ĐẠI CƯƠNG
Áp-xe tồn dư sau mổ gan là những ổ mủ có vỏ sau phẫu thuật cắt gan.
Áp-xe tồn dư có thể là máu tụ, ổ dịch nhiễm trùng hoặc các ổ dịch mật.
CHỈ ĐỊNH
Các ổ áp xe gan lớn >5cm.
Áp xe gan có triệu chứng: đau, sốt, không đáp ứng với điều trị nội khoa.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh có rối loạn đông máu, nhiễm trùng toàn thân nặng.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện:
Phẫu thuật viên chuyên khoa ngoại chung, tiêu hoá hoặc gan mật hoặc bác sĩ điện quang can thiệp
Người bệnh:
Nhịn ăn 6 giờ trước mổ.
Được giải thích về quy trình, nguy cơ tai biến của thủ thuật.
Phương tiện:
Máy siêu âm với đầu dò 2-5Mhz.
Kim chọc, sonde dẫn lưu. - Chỉ khâu cố định sonde.
Dự kiến thời gian phẫu thuật: 30 – 60 phút.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Tư thế:
Người bệnh nằm ngửa hoặc nghiêng phải, tuỳ theo vị trí ổ áp-xe.
Vô cảm: Tê tại chỗ.
Kỹ thuật:
Bước 1: Đặt đầu dò siêu âm, xác định vị trí ổ áp-xe. Xác định vị trí tiếp cận ổ ápxe thuận lợi nhất, tránh các mạch máu lớn.
Bước 2: Gây tê tại chỗ dự kiến chọc.
Bước 3: Rạch da 0,5cm, chọc kim dẫn đường qua da dưới hướng dẫn siêu âm, hút mủ gửi vi sinh.
Bước 4: Sau khi xác định chính xác kim đã ở trong ổ áp-xe, luồn ống dẫn lưu theo.
Bước 5: Cố định dẫn lưu.
THEO DÕI VÀ NGUYÊN TẮC XỬ TRÍ TAI BIẾN – BIẾN CHỨNG
Theo dõi
Trong 24h đầu: Theo dõi sát mạch, huyết áp, nhiệt độ, nước tiểu, dẫn lưu.
Làm xét nghiệm công thức máu, đông máu cơ bản, sinh hoá: chức năng gan thận, điện giải ngày thứ 1 sau mổ.
Xử trí biến chứng:
Chảy máu:
Truyền máu, hồi sức tích cực.
. Can thiệp nút mạch dưới điện quang hoặc mổ lại cầm máu.
Viêm phúc mạc:
Điều trị kháng sinh liều cao.
Phẫu thuật mở bụng rộng rãi, lau rửa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh