✴️ Tràn dịch màng phổi

Nội dung

Tràn dịch màng phổi là tình trạng có sự tích tụ dịch trong khoảng giữa phổi và khoang ngực. Nó có thể là hậu quả của viêm phổi hoặc các tình trạng sức khoẻ khác, có thể đe doạ tính mạng người bệnh.

Tràn dịch màng phổi hay còn gọi là “Phổi có nước” có thể được xem là nhiễm trùng đường hô hấp. Nó thường là bệnh của đường hô hấp, tuy nhiên vẫn có nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn tới tràn dịch màng phổi. Việc chẩn đoán được nguyên nhân gây tràn dịch sẽ giúp bác sĩ đưa ra được phương pháp điều trị thích hợp.

Triệu chứng có thể bao gồm: ho, đau ngực, khó thở.

1. Định nghĩa:

Tràn dịch màng phổi là khi có tình trạng ứ dịch tại khoảng không gian giữa phổi và khoang ngực hoặc khoang màng phổi. Phổi và khoang ngực đều có một lớp màng bao gồm màng phổi, nó là một lớp màng mỏng.

Với phổi khoẻ mạnh, những lớp màng này giúp đảm bảo rằng có một lượng dịch nhỏ ở giữa phổi và ngực. Điều này giúp ngăn ngừa ma sát khi phổi nở ra và co lại trong quá trình hô hấp. Tuy nhiên, đối với những người bị tràn dịch màng phổi thì lượng dịch trong khoang màng phổi lại có quá nhiều.

Bất kỳ ai cũng có thể bị tràn dịch màng phổi và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì nó có thể đe doạ tính mạng nếu không được điều trị.

2. Nguyên nhân:

Tràn dịch màng phổi luôn là hậu quả của những tình trạng sức khoẻ khác. Có nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân phổ biến nhất như:

  • Bệnh gan hoặc thận, ví dụ: xơ gan;
  • Suy tim sung huyết;
  • Viêm tụy;
  • Bệnh tự miễn: lupus hoặc viêm khớp dạng thấp;
  • Nhiễm trùng: bệnh lao hoặc viêm phổi;
  • Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch phổi;
  • Bất kỳ bệnh ung thư nào ảnh hưởng hoặc di căn đến phổi hoặc màng phổi;
  • Tiếp xúc với amiăng, ung thư trung biểu mô;
  • Vỡ thực quản.

Một số phương pháp điều trị cũng có thể gây ra tràn dịch màng phổi như:

  • Phẫu thuật tim hở hoặc phẫu thuật khác liên quan đến ngực;
  • Thuốc: methotrexate, amiodarone và phenytoin;
  • Xạ trị;
  • Quá kích buồng trứng.

3. Triệu chứng:

Một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng. Nếu triệu chứng xuất hiện là khi dịch đã chứa đầy trong khoang ngực.

Một số triệu chứng có thể xuất hiện như:

  • Ho khan;
  • Khó thở, đặc biệt là khi nằm;
  • Sốt và các triệu chứng giống như cúm;
  • Tức ngực;
  • Đau buốt, dữ dội khi hít thở sâu.

Nấc kéo dài cũng có thể là triệu chứng của bệnh tràn dịch màng phổi.

Một số trường hợp chỉ được phát hiện tràn dịch màng phổi khi làm xét nghiệm kiểm tra một bệnh lý khác.

Ngoài ra, điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng của tràn dịch màng phổi có thể giống các triệu chứng của các bệnh phổi khác. Một người cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức nếu họ gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên.

triệu chứng

4. Chẩn đoán:

Có thể gặp khó khăn trong chẩn đoán tràn dịch màng phổi vì các triệu chứng có thể trùng lắp với những bệnh lý khác. Do đó, để chẩn đoán, bác sĩ sẽ:

  • Hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân;
  • Hỏi về tình trạng sức khoẻ chung và tiền sử bệnh lý;
  • Tiến hành kiểm tra sức khoẻ của bệnh nhân;
  • Đề xuất các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Xquang, siêu âm, chụp CT.

Bác sĩ cũng cần xác định đây là tràn dịch màng phổi dịch thấm hay dịch tiết.

Tràn dịch màng phổi do dịch thấm: thường xảy ra khi có tình trạng gây ra sự mất cân bằng áp lực trong mạch máu, gây ra sự thẩm thấu dịch vào trong ngực. Dịch trong trường hợp này có thể bao gồm các thành phần từ huyết tương.

Tràn dịch màng phổi do dịch tiết thường do:

  • Tình trạng viêm nhiễm;
  • Nhiễm trùng;
  • Ung thư;
  • Chấn thương ;
  • Tắc nghẽn mạch máu hay mạch bạch huyết.

Bác sĩ có thể xét nghiệm dịch trong khoang màng phồi bằng cách dùng kim đâm vào giữa các xương sườn. Mẫu dịch có thể giúp xác định những dấu hiệu của nhiễm trùng, hàm lượng Protein, tế bào ung thư. Ngoài ra, nó cũng giúp nhận biết được bệnh nhân đã có biến chứng hay chưa.

Đối với tràn dịch màng phổi có biến chứng: dịch màng phổi sẽ có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng. Những bệnh nhân này cần điều trị ngay lập tức để ngăn cho những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Đối với tràn dịch màng phổi chưa biến chứng: dịch không có dấu hiệu viêm hay nhiễm trùng. Bệnh cảnh có thể nhẹ hơn và thường ít gây tổn thương vĩnh viễn cho người bệnh.

Một vài xét nghiệm có thể giúp nhận diện được nguyên nhân gây tràn dịch như: các xét nghiệm chứng năng thận, chức năng gan, sinh thiết phổi, nội soi phế quản, siêu âm tim để đánh giá tình trạng suy tim. Những xét nghiệm này giúp cho các bác sĩ khoanh vùng được những nguyên nhân của tràn dịch màng phổi để áp dụng phương pháp điều trị thích hợp.

5. Điều trị:

Việc điều trị sẽ tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, ngoài ra việc hút dịch có thể được áp dụng.

Dẫn lưu lồng ngực: Bác sĩ sẽ đưa một ống dẫn vào khoang màng phổi nhằm đưa dịch ra khỏi cơ thể. Bác sĩ sẽ gây tê cục bộ khu vực đâm kim và có thể sẽ đau khi thuốc tê hết hiệu lực. Nếu như dịch màng phổi vẫn tiếp tục tái phát thì việc chọc tháo sẽ phải lặp lại. Phương pháp này có thể dẫn tới nguy cơ biến chứng như: nhiễm trùng, chảy máu, xẹp phổi, dịch tràn vào phổi. Tuy nhiên, những biến chứng này hiếm gặp.

Các phương pháp khác: có thể cần thiết trong một số trường hợp. Ví dụ: trong chọc dò màng phổi, bác sĩ phẫu thuật sẽ làm thu hẹp khoảng cách giữa màng phổi của phổi và khoang ngực nhằm ngăn chặn lượng dịch tích tụ giữa chúng. Đối với những ca bệnh nặng, bác sĩ phẫu thuật có thể dẫn lưu dịch trực tiếp từ khoang ngực xuống ổ bụng. Trong một vài trường hợp, việc loại bỏ một phần màng phổi có thể được tiến hành.

6. Tiên lượng:

Tràn dịch màng phổi là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Cả bệnh lý nền và tràn dịch màng phổi đều có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Tiên lượng và thời gian để phục hồi sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây tràn dịch, tổng trạng của người bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Người bệnh có thể cần phải nhập viện để được kiểm tra và theo dõi. Việc điều trị thường có thể giải quyết được tình trạng tràn dịch, mặc dù không phải lúc nào cũng có thể chữa khỏi nguyên nhân nền tảng của nó.

Xem thêm: Viêm màng phổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top