Tại sao đường lại ảnh hưởng đến não?

Nội dung

Chúng ta đều biết rằng nước ngọt có gas hoặc các loại nước hoa quả thêm đường đều không có lợi cho vòng eo hoặc vấn đề răng miệng của con người. Mặc dù vậy, một nghiên cứu mới đã khẳng định rằng tác hại của đường đối với sức khỏe không chỉ có vậy, thức đồ ngọt này còn có thể tác động trực tiếp đến bộ não của chúng ta, đặc biệt là những đứa trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt từ nhỏ.

Cụ thể, các chuyên gia dược phẩm đến từ đại học New South Wales (Australia) đã phát hiện ra rằng những thay đổi tại vùng não kiểm soát hành vi cảm xúc và chức năng nhận thức do việc tiêu thụ nhiều đường nghiêm trọng không kém gì những gì trạng thái stress hay căng thẳng gây ra. Thực tế, khoa học đã chứng mình rằng việc bộ não phải trải nghiệm những trạng thái như căng thẳng cực độ hay bị quấy rối tinh thần từ khi còn nhỏ sẽ dẫn tới rối loạn sức khỏe tâm thần sau này.

Những sự kiện gây chấn động tâm lý như tai nạn, chứng kiến ​​hoạt cảnh tang thương, thiên tai, lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình, trở thành nạn nhân của các vụ phạm tội đều khiến cơ thể con người - cụ thể là tuyến thượng tận - tiết ra một loại hormone kiểm soát căng thẳng với nồng độ cao mang tên cortisol. Ban đầu, tuyến thượng thận tiết ra adrenaline làm giảm căng thẳng ngay tức thời, làm tăng nhịp tim và huyết áp. Sau đó, tuyến thượng thận tiết ra khá nhiều cortisol để kiểm soát stress lâu dài.

Giống như adrenaline, cortisol có xu hướng tăng lượng đường, một phần thông qua khả năng điều khiển quá trình chuyển các nhiên liệu không có đường như acid amin (nguyên liệu chính tạo protein) thành glucose.

Ngoài ra, hormone này cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều khiển hoạt động của hệ miễn dịch. Để theo dõi ảnh hưởng của đường tới não trên những con chuột Sprague-Dawley, giáo sư Dược học Margaret Morris và tiến sỹ hỗ trợ nghiên cứu Jayanthi Maniam đã thực hiện một quá trình nghiên cứu kỳ công trên những con chuột mới sinh cho đến khi chúng trưởng thành.

Ngay sau khi được sinh ra, một nửa lứa chuột này đã được nuôi trong những lồng kính nhỏ và chật hẹp từ 2 đến 9 ngày trước khi đưa chúng về với môi trường nuôi thông thường trong thời kỳ cai sữa. Hai nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc phải sống trong môi trường hẹp đã khiến chuột mẹ có những biểu khác thường như ít di chuyển hơn cho dù đã về với một chiếc lồng thoải mái, thậm chí chuột con cũng tỏ ra lười ăn hơn.

Sau khi cai sữa, các nhà khoa học đã chia đôi số chuột trong 2 trường hợp nuôi lồng to và nuôi lồng bé thành hai nhóm: một nhóm được nuôi dưỡng bằng thức ăn ít chất béo và nước uống, nhóm còn lại cũng có thực đơn như vậy và thêm 25% lượng đường tối đa mà chúng có thể hấp thụ.

Cho dù ăn ít hơn trước khi được cai sữa, nhóm chuột bị nhốt trong lồng bé đã xóa bỏ mọi khác biệt về kích thước phát triển - tức là chúng đã phát triển đến kích thước tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, những con chuột ăn thêm đường đã được ghi nhận là tiêu thụ nhiều calorie hơn.

Khi tất cả số chuột đạt 15 tuần tuổi, các nhà khoa học tiến thành kiểm tra bộ não của chúng bằng phương pháp điện não đồ và siêu âm. Đội ngũ nghiên cứu tập trung vào khu vực hồi hải mã (hippocampus) - một phần của não trước, là một cấu trúc nằm bên trong thuỳ thái dương.

Nó tạo thành một phần của hệ thống Limbic và có liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin và hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn và khả năng định hướng trong không gian. Khu vực này có vai trò quan trọng trong việc điều tiết bộ nhớ và căng thẳng. Tổng cộng 4 nhóm chuột đã được kiểm tra: sống lồng lớn không ăn đường, sống lồng lớn ăn đường, sống lồng nhỏ không ăn đường, sống lồng nhỏ ăn đường.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những thay đổi ở vùng hải mã ở những con chuột trong nhóm sống lồng lớn ăn đường không có nhiều khác biệt so với kết quả họ thu được từ nhóm chuột sống lồng nhỏ không ăn đường.

Từ đó, đội ngũ nghiên cứu khẳng định rằng việc phải trải nghiệm stress sớm và hấp thụ đường đã giảm khả năng biểu hiện của những thụ thể liên kết với hormone cortisol - như đã đề cập phía trên chúng có vai trò điều tiết căng thẳng cũng như hỗ trợ bộ não trở lại trạng thái bình thường sau khi bị stress.

Ngoài ra, họ cũng phát hiện rằng tác động của căng thẳng và đường đã làm suy giảm số lượng mã gen kích thích sự phát triển của tế bào thần kinh mang tên Neurod1.

Thêm vào đó, một số mã gen khác liên quan đến sự phát triển của não cũng đã được nghiên cứu và chứng minh rằng bị suy giảm khả năng hoạt động nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều đường. Mặc dù vậy, nghiên cứu này vẫn chưa thể đào sâu thêm tác động trong thời gian dài của stress và đường đối với vùng hải mã.

Giáo sư Margaret Morris cho biết thực trạng giới trẻ trong độ tuổi 9 đến 16 đang tiêu thụ đường một cách thiếu kiểm soát chính là động lực thúc đẩy để bà cùng đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu này.

Bà cũng khẳng định rằng nếu mô hình trên chuột có thể áp dụng thành công với người thì đây sẽ là hồi chuông cảnh báo đối với thói quen sinh hoạt khá bừa bãi hiện này của nhiều thanh thiếu niên.

Thực tế, giới khoa học đã nhận định ý tưởng về việc kiểm chứng tác động của đường và stress dẫn tới sự suy giảm của một số mã gen liên quan đến sự phát triển của bộ não là rất đáng lưu tâm.

Cho dù việc thực hiện nghiên cứu trên người vẫn chưa thể tiến hành, các mạch tín hiệu thần kinh trên não kiểm soát phản ứng với stress và thức ăn được bảo tồn giữa các loài. Điều đó có nghĩa là tác động của đường đối với não người giống như não chuột là hoàn toàn có cơ sở.

Hiện tại, các nhà khoa học đã biết được rằng những người đối mặt với chấn thương tâm lý lúc còn nhỏ sẽ có những thay đổi cấu trúc trong vùng hải mã của mình. Trong khi đó, những người sử dụng bữa ăn quen thuộc kiểu Mỹ hiện nay - uống nước ngọt có gas, ăn đồ ăn nhanh - đều sở hữu vùng hải mã có kích thước nhỏ hơn bình thường, tức là có nhiều điểm tương đồng khi so sánh với dữ liệu của thí nghiệm này.

Tóm lại, nghiên cứu này sẽ là cơ sở để giới khoa học phát hiện thêm những tác động lâu dài của việc tiêu thụ quá nhiều đường đối với bộ não, bên cạnh những tác hại đối với sức khỏe mà ai cũng đã biết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top