Để biết nguyên nhân nào khiến trẻ lớn đái dầm, điều đầu tiên bạn cần biết là các loại đái dầm ở trẻ.
Đái dầm có thể là đái dầm tiên phát (primary) và đái dầm thứ phát (secondary). Đái dầm tiên phát là khi trẻ thường xuyên đái dầm, kể từ khi còn rất nhỏ và chưa bao giờ trẻ thôi đái dầm cả. Ví dụ, nếu trẻ đã 7 tuổi nhưng vẫn thường xuyên đái dầm kể từ khi còn nhỏ, chưa bao giờ ngừng cả, thì đó là đái dầm tiên phát. Tuy nhiên, nếu trẻ đã ngừng một thời gian (ít nhất 6 tháng) nhưng sau đó lại tiếp tục đái dầm, thì đó là đái dầm thứ phát.
Đái dầm là một hiện tượng vô cùng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thông thường, đa số trẻ đều sẽ bỏ được tật đái dầm khi trẻ lên 3 tuổi. Một số ít trẻ khác sẽ bỏ được tật đái dầm khi lên 5 tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ lại vẫn tiếp tục đái dầm khi đang học tiểu học, thậm chí là sau 7 tuổi. Đái dầm tiên phát có thể có nguyên nhân như sau:
Quá trình phát triển bị tạm ngừng: là nguyên nhân phổ biến nhất của đái dầm tiên phát. Thông thường, cơ thể sẽ phát triển khả năng kiểm soát bàng quang để trẻ “đi tè” sau khi đã thức dậy. Nhưng với một số trẻ, khả năng kiểm soát này không phát triển hoặc phát triển chậm, do vậy, trẻ không thể giữ nước tiểu trong bàng quang vào buổi tối, dẫn đến đái dầm.
Ngủ sâu: những trẻ ngủ rất sâu đôi khi sẽ bị “bỏ lỡ” tín hiệu của não bộ truyền tới bàng quang thông báo rằng bàng quang đã đầy, và do vậy, dẫn đến tình trạng đái dầm.
Thói quen đại tiểu tiện không tốt trong suốt cả ngày có thể là một trong số những nguyên nhân chính gây đái dầm. Những trẻ mải vui chơi trong suốt cả ngày và quên đi chuyện “đi tè” có thể sẽ khiến trẻ có nhu cầu “đi tè” nhiều hơn vào buổi tối.
Hormone chống bài niệu (ADH) sẽ khiến cơ thể không thải ra nước tiểu vào buổi tối. Nếu cơ thể trẻ không sản xuất ra đủ loại hormone này thì sau đó cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều nước tiểu hơn vào buổi tối. Cùng với việc không kiểm soát được bàng quang, tình trạng này có thể dẫn đến đái dầm ở trẻ lớn.
Bất thường về cấu trúc giải phẫu cũng có thể dẫn đến tình trạng đái dầm.
Đôi khi, yếu tố di truyền cũng là lý do của tình trạng đái dầm. Theo một số nghiên cứu, trong gia đình mà cả bố mẹ mắc phải tình trạng tiểu đêm thì 44% số trẻ sẽ phát triển tình trạng đái dầm.
Một số trẻ, thậm chí là cả người lớn có bàng quang nhỏ hơn, do vậy, họ sẽ gặp khó khăn trong việc giữ lượng nước tiểu thông thường. Sự co thắt cơ cũng là một lý do khác khiến trẻ không kiểm soát được bàng quang.
Trẻ lớn sau khi trải qua giai đoạn biến động về hormone có thể sẽ gây ảnh hưởng đến lượng hormone ADH. Tình trạng này có thể sẽ dẫn đến việc tăng sản xuất nước tiểu trong khi ngủ và gây nên đái dầm.
Các vấn đề sức khỏe tiểm ẩn, ví dụ như bệnh tiểu đường, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và táo bón có thể làm tăng số lần trẻ “đi tè” ban đêm. Bất thường ở hệ thần kinh cũng có thể gây ra các vấn đề về thần kinh, thiếu kiểm soát, bao gồm cả đái dầm.
Các vấn đề về tâm lý, ví dụ như lo âu và căng thẳng đôi khi có thể gây ra tình trạng đái dầm thứ phát ở trẻ lớn. Nếu không giải quyết sớm tình trạng này, thì đái dầm sẽ trở thành một thói quen khó sửa, thậm chí kéo dài đến cả giai đoạn trưởng thành. Và ngược lại, việc đái dầm quá thường xuyên cùng với việc bị cha mẹ quát mắng, cũng sẽ khiến trẻ lo lắng, căng thẳng hơn, dẫn đến một vòng xoắn làm nặng hơn tình trạng đái dầm.
Sử dụng caffeine cũng có thể làm tăng nhu cầu đi tè của trẻ. Nếu trẻ uống đồ uống có chứa caffeine trước khi đi ngủ, thì rất có thể bàng quang của trẻ sẽ đầy trước khi thức dậy và trẻ sẽ đái dầm vào ban đêm.
Nếu trẻ nhà bạn đã lớn mà vẫn còn đái dầm, trước hết hãy xác định đó là loại đái dầm nào và sau đó, có thể sẽ điều chỉnh các thói quen ở trên. Nếu sau khi điều chỉnh, trẻ vẫn còn đái dầm, bạn có thể sẽ cần phải đưa trẻ đến gặp bác sỹ nhi khoa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh