Bệnh trĩ là bệnh lý lành tính rất phổ biến tại đường tiêu hóa, gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Tâm lý e ngại khi đến các cơ sở y tế khiến phần lớn trường hợp đều chịu đựng một thời gian dài trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả bệnh trĩ, đồng thời có các phương pháp hiện đại, ít đau, mau lành.
Trĩ là những đám rối tĩnh mạch bị giãn ra tại hậu môn – trực tràng. Do máu tĩnh mạch bị ứ đọng, những búi trĩ này sẽ to dần lên. Bệnh trĩ được chia làm 2 loại dựa vào vị trí của búi trĩ, gồm: trĩ ngoại và trĩ nội.
Trĩ ngoại nằm phía dưới đường lược, phát triển gần rìa hậu môn và được phủ bởi lớp da rất nhạy cảm tại đây. Nếu hình thành cục máu đông (trĩ tắc mạch), trĩ ngoại gây cảm giác đau và tại thành khối cứng chắc. Trường hợp bị vỡ ra trĩ ngoại có thể gây chảy máu.
Trĩ nội nằm phía trên đường lược, thường không đau nhưng gây chảy máu và búi trĩ lộ ra ngoài khi đại tiện. Nếu búi trĩ nội bị sa hoàn toàn ra ngoài hậu môn (búi trĩ nghẹt), người bệnh sẽ bị đau nhiều và khó chịu.
Trước khi tìm hiểu bệnh trĩ và cách điều trị, hãy điểm qua các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Bệnh trĩ thường phát triển khi có yếu tố nguy cơ làm tăng áp lực trong trực tràng, chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch hậu môn, cản trở máu tĩnh mạch trở về. Từ đó máu tĩnh mạch đọng lại khiến tĩnh mạch giãn ra và hình thành búi trĩ. Nếu những yếu tố này tiếp diễn, búi trĩ sẽ to dần lên và thò ra ngoài.
Dưới đây là ác yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ thường gặp:
– Người bị tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính.
– Đại tiện khó khăn khiến người bệnh phải rặn nhiều.
– Thói quen ngồi đại tiện quá lâu, có thể do vừa đại tiện vừa dùng điện thoại, đọc sách báo,…
– Tuổi cao.
– Yếu tố di truyền.
– Suy giảm chức năng đường ruột, thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo hậu môn.
Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của bệnh trĩ, người bệnh cần thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác:
– Chảy máu khi đi đại tiện hoặc thấy máu trên giấy vệ sinh.
– Khi đại tiện thấy các khối lộ ra ngoài qua hậu môn.
– Vùng hậu môn có cảm giác ngứa hoặc đau, xuất hiện những khối cứng nhỏ ở rìa hậu môn.
Bệnh trĩ giai đoạn nhẹ có thể khỏi bằng cách thực hiện các biện pháp như sau:
– Chế độ ăn nhiều chất xơ, nguồn chất xơ đa dạng từ rau, củ, quả, ngũ cốc,…
– Uống nhiều nước, trung bình khoảng 2 – 3 lít nước/ngày.
– Loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực tại trực tràng bằng cách: không rặn mạnh khi đại tiện, không ngồi toilet quá lâu,…
– Ngâm hậu môn trong nước ấm khoảng 10 phút giúp giảm đau và sưng nề, hạn chế tình trạng búi trĩ sa ra ngoài.
Khi thực hiện các biện pháp trên, hầu hết triệu chứng của bệnh trĩ (như đau, phù nề) có thể giảm đi trong vòng 2 ngày – 1 tuần. Đồng thời các khối trĩ ngoại tắc mạch có thể khỏi trong vòng 4 – 6 tuần. Tuy nhiên nếu khối trĩ tắc mạch đau nhiều và liên tục, bác sĩ sẽ phải trích rạch loại bỏ khối máu cục trong búi trĩ. Thủ thuật này cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Người bệnh được gây tê tại chỗ nên sẽ cảm thấy dễ chịu và ít đau.
Trường hợp bệnh trĩ giai đoạn nặng thường cần can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật để điều trị. Dưới đây là các phương pháp điều trị đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay.
Biện pháp này có hiệu quả đối với trĩ nội độ I và II, búi trĩ nhỏ và sa ra ngoài khi đại tiện. Bác sĩ sẽ đặt một vòng cao su ở gốc búi trĩ, ngăn cản máu đến búi trĩ này. Búi trĩ và vòng cao su sẽ rụng trong khoảng vài ngày và bị đào thải ra ngoài.
Vết thương sẽ liền lại khoảng 1 – 2 tuần sau đó. Người bệnh có thể chảy ít máu hoặc có thể cảm thấy khó chịu vùng hậu môn – trực tràng. Phương pháp thắt vòng cao su cần thực hiện nhiều lần để đạt kết quả điều trị tốt.
Đây là phương pháp khiến búi trĩ xơ cứng lại, thường không đau khi thực hiện. Bác sĩ có thể chỉ định tiêm xơ với trường hợp búi trĩ chảy máu và thường không sa ra ngoài khi đại tiện (như trĩ nội độ I).
Phương pháp phẫu thuật có thể cắt bỏ triệt để các búi trĩ nội cũng như trĩ ngoại. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt trĩ trong trường hợp:
– Có các cục máu đông hình thành liên tục trong búi trĩ ngoại gây tắc mạch.
– Điều trị bằng phương pháp thắt vòng cao su không đạt hiệu quả.
– Trĩ sa ra ngoài nhiều, không có khả năng tự co lên, gây cản trở sinh hoạt (trĩ độ III, IV).
– Trĩ chảy máu nhiều, thất bại khi điều trị nội khoa và thủ thuật.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ những phần mô, búi trĩ gây chảy máu và sa ra ngoài. Các cơ sở y tế sẽ ứng dụng những loại dụng cụ khác nhau để thực hiện phẫu thuật cắt trĩ. Người bệnh có thể được gây mê hoặc gây tê (gây tê tại chỗ, gây tê tủy sống) trước khi thực hiện.
Kỹ thuật mổ hiện đại này ứng dụng súng tự động để cắt cắt và nối niêm mạc vùng hậu môn – trực tràng. Búi trĩ sẽ teo dần đi do không còn nguồn cung cấp máu. Lớp niêm mạc sa xuống sẽ đồng thời được khấu treo lên. Mổ trĩ Longo ít đau hơn nhiều so với cắt trĩ cổ điển. Người bệnh cũng nhanh lành hơn và hạn chế các biến chứng sau mổ.
Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh trĩ và cách điều trị được ứng dụng phổ biến hiện nay. Khi phát hiện dấu hiệu của bệnh, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa hậu môn – trực tràng và thực hiện điều trị tại cơ sở y tế uy tín, đảm bảo quá trình điều trị đạt kết quả cao nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh