Những vấn đề về sức khỏe gây mất ngủ

Bạn đang gặp vấn đề về giấc ngủ? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ được bắt đầu từ một tình trạng bệnh nhất định nào đó.

Cả số lượng và chất lượng giấc ngủ của một người đều có thể liên quan tới một số vấn đề sức khỏe và bệnh tật. Vấn đề về giấc ngủ có thể là do các vấn đề về thể chất, cảm xúc và hormone – mọi thứ do hen suyễn, trầm cảm, mãn kinh. Dưới đây là những thủ phạm phổ biến nhất.

Trầm cảm

Những vấn đề về giấc ngủ và trầm cảm là những người bạn đồng hành với nhau. Một vài nghiên cứu cho thấy 90% những người mắc trầm cảm gặp rắc rối với giấc ngủ. Trong chứng trầm cảm ở giai đoạn sớm, mất ngủ thường là triệu chứng nổi bật nhất. Thức giấc quá sớm vào buổi sáng là một dấu hiệu của chứng trầm cảm nghiêm trọng.

Các vấn đề về giấc ngủ có liên quan đến trầm cảm khác bao gồm khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Lo lắng (lo lắng và lo lắng liên tục) cũng có thể khiến bạn thao thức vì không thể thư giãn. Các loại thuốc phù hợp có thể giúp giảm bớt tình trạng trầm cảm và lo lắng, cũng như các vấn đề về giấc ngủ.

 

Mãn kinh

Khi giai đoạn đầu thời kỳ mãn kinh của một người phụ nữ kết thúc, tình trạng mất ngủ sẽ bắt đầu diễn ra. Có khoảng 61% phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh gặp vấn đề về giấc ngủ. Một lí do có thể là: mức progesterone giảm xuống trong suốt thời kì mãn kinh. Progesteron là một hoocmon thúc đẩy giấc ngủ. Sự thay đổi mức estrogen trong suốt thời kì mãn kinh cũng có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ vì bốc hỏa và đổ mồ hôi.

 

Tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường thường không thể có một giấc ngủ ngon vì sự thay đổi đường huyết, đổ mồ hôi về đêm và đi tiểu đêm nhiều lần. Mất ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trong một nghiên cứu gần đây trên 1741 người trưởng thành, những người ngủ ít hơn 6 giờ sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người ngủ nhiều hơn 6 giờ.

 

Rối loạn cơ xương khớp

Cơn đau dữ dội của viêm khớp có thể làm bạn khó đi vào giấc ngủ. Hơn nữa, những bệnh nhân viêm khớp phải thay đổi tư thế suốt đêm thường bị mất ngủ. Dùng thuốc giảm đau trước khi đi ngủ sẽ giúp làm giảm các cơn đau viêm khớp và bạn sẽ dễ ngủ hơn. Chứng đau cơ xơ, một tình trạng đặc trưng bởi các cơn đau dây chằng và gân cơ, cũng liên quan tới rối loạn giấc ngủ, cũng như ảnh hưởng tới dáng vẻ ngày hôm sau của bạn.

 

Bệnh tim mạch

Hai bệnh tim mạch phổ biến, bệnh mạch vành và suy tim, có liên quan tới các vấn đề về giấc ngủ. Trong bệnh mạch vành, sự thay đổi nhịp sinh học có thể dẫn đến cơn đau ngực, tim loạn nhịp, hoặc thậm chí là một cơn đau tim trong khi ngủ. Suy tim khiến lượng máu tim bơm đến các cơ quan trong cơ thể không đủ. Và kết quả là máu tích tụ lại xung quanh phổi khi bạn nằm, khiến bạn thức dậy vào nửa đêm. Sử dụng gối để nâng cao phần trên cơ thể lên có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

 

Hen suyễn

Những người mắc hen suyễn thường bị rối loạn giấc ngủ do tình trạng khó thở, thở khò khè và ho gây nên. Các dấu hiệu của bệnh hen suyễn thường xấu đi vào ban đêm vì đêm là thời gian thay đổi chức năng co thắt đường thở, làm tăng nguy cơ của các cơn hen suyễn. Một vài loại thuốc dùng để điều trị hen suyễn cũng có thể gây mất ngủ và ngủ chập chờn.

 

Ợ nóng hay trào ngược dạ dày thực quản

Trong ợ nóng hay trào ngược dạ dày thực quản, dịch vị của dạ dày chảy ngược vào thực quản, gây cảm giác kich thích và đau rát. Điều đó có thể khiến bạn khó ngủ và mất ngủ. Khi nằm xuống sẽ làm tình trạng tệ hơn. Không ăn quá no hay uống cà phê, các thức uống chứa cồn vào buổi tối sẽ giúp bạn giảm bớt chứng ợ nóng và có một giấc ngủ ngon hơn.

 

Rối loạn ăn uống

Chán ăn làm gián đoạn giấc ngủ bình thường, có thể là do suy dinh dưỡng và chế độ giảm cân.Nghiên cứu chỉ ra rằng chứng biếng ăn sẽ khiến bạn ngủ mơ màng, ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn những người có cân nặng bình thường. Kết quả là bạn cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. Chứng ăn ói thường đặc trưng bởi việc ăn uống quá độ và nôn vào ban đêm, khiến bạn không thể ngủ ngon.

 

Các bệnh về thận

Bệnh về thận ngăn cản thận lọc các chất thải ra khỏi máu, có thể dẫn đến chứng mất ngủ hoặc hội chứng chân tay bồn chồn. Lọc máu hay thậm chí là cấy thận thường không giúp bạn có một giấc ngủ bình thường. Các nhà nghiên cứu cũng không biết chính xác tại sao.

 

Bệnh lý tuyến giáp

Bệnh cường giáp có thể gây đổ mồ hôi quá mức vào ban đêm. Trong khi đó bệnh thiểu năng tuyến giáp khiến bạn buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Cả hai tình trạng bệnh lí này đều có thể được chẩn đoán với một xét nghiệm máu đơn giản và điều trị bằng thuốc dễ dàng.

Khi các vấn đề về giấc ngủ xảy ra vì một vấn đề sức khỏe hoặc tình trạng thể chất, việc chữa trị tình trạng đó thường sẽ giải quyết chứng mất ngủ và làm giảm những rối loạn về giấc ngủ. Hãy đi khám bác sĩ để đánh giá tình trạng và bạn có thể thấy tình trạng mất ngủ của mình biến mất. Nếu tình trạng vẫn chưa được cải thiện, hãy đến gặp một chuyên gia về giấc ngủ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top