Hướng dẫn chăm sóc tâm lý cho trẻ bị động kinh

Nội dung

Động kinh đòi hỏi cần phải điều trị kiên trì và lâu dài theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và y tế.

Trẻ và gia đình có những vấn đề tâm lý cần lưu ý phát hiện và có những biện pháp khắc phục kịp thời nhằm nâng cao chất lượng sống cho trẻ.

1. Tâm lý của trẻ bị động kinh

1.1. Sau khi khởi phát động kinh

– Cảm xúc: một số trẻ có cảm giác sợ hãi, lo âu, xấu hổ, cảm giác có lỗi vì đã bị bệnh. Một số khác có thể hay cáu gắt dễ phản ứng lại hoặc trở nên gắn bó lệ thuộc. Đối với trẻ lớn có thể giấu bệnh với bạn bè và mọi người xung quanh.

– Do bị bệnh nên nhiều trẻ phải thay đổi nếp sống, thói quen, sở thích làm giảm đi những hoạt động trước kia. Do vậy trẻ có cảm giác mất đi sự tự do, cảm thấy gò bó hoặc chán nản.

1.2. Sau một thời gian bị động kinh

Những trẻ bị ĐK nặng, ĐK kháng trị thường có những biểu hiện thay đổi tâm lý như:

– Cảm xúc: nóng tính, khó kiềm chế, bướng, xung động, dao động thất thường.

– Tính cách: đòi hỏi, nhi hoá, phụ thuộc, không kiên trì, kém giao tiếp…

– Hành vi: nhiều trẻ tăng động, có một số lại trở nên uể oải chậm chạp.

– Trí tuệ: một số trẻ học kém, giảm trí nhớ, chậm phát triển trí tuệ.

– Vấn đề sức khoẻ: một số có thể có rối loạn thần kinh chức năng, rối loạn dạng cơ thể.

 

2. Tâm lý của gia đình có trẻ động kinh

2.1. Cách ứng xử với trẻ

–  Quá chiều, làm thay, cho ăn nhiều…

– Giảm học, giảm yêu cầu và hạn chế trẻ giao tiếp, không cho tham gia hoạt động xã hội.

– Một số cha mẹ thấy trẻ bướng bỉnh, hay đòi hỏi, học kém…lại đánh mắng trừng phạt trẻ nặng nề.

2.2. Những vấn đề tâm lý của gia đình

– Cảm xúc: lo âu, lo sợ, trầm cảm (buồn, mặc cảm, che giấu…)

– Rối loạn tâm thể: đau, mỏi, kém ngủ, ăn kém…

– Xáo trộn cuộc sống gia đình: thay đổi sinh hoạt, tài chính, mâu thuẫn trong gia đình, giảm các hoạt động các giải trí

– Cách ứng phó với bệnh khác nhau ở các gia đình:

+ Coi như thử thách và tìm cách thích nghi vượt qua

+ Coi bệnh là trừng phạt: mê tín, bi quan, bị động

+ Coi bệnh là tổn thương: lo lắng, bân tâm sức khỏe gây ảnh hưởng đến cách nuôi dạy con và cách sinh hoạt cả gia đình, lo lắng tương lai con

– Không tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ, không tuân trị, đi khám nhiều nơi, tìm nhiều cách điều trị khác.

– Với trẻ kháng thuốc, gia đình thường lâm vào tình trạng khủng hoảng kéo dài: mong thuốc mới, hy vọng sau đó lại thất vọng. Sợ thuốc có tác dụng phụ.

– Phản ứng của anh chị em trẻ bị động kinh: anh chị em của trẻ động kinh cũng có thể bị những rối loạn sau:

+ Than phiền cơ thể

+ Lo âu, sợ hãi

+ Cảm giác bị bỏ rơi hoặc ghen tỵ vì ít được quan tâm

 

3. Các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến tái phát cơn động kinh

Các nghiên cứu cho thấy: cơn động kinh không chỉ đơn thuần do  tại não mà còn do yếu tố bên ngoài hoặc trạng thái tâm lý.

– Loying (1993): 42% BN có cơn ĐK xảy ra khi sang chấn tâm lý, 27% – có lo lắng, 23% –  có phản ứng cảm xúc, 9% có cơn khi ra khỏi nhà.

– Mattson (1991): nguyên nhân tái phát ĐK 84% do quên thuốc, 58% có sang chấn tâm lý.

– Fenwich (1991): 50% BN bị nhiều cơn do có lo âu trầm cảm, 30% tăng cơn do xung động.

– Nhiều BN giảm cơn và giảm mức độ nặng khi nằm viện do cảm thấy an toàn và ít sang chấn tâm lý.

 

4. Một số nghiên cứu của khoa Tâm bệnh viện nhi:

4.1. Nghiên cứu về tính cách của trẻ động kinh: tiến hành 3/2010

Đối tượng nghiên cứu: 32 trẻ ĐK, trong đó nam 20, nữ 12. Những trẻ này bị ĐK cơn lớn, lứa tuổi là 4-17 tuổi. Thời gian điều trị từ 2 đến 8 năm.

– Điều trị ĐK 1 loại thuốc 68%, 2 loại 32%

– Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ tăng động 65,6%, giảm chú ý 62,5%, hay bướng và cáu 65,6%. Đánh, đập phá 28,1%. Thu mình 25%. Hay đòi hỏi 50%. Chậm khôn /học kém: 18,8%. Những trẻ có nhiều cơn ĐK có biểu hiện rối loạn hành vi và cảm xúc nhiều hơn.

– Gia đình giấu bệnh của con  34,4%. Bố mẹ quá chiều con 25%. Tự ngừng thuốc gây tái phát cơn 12%

– Trẻ đỡ nhiều cơn ĐK 43,8%. Đỡ ít 15,6%.  Hết cơn sau 2 năm 40,6%. 

4.2. Nghiên cứu tìm hiểu chất lượng sống của trẻ ĐK: tiến hành 7/2011

Đối tượng nghiên cứu  gồm 30 trẻ trên 6 tuổi bị ĐK cơn lớn được điều trị và theo dõi ngoại trú trên 2 năm.

– Trẻ cảm thấy người khỏe, thoải mái 72%; hay đau đầu đau bụng mệt mỏi 28%.

– Trẻ có tham gia việc nhà: 75%

– Trẻ có tham gia tích cực ở lớp: 27%

– Trẻ có tham gia thể thao: 12%

– Mong muốn của trẻ: được khỏe 94%, học giỏi 85%, gia đình hạnh phúc 69%.

 

5. Chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân động kinh:

– Tư vấn tâm lý nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện: hung tính, tăng động, học kém, lo lắng bất an, buồn chán, đau mỏi, ăn ngủ kém…

– Tạo nếp sống nề nếp, sinh hoạt điều độ.

– Tôn trọng, khuyến khích trẻ tự lập và tự tin.

– Khi trẻ có hành vi sai, gia đình cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, không đánh mắng, nên giải thích và hướng dẫn kiên trì.

– Liệu pháp hành vi nhận thức: động viên khen thưởng hành vi tốt, hướng dẫn trẻ kiểm soát cơn nóng giận: ngồi bình tĩnh, thở đều, đếm nhẩm…

– Cho trẻ tham gia vui chơi, sinh hoạt hoà nhập cộng đồng.

– Trẻ chậm trí tuệ nên học lớp đặc biệt, trẻ có khiếm khuyết chức năng cần tập luyện phục hồi chức năng.

– Cộng đồng và xã hội không thành kiến, nên tạo thuận lợi cho trẻ hoà nhập.

– Gia đình nên tham gia Câu lạc bộ để chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top