✴️ Tắc ruột non được phát hiện và điều trị như thế nào?

Nội dung

1. Nguyên nhân gây tắc ruột non

Liệt ruột vô động lực chính là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tắc ruột. Tuy nhiên tình trạng này thường tự giới hạn và không cần thực hiện phẫu thuật điều trị. Một “thủ phạm” chính khác gây tắc ruột là do nguyên nhân cơ học, bắt nguồn từ tác động bên trong hoặc bên ngoài.

Như vậy, bệnh lý tắc ruột xuất phát từ các nguyên nhân như sau:

– Nguyên nhân ngoài thành ruột non: Thoát vị thành bụng, áp-xe khoang bụng, xoắn ruột, có khối máu tụ trong khoang bụng,…

– Nguyên nhân tại thành ruột non: U bước, tụ máu, hẹp thành ruột; dính ruột, lồng ruột; viêm ruột;…

– Nguyên nhân nằm trong lòng ruột non: Sỏi mật, sỏi phân, viêm túi thừa, bệnh u bướu, có dị vật ở trong lòng ruột (như bã thức ăn, giun),…

Tắc ruột non xảy ra do liệt ruột vô động lực hoặc nguyên nhân cơ học

Tắc ruột xảy ra do liệt ruột vô động lực hoặc nguyên nhân cơ học

 

2. Triệu chứng điển hình của bệnh

Ruột non bị bít tắc thường gây cảm giác đau và chướng vùng bụng. Các cơn đau xuất hiện ở thượng vị hoặc vùng quanh rốn, quặn lên liên tục, đôi khi gây co thắt, nhiều trường hợp ngất xỉu. Phản xạ tại ruột non lúc này có thể khiến bụng bị trướng lên.

Các triệu chứng nôn, bí trung tiện, bí đại tiện cũng thường xuất hiện khi bị tắc ruột. Trong đó, nôn thường xảy ra muộn. Tình trạng nghẽn nếu nằm ở đoạn cuối của ruột non, người bệnh có thể nôn ra chất phân. Người bệnh bí trung, đại tiện đặc biệt khi thụt tháo sạch tất cả phân ở đoạn ruột dưới chỗ tắc.

Ở giai đoạn sớm, tắc ruột hoàn toàn có thể gặp khó khăn trong chẩn đoán. Người bệnh tắc ruột bán phần thường có thể trung tiện và đại tiện ra ít phân. Tuy nhiên tắc ruột bán phần hay hoàn toàn đều có triệu chứng gần giống nhau ở giai đoạn đầu, cần chú ý phân biệt rõ hơn.

Tình trạng kém hấp thu sẽ tạo ra các dịch ứ đầy lòng ruột non và tăng tiết dịch. Trong lòng ruột dần tích tụ các dịch tiết của dạ dày, dịch mật, tụy. Các dịch này có thể thấm qua thành ruột, khiến thành ruột bị phù, thậm chí có thể rỉ vào trong phúc mạc.

Người bệnh bị ứ dịch tại ruột, nôn nhiều dễ dẫn đến mất nước và chất điện giải nghiêm trọng, gây choáng. Một số triệu chứng khác có thể bắt gặp là: sốt, nhịp tim nhanh, tiếng động ruột giảm, nhạy cảm đau rõ rệt ở bụng,…

 

3. Tắc ruột non có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của tắc ruột chỉ đứng sau viêm ruột thừa cấp. Tình trạng thắt nghẹt kéo dài tại ruột non có thể khiến ruột giãn ra, mạch máu bị tổn thương. Biến chứng hoại tử và thủng ruột có khả năng xảy ra do áp lực trong lòng ruột tăng hoặc do sự bít tắc.

Vi khuẩn từ ruột sẽ xâm nhập và thành ruột bị tổn thương, tăng sinh và gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến sốc nặng. Biến chứng viêm phúc mạc có tỷ lệ tử vong rất cao.

Tắc ruột non vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh

Tắc ruột tuy không phổ biến nhưng vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh

 

4. Chẩn đoán và điều trị tắc ruột

4.1. Chẩn đoán bệnh tắc ruột non

Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và các xét nghiệm như sau:

– Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa sẽ kiểm tra tình trạng sơ bộ sức khỏe của người bệnh qua quan sát, nghe, sờ,… Căn cứ vào kết quả thăm khám và các triệu chứng người bệnh gặp phải, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phù hợp.

– Chụp X quang bụng: Hình ảnh X quang cho thấy dấu hiệu và vị trí của sự ứ đọng tại ruột non. Ruột tắc càng thấp, thăm khám càng trễ thì mực nước hơi quan sát được trên X quang càng nhiều. Trên thực tế, chụp X quang không phải luôn là phương pháp khả thi nhất để phát hiện tắc ruột.

– Chụp cắt lớp vi tính – CT scan: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về đoạn ruột bị tắc. Kỹ thuật này có độ nhạy cảm 100% và tính đặc hiệu trên 80% nên CT scan rất có giá trị chẩn đoán.

– Siêu âm ổ bụng cũng là phương pháp chẩn đoán tắc ruột phổ biến, đặc biệt đối với trẻ em.

– Nội soi tiêu hóa: Một ống nội soi có camera và đèn sẽ được đưa qua trực tràng vào đường ruột để kiểm tra.

Chụp CT chẩn đoán tắc ruột non

Chụp cắt lớp vi tính được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán tắc ruột

 

4.2. Điều trị bệnh tắc ruột non

Đây là bệnh lý tiêu hóa cần được cấp cứu khẩn trương nhằm giảm thiểu rủi ro cho người bệnh. Các trường hợp được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ có tiên lượng tốt. Ngược lại, xử lý càng chậm trễ sẽ khiến khả năng phục hồi của ruột non sau điều trị càng thấp.

Tắc ruột được tiến hành điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa, cụ thể như sau:

– Điều trị nội khoa (với trường hợp dính hoặc viêm ruột non): Người bệnh được hồi sức tích cực nếu có sốc, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch (hạn chế ăn uống qua đường miệng), sonde dạ dày, sử dụng kháng sinh, giảm đau,…

– Điều trị ngoại khoa (với trường hợp tắc ruột hoàn toàn hoặc điều trị nội khoa không thành công): Bác sĩ phẫu thuật can thiệp ổ bụng để xử lý vị trí tắc nghẽn.

Tắc ruột non là bệnh tiêu hóa đặc biệt nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời. Do đó, khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top