Nguyên nhân đau thần kinh toạ
- Thoát vị đĩa đệm: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, khối lồi ra của đĩa đệm làm đè ép vào dây thần kinh toạ gây đau.
- Thoái hoá cột sống thắt lưng: Thoái hoá gây ra gai xương xâm lấn vào lỗ liên đốt cột sống, là nơi dây thần kinh toạ thoát ra khỏi cột sống, gai xương đủ lớn sẽ tác động tới dây thần kinh toạ mà gây đau. Đôi khi thoái hoá làm hẹp ống sống cũng là nguyên nhân gây đau.
- Trượt đốt sống: Khi trượt đốt sống sẽ làm hẹp lỗ liên đốt cột sống gây tác động vào thần kinh toạ gây đau.
- Các nguyên nhân khác như chấn thương, viêm… cũng có thể gây ra đau thần kinh toạ. Những nguyên nhân hiếm gặp khác là do mạch máu biến dạng, phình lên đè ép vào dây thần kinh toạ nơi nó đi qua gây đau.
Các nguy cơ gây đau thần kinh toạ:
- Lớn tuổi: Thoái hoá theo quy luật tích tuổi xảy ra, trong đó có thoái hoá đĩa đệm và thân đốt sống. Thoái hoá đĩa đệm sẽ làm cho vòng sợi của đĩa đệm giảm chất lượng, kém đàn hồi và tạo điều kiện cho đĩa đệm sẽ đẩy lệch sang một phía gây thoát vị đĩa đệm và gây tác động lên dây thần kinh toạ. Thoái hoá cột sống là nguy cơ gây gai xương và trượt đốt sống.
- Công việc nặng: Với người phải làm công việc nặng là nguy cơ để tăng áp lực lên cột sống, nếu tư thế làm việc không hợp lý sẽ dễ gây ra thoát vị đĩa đệm.
- Làm việc lâu một tư thế: Những người phải làm việc lâu trong một tư thế, ví dụ như ngồi lâu sẽ làm cho cột sống luôn giữ trong một tư thế dễ dẫn tới tình trạng giảm máu nuôi tới cột sống và cơ cạnh cột sống, áp lực liên tục về một phía đĩa đệm. Kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến nhanh thoái hoá cột sống và đĩa đệm, là nguyên nhân chính gây đau thần kinh toạ.
- Vi chấn thương: Người phải làm việc trong môi trường rung xóc liên tục như lái xe, sẽ liên tục tạo chấn thương nhỏ nhưng liên tục lên cột sống, đĩa đệm cũng sớm gây ra thoái hoá cột sống và đĩa đệm.
- Tư thế sinh hoạt không hợp lý với sinh lý cột sống: Ví dụ đi giày, guốc cao gót kéo dài, làm thay đổi tư thế sinh lý của cột sống, cột sống luôn ưỡn ra phía trước quá mức. Đây vừa là nguyên nhân gây ra đĩa đệm bị tăng áp lực về một phía, vừa làm cho dễ gây ra trượt đốt sống. Có lẽ vì đi guốc, giày cao gót mà tỷ lệ trượt đốt sống ở phụ nữ rất cao.
Điều trị bằng vật lý trị liệu
Điều trị vật lý trị liệu cũng tuân thủ nguyên tắc điều trị đau thần kinh toạ thông thường, bao gồm: Giảm đau, mềm cơ, điều trị nguyên nhân…
Điều trị giảm đau, mềm cơ: có thể áp dụng nhiều phương pháp của vật lý trị liệu:
- Siêu âm điều trị: Siêu âm đặc biệt có giá trị giảm đau và mềm cơ cạnh cột sống.
- Sóng ngắn: Đây là phương pháp giảm đau chống viêm rất tốt, áp dụng cho bệnh nhân đau nhiều và đau kiểu viêm.
- Điện xung: Với rất nhiều dòng giảm đau khác nhau, tuỳ trường hợp sẽ chọn dòng phù hợp để giảm đau cả vùng thắt lưng là đau dọc theo dây thần kinh toạ. Các khuyến cáo, nên điều trị bằng điện xung thời gian từ 20 đến 30 phút cho một lần điều trị có tác dụng giảm đau tốt nhất do tác động được vào cả 3 cơ chế giảm đau: tại chỗ, kiểm soát cổng và thần kinh trung ương. Ngoài ra, điện xung có tác dụng kích thích cơ, có tác dụng với trường hợp đau thần kinh toạ có teo cơ, yếu cơ chân.
- Điều trị bằng tay: Xoa bóp và vận động vừa có tác dụng giảm đau vừa có tác dụng mềm cơ. Xoa bóp và vận động đúng cách có thể giảm được đau ngay tức thì cho bệnh nhân đau thần kinh toạ, đặc biệt là đau vùng thắt lưng.
- Điều trị bằng châm cứu:Với các nghiên cứu phân tích gộp, bằng chứng mạnh về vai trò điều trị của châm cứu. Nên các khuyến cáo trên thế giới cũng khuyên nên điều trị bằng châm cứu kết hợp.
- Sử dụng đai cố định cột sống: Khi đang đau nhiều, sử dụng đai cột sống sẽ giúp giảm được đau. Ngoài ra, đai cột sống giúp giảm áp lực lên đĩa đệm bị thoát vị, giúp giảm nguy cơ bị thoát vị nặng thêm, đặc biệt là bệnh nhân phải di chuyển nhiều bằng xe, ngồi nhiều, đi lại nhiều…
Điều trị nguyên nhân:
Điều trị nguyên nhân thoát vị đĩa đệm:
Kéo giãn cột sống: Là phương pháp rất tốt trong điều trị thoát vị đĩa đệm.
Chỉ định điều trị khi khối thoát vị dưới 9mm và không có mảnh vỡ đĩa đệm, không có tổn thương khác trên vùng cột sống thắt lưng có chống chỉ định kéo giãn cột sống: Loãng xương nặng, lao xương, ung thư di căn tới xương, có các nẹp vít, đĩa đệm nhân tạo...ngoài ra một số bệnh nội khoa khác cũng có chống chỉ định kéo giãn.
Lợi ích của kéo giãn: Làm giảm áp lực trong khoang gian đốt sống, tạo điều kiện để khối thoát vị dịch chuyển về tư thế hình dạng ban đầu. Ngoài ra, kéo giãn đốt sống tạo áp lực âm trong khoang gian đốt sống làm cho tăng thẩm thấu, nuôi dưỡng lại cho đĩa đệm vì đĩa đệm chỉ được nuôi dưỡng bằng thẩm thấu. Một lợi ích khác của kéo giãn cột sống là làm thư giãn cơ, làm mềm cơ cạnh cột sống.
Điều trị bằng tay: Các động tác đẩy tách đốt sống kết hợp với làm mềm cơ cạnh sống và tập cột sống sẽ làm cho cơ cạnh sống không bị co kéo mất cân xứng, vị trí các đốt sống đều đặn tạo điều kiện cho đĩa đệm có cơ hội hồi phục. Điều trị bằng tay cho đau thần kinh toạ đôi khi được gọi bằng các tên khác như tác động cột sống, kích thích cột sống, di động cột sống…
Các phương pháp khác: Như siêu âm, sóng ngắn, điện xung, laser, từ trường, châm cứu… có tác động hỗ trợ điều trị nguyên nhân thoát vị đĩa đệm do làm mềm cơ cạnh sống, giúp cho cơ hết co cứng, cơ cân xứng 2 bên cột sống, giúp cho giảm áp lực lên đĩa đệm, tạo điều kiện cho phục hồi đĩa đệm.
Cơ cạnh sống cân bằng về lực và mềm dẻo, không bị co cứng là điều kiện quan trọng để giảm đau và phục hồi tình trạng thoát vị đĩa đệm. Trong một số trường hợp thoát vị đĩa đệm nhẹ, chỉ cần điều trị bằng các phương pháp giảm đau và mềm cơ cạnh sống, tình trạng thoát vị đĩa đệm sẽ hồi phục.
Trong các trường hợp các cơ cạnh sống không co cứng mà mềm nhẽo mà đau kéo dài, thì cần tập mạnh cơ cạnh sống.
Điều trị nguyên nhân trượt đốt sống:
- Kéo giãn cột sống: Chỉ định điều trị khi trượt đốt sống độ II trở xuống, không có gãy cung sau đốt sống, nên kéo liên tục và kéo với trọng lượng nhẹ.
- Các phương pháp vật lý trị liệu cũng áp dụng giống như thoát vị đĩa đệm.
Điều trị nguyên nhân thoái hoá cột sống thắt lưng:
- Kéo giãn cột sống: Được áp dụng khi đau và co cứng cơ nhiều, thoái hoá cột sống kết hợp với thoái hoá đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm.
Xem thêm: Viêm đa dây thần kinh hủy Myelin mạn tính (CIDP)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp