Đây là một trong số các bệnh tự miễn dịch thường gặp nhất, đặc biệt là ở chủng người da vàng và người da đen. Bệnh có thể gây tổn thương hầu hết các hệ thống cơ quan trong cơ thể nhưng thận là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất, với khoảng 30 - 75% số bệnh nhân có biểu hiện viêm cầu thận trong quá trình mang bệnh và khoảng 25-50% số bệnh nhân có tổn thương thận ngay trong giai đoạn đầu của bệnh. 45-65% các trường hợp viêm cầu thận lupus có các biểu hiện nặng như hội chứng thận hư, đái máu hoặc suy thận.
Tỷ lệ suy thận giai đoạn cuối phải ghép thận hoặc lọc máu sau 5 năm ở các bệnh nhân viêm cầu thận lupus là 8-17% và sau 10 năm là 16-26%, nguy cơ cao nhất là ở các bệnh nhân có viêm cầu thận tăng sinh, đặc biệt tăng sinh lan toả. Cho dù được điều trị, vẫn có khoảng 15% số bệnh nhân viêm cầu thận lupus bị suy thận giai đoạn cuối.
Trong vài thập kỷ gần đây, số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối do viêm cầu thận lupus vẫn liên tục gia tăng cho dù việc điều trị kiểm soát bệnh nói chung và viêm cầu thận lupus nói riêng đã đạt được rất nhiều tiến bộ. Phác đồ điều trị kinh điển cho viêm cầu thận lupus là phối hợp một loại glucocorticoid (như prednisolone, prednisone) với một thuốc ức chế miễn dịch (như azathioprine, cyclosporin A hoặc cyclophosphamide).
Mặc dù tỷ lệ thành công của các phác đồ này khá cao (khoảng 80- 85% các trường hợp), nhưng rất nhiều bệnh nhân phải rút lui khỏi điều trị do các độc tính nặng nề của thuốc như ức chế tuỷ xương, nhiễm độc thận, viêm bàng quang chảy máu hoặc suy chức năng buồng trứng dẫn đến vô sinh…
Đây là lý do khiến các nhà khoa học đã tốn nhiều công sức nghiên cứu và thử nghiệm các loại thuốc mới, nhằm tìm ra những phác có hiệu quả cao hơn và ít độc tính hơn để thay thế các phương pháp điều trị cổ điển trong điều trị viêm cầu thận lupus.
Trong khoảng vài thập kỷ gần đây, điều trị và dự phòng các biến chứng nặng của viêm cầu thận lupus luôn là một vấn đề thời sự y học rất được quan tâm. Dưới đây là một số loại thuốc và phương pháp điều trị mới đã và đang được nghiên cứu thử nghiệm trong điều trị viêm cầu thận lupus.
Mycophenolate Mofetil (MMF), một loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng trong chống thải ghép tạng, đã được thử nghiệm rất thành công trong điều trị các trường hợp viêm cầu thận lupus nặng từ năm 1996 đến nay. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, MMF có khả năng lui bệnh cao hơn so với các thuốc cổ điển.
Ngoài ra, thuốc còn có hiệu quả tốt cả ở những bệnh nhân không đáp ứng với các phác đồ cổ điển như cyclophosphamide hoặc azathioprine phối hợp với prednisolone. Độc tính của thuốc cũng thấp hơn đáng kể so với các thuốc ức chế miễn dịch cổ điển, thường gặp nhất là buồn nôn, đi ngoài phân lỏng và tăng nguy cơ nhiễm trùng, các độc tính có thể gây tử vong rất ít gặp.
Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, khả năng tái phát của viêm cầu thận lupus sau khi ngừng MMF là cao hơn so với các thuốc cổ điển. Liều tối ưu cũng như hiệu quả lâu dài của thuốc trong điều trị viêm cầu thận lupus hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Ngoài ra, thuốc cũng có giá thành điều trị tương đối đắt.
Rituximab là một loại kháng thể đơn dòng kháng kháng nguyên CD20 trên bề mặt tế bào lympho B, từ đó gây chết các tế bào này và có tác dụng ức chế miễn dịch. Thuốc thường được chỉ định trong điều trị các bệnh máu ác tính như bệnh bạch cầu, u lympho, và hiện đang được thử nghiệm ngày càng rộng rãi trong điều trị các bệnh dị ứng và tự miễn dịch.
Những nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của Rituximab trong điều trị viêm cầu thận lupus được thực hiện từ năm 2002 và đã thu được những kết quả bước đầu tương đối khả quan.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này còn tương đối nhỏ, thời gian theo dõi chưa đủ dài, cách thức tiến hành và liều dùng của thuốc không thống nhất nên hiện chưa đủ bằng chứng để khẳng định tác dụng của Rituximab đối với viêm cầu thận lupus. Cho đến khi có đầy đủ thông tin, Rituximab chỉ nên được sử dụng trong điều trị viêm cầu thận lupus ở những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc điều trị kinh điển hoặc có chống chỉ định với các thuốc này.
Immunoglobulin (truyền tĩnh mạch) có tác dụng điều hoà miễn dịch và do đó được sử dụng ngày càng rộng rãi trong điều trị các bệnh tự miễn dịch. Thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị nhiều biểu hiện nặng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống như giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, tổn thương thần kinh trung ương và viêm cầu thận.
Một số trường hợp viêm cầu thận lupus nặng kháng các thuốc điều trị kinh điển đã đáp ứng tốt với Immunoglobulin truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân viêm cầu thận lupus có đáp ứng với thuốc này cũng như hiệu quả lâu dài của thuốc còn chưa được biết một cách chính xác. Ngoài ra, thuốc có giá thành rất cao và có khả năng gây nhiễm độc thận, do đó, cần được sử dụng một cách thận trọng và phải đảm bảo cung cấp đủ dịch cho cơ thể trong thời gian dùng thuốc.
Tacrolimus (FK-506) là một thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế miễn dịch thông qua cơ chế ức chế calcineurin. Thuốc thường được sử dụng trong chống thải ghép nhiều loại tạng đặc. Gần đây, một số tác giả đã có những nghiên cứu đánh giá tác dụng của loại thuốc này trong điều trị các trường hợp viêm cầu thận tăng sinh lan toả do lupus và nhận thấy thuốc có hiệu quả tương đương với các thuốc ức chế miễn dịch cổ điển nhưng ít tác dụng phụ hơn, chủ yếu là các rối loạn chuyển hoá thoáng qua, giảm bạch cầu và các biểu hiện nhiễm độc thần kinh.
Hiện nay, các nghiên cứu quanh vấn đề điều trị viêm cầu thận lupus vẫn đang tiếp diễn nhằm tìm câu trả lời cho các vấn đề còn chưa có lời giải chính xác về hiệu quả của các thuốc kể trên. Bên cạnh đó, với những hiểu biết ngày càng tăng về cơ chế bệnh sinh của bệnh lupus ban đỏ hệ thống nói chung cũng như viêm cầu thận lupus nói riêng, một loạt những hướng đi mới cũng đã và đang được thử nghiệm nhằm tìm ra những phương pháp điều trị có tính hiệu quả và độ an toàn cao hơn những thuốc hiện tại.
Hướng đi đang được nghiên cứu rộng rãi nhất là việc sử dụng các loại kháng thể đơn dòng như kháng thể kháng CD40 ligand, các kháng thể kháng cytokine (interleukin- 6, interleukin-10 và TNF-) và kháng thể kháng bổ thể. Ghép tuỷ xương hoặc ghép tế bào gốc cũng là một hướng đi có nhiều triển vọng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh