✴️ Cách điều trị sỏi bàng quang – nhận biết những triệu chứng thường gặp

Nội dung

Cách điều trị sỏi bàng quang phụ thuộc vào kích thước, tình trạng sỏi đang ở mức độ nào. Tìm hiểu thông tin về các phương pháp xử lý sỏi sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc thăm khám và điều trị, từ đó loại bỏ sỏi nhanh chóng và nhẹ nhàng.

 

1. Sỏi bàng quang và những triệu chứng thường gặp

Sỏi bàng quang có thể được hình thành tại bàng quang do các tinh thể từ nước tiểu lắng cặn lạ nhưng đa phần là do từ thận rơi xuống. Sỏi thận rơi xuống bàng quang thường có kích thước nhỏ, không gây ra triệu chứng đáng kể. Theo thời gian, những viên sỏi này phát triển lớn hơn, người mắc sỏi sẽ bắt gặp một số triệu chứng như:

– Tiểu ngắt quãng: Dòng nước tiểu bỗng dưng ngưng lại, nếu thay đổi tư thế lại có thể đi tiểu bình thường. Nam giới thường bị đau dương vật

– Đái rắt: Khi sỏi di chuyển, kích ứng lên bàng quang đặc biệt khi bệnh nhân vận động nhiều vào ban ngày sẽ xuất hiện hiện tượng đái rắt.

– Màu sắc nước tiểu bất thường, có màu đỏ do máu

– Người bệnh mắc chứng tiểu buốt, đau đớn khi đi tiểu

– Đau vùng bụng phía dưới

Những triệu chứng này xảy ra khi sỏi lớn, nhiều góc cạnh, cọ xát vào bàng quang gây đau đớn. Sỏi cũng theo đường tiểu để ra ngoài nhưng kẹt lại ở niệu đạo khiến bệnh nhân không đi tiểu được bình thường. Khi xuất hiện những triệu chứng gây đau này, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng như rối loạn chức năng bàng quang, viêm nhiễm bàng quang, vô niệu, viêm thận…

Sỏi bàng quang có thể kẹt ở niệu đạo gây đau đớn và tiểu buốt, tiểu rắt

 

2. Cách điều trị sỏi bàng quang

2.1. Cách điều trị sỏi bàng quang nhỏ, niệu đạo thông thoáng

Sỏi trong trường hợp này chưa cần can thiệp ngoại khoa mà cần thực hiện đồng thời 3 chỉ định sau:

– Uống nhiều nước. Có thể thúc đẩy việc sỏi ra ngoài theo đường tiểu. Lượng nước cần bổ sung là từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Nước có tác dụng làm loãng nước tiểu, đẩy sỏi qua niệu đạo, ngăn ngừa sự kết tinh của các tinh thể cặn bã tại bàng quang. Hãy đảm bảo nước có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ, vệ sinh.

– Dùng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Các loại thuốc giảm đau, giãn cơ, thuốc lợi tiểu…giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu, hỗ trợ đẩy sỏi ra ngoài theo đường tiểu. Lưu ý dùng thuốc theo đơn, không tự ý mua các loại thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

– Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Việc uống thuốc và uống nước đủ hằng ngày cần kết hợp với một chế độ dinh dưỡng phù hợp thì mới có thể đẩy nhanh sỏi ra  ngoài. Bạn cần nghiêm túc thực hiện các tư vấn của bác sĩ về các thực phẩm nên ăn, thực phẩm nào cần hạn chế khi mắc sỏi bàng quang.

2.2. Cách điều trị sỏi bàng quang lớn

Nếu sỏi điều trị nội khoa không hiệu quả, sỏi có kích thước lớn không thể ra ngoài theo đường tiểu, bác sĩ sẽ có chỉ định tán sỏi nội soi ngược dòng. Đây được coi là giải pháp công nghệ cao thay thế mổ mở, an toàn, hiệu quả và phục hồi nhanh.

Trước hết bệnh nhân sẽ thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác đủ điều kiện tán sỏi. Một ca tán sỏi nội soi ngược dòng sẽ được tiến hành trong phòng mổ vô khuẩn 1 chiều.  Với phương pháp này, bác sĩ sẽ luồn ống nội soi qua niệu đạo, tiến vào bàng quang của bệnh nhân. Sau đó tìm đến vị trí chính xác của sỏi, dùng năng lượng laser cực lớn để bắn vỡ sỏi. Những mảnh vụn sỏi sau đó sẽ được bơm hút ra ngoài. Bác sĩ sẽ quan sát màn hình siêu âm tránh sót sỏi trong quá trình tán. Nguồn năng lượng laser chỉ tác động tới sỏi mà không gây tổn thương đến các cơ quan lân cận. Phương pháp tán sỏi nội soi cũng đi vào theo đường “tự nhiên” nên bệnh nhân hoàn toàn không có vết mổ, không đau đớn. Sau khi tán xong, bệnh nhân cần được theo dõi trong phòng bệnh tầm 24h là có thể về nhà.

Trường hợp bị hẹp niệu đạo bẩm sinh… không thể tán sỏi ngược dòng, bệnh nhân sẽ được tư vấn mổ mở. Tuy nhiên hiện nay, trong điều kiện thông thường thì tán sỏi ngược dòng gần như đã thay thế mổ mở.

 

3. Phòng ngừa hình thành và tái phát sỏi bàng quang

Một số thói quen đơn giản hằng ngày sẽ ngăn chặn được sự hình thành và tái phát của sỏi tiết niệu nói chung và sỏi bàng quang nói riêng.

Chế độ ăn uống phù hợp:

– Uống đủ nước mỗi ngày: đừng bao giờ quên cung cấp đủ nước cho cơ thể. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể sử dụng nước ép trái cây để bổ sung thêm vitamin và dưỡng chất. Không dùng nước trà (chè) đặc, cà phê… vì những đồ uống này có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi trong hệ tiết niệu.

– Các thực phẩm chứa nhiều oxalat cần hạn chế: Danh sách bao gồm socola, trà đen, đậu phộng…

– Bổ sung nhiều rau củ quả, tránh ăn nhiều muối và các loại thịt đỏ động vật.

– Nước uống chứa nhiều cam, chanh tươi rất tốt cho người mắc sỏi tiết niệu. Vì chúng chứa nhiều citrat, chống lại quá trình hình thành sỏi.

Chế độ sinh hoạt hợp lý, lành mạnh:

– Ngăn ngừa sỏi bằng cách vận động hằng ngày, tránh để cơ thể béo phì. Các chất có nguy cơ hình thành sỏi như natri… sẽ được loại bỏ thông qua quá trình tập luyện thúc đẩy trao đổi chất. Đồng thời, việc luyện  tập cũng góp phần chuyển hóa canxi vào xương, ngăn chặn nguy cơ tạo thành sỏi. Đặc biệt, người thừa cân có khả năng mắc sỏi cao nên tốt nhất nên duy trì cân nặng ở mức vừa phải.

Tái khám định kỳ theo kế hoạch:

– Điều trị khỏi sỏi bàng quang không có nghĩa người bệnh được chủ quan. Hãy nhớ tái khám theo chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn sự hình thành và tái phát sỏi.

Các cách điều trị sỏi bàng quang đã được trình bày cụ thể trong bài viết này. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, sỏi cũng cần được điều trị sớm nếu không sẽ tổn hại sức khỏe, gây ra  khó chịu và đau đớn hằng ngày. Bạn nên có thói quen thăm khám sức khỏe để kịp thời phát hiện sỏi. Sỏi bàng quang phát hiện sớm sẽ thì việc điều trị cũng nhẹ nhàng và đỡ tốn kém hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top