Trầm cảm sau sinh liên quan tới những cảm xúc, trạng thái tâm lý buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, lo âu... Nếu người chồng không thấu hiểu, để thông cảm và chia sẻ với vợ, thì tình trạng trầm cảm sau sinh có thể diễn biến xấu…
Những yếu tố gia tăng tình trạng trầm cảm sau sinh
Sau khi trải qua cơn vượt cạn, người phụ nữ thường kiệt sức về mặt thể lực. Đặc biệt là những người sinh mổ hoặc có những biến chứng lúc sinh. Sau khi sinh, người mẹ phải thức khuya cho bé bú… cùng những căng thẳng khác: trường hợp thai kỳ không như ý, bé sinh non, bé bị dị tật…
Những gia đình thiếu điều kiện kinh tế; cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc bé; thiếu những sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội… là những yếu tố làm gia tăng tình trạng trầm cảm của người mẹ sau khi sinh con.
Biện pháp phòng ngừa trầm cảm sau sinh
Phòng ngừa vẫn tốt hơn điều trị, vì vậy sau khi sinh bạn cần chú ý những vấn đề sau:
Môi trường sống
Nếu có thể bạn nên về ngoại (mẹ đẻ) ở một thời gian, đặc biệt là trong những tháng đầu sau sinh. Mặc dù không phải là mẹ chồng không đủ khả năng chăm sóc cho con và cháu mình. Nhưng khi người phụ nữ sinh con, rất yếu ớt và mỏng manh, do đó khi có mẹ ruột - người luôn hiểu con gái của mình hơn sẽ giúp được nhiều cho con gái.
Hơn nữa, việc trao đổi giữa con gái và mẹ ruột cũng dễ dàng hơn. Con gái có thể nhờ sự giúp đỡ của mẹ ruột mà không e ngại điều gì. Trong thực tế, con dâu thường e ngại khi muốn nhờ mẹ chồng làm giúp việc này việc nọ, dù được mẹ chồng rất thương yêu.
Ngoài ra, khi về nhà mẹ đẻ, sản phụ có thể dễ dàng nhận được sự trợ giúp của những người thân khác (chị em gái, bạn…)
Nếu đã có nhà riêng có thể nhờ mẹ hoặc chị em ruột lên ở cùng và giúp bạn chăm sóc cho bé trong giai đoạn đầu.
Thay đổi chính bản thân
Trước khi sinh, sản phụ và chồng nên tham gia vào các lớp học tiền sản, chăm sóc bé… để đỡ lo lắng khi gặp những vấn đề khó khăn lúc chăm sóc trẻ sơ sinh.
- Sản phụ cần được tin tưởng và luôn nghĩ rằng thời gian mang thai và sinh con có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Việc mang thai và sinh nở sẽ trôi qua chứ không trở lại. Vì vậy, những ngày tháng ở nhà chăm sóc cho bé là những ngày hạnh phúc nhất.
- Nên chụp hình bé để so sánh thấy sự phát triển của bé hàng ngày và bạn sẽ thấy mình có niềm vui.
- Cho con bú mẹ cũng là một cách tăng tình cảm mẹ con.
- Dù cho con con nhỏ, sản phụ cũng nên đi ra ngoài nhiều hơn. Hãy đi mua sắm, tụ tập bạn bè ăn uống, hay đơn giản chỉ là chạy xe vòng vòng thành phố . Nếu điều kiện cho phép, có thể mang theo cả bé. Nếu sản phụ chỉ ru rú ở nhà và luẩn quẩn với những việc đơn điệu sẽ nhàm chán và xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực.
- Dành chút thời gian rảnh làm những điều mình thích (đọc sách, xem phim…) mà trước đây mình chưa làm được.
- Tăng cường "tám" với người thân, bạn bè, tham gia các hội để trao đổi kiến thức về chăm sóc cho bé (nhớ chọn hội có uy tín…)
- Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực nhất là đối với người chồng: sao anh ấy không về sớm, sao anh ấy không tiếp mình, sao mình nói mà anh ấy không nghe.
Thời điểm này người phụ nữ rất yếu đuối về thể xác và tinh thần, nên hãy chủ động đừng để những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến bạn. Mấy chuyện liên quan đến chồng, "để sau này sẽ tính"...
Đối với người chồng
- Nên cùng vợ tham gia vào các lớp học tiền sản, chăm sóc bé... để có thể tiếp sức cho người vợ của mình.
- Chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con với vợ, nhất là ban đêm để vợ có một giấc ngủ ngon.
- Mỗi tuần phải có ít nhất một buổi chăm sóc cho bé hoàn toàn để vợ đươc nghỉ ngơi và có thời gian để thể thoải mái làm những điều họ thích.
- Tránh càu nhàu, cằn nhằn với vợ vì bất cứ nguyên nhân gì…
Chúng ta đều biết, có con là niềm hạnh phúc lớn lao trong mỗi gia đình. Việc khó khăn trong giai đoạn sinh nở của người phụ nữ có thể nhanh chóng qua đi hay trở nên nặng nề hơn, phụ thuộc rất nhiều vào cách sản phụ và người thân cùng nhau vượt qua giai đoạn đó.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh