Ở trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ cố định trực tràng mà không cần cắt đi phần đại tràng xích ma.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng không chỉ khiến bệnh nhân khó chịu, gây phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà nó còn có thể gây những biến chứng nguy hiểm nếu bệnh tiến triển nặng. Chính vì thế, áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh chính là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn, ngăn ngừa bệnh tật tấn công.

Hãy áp dụng ngay các biện pháp dưới đây để phòng ngừa bệnh sa trực tràng:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, bổ sung rau xanh, trái cây tươi vào thực đơn hằng ngày

  • Hạn chế tối đa tình trạng táo bón hay tiêu chảy dài ngày vì chúng có nguy cơ gây bệnh rất cao

  • Tránh xa đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, đồ cay nóng và thay thế bằng những món luộc thanh đạm

  • Uống 2 – 3 lít nước mỗi ngày, đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn

  • Khi đi vệ sịnh cần ngồi đúng tư thế, hạn chế rặn quá lâu

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top