✴️ Bệnh xuất huyết tiêu hóa: Cách ngăn ngừa nguy cơ tái phát

1. Khái niệm và phân loại xuất huyết tiêu hóa

1.1. Định nghĩa bệnh xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa (hay chảy máu tiêu hóa) là tình trạng máu chảy vào trong ống tiêu hóa sau khi thoát ra khỏi lòng mạch. Bất cứ phân đoạn nào của đường tiêu hóa cũng có thể bị xuất huyết, như thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già hay hậu môn.

Hiện tượng chảy máu tại đường tiêu hóa thường là hệ quả của việc không kiểm soát các bệnh lý có liên quan đến hệ thống cơ quan tiêu hóa. Mức độ chảy máu nhẹ hay nặng tùy thuộc vào tổn thương tại niêm mạc đường tiêu hóa.

Chảy máu tiêu hóa là một trong những tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị sốc trong trường hợp xuất huyết nặng. Bệnh có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp xử trí kịp thời.

Xuất huyết tiêu hóa là cấp cứu y tế nghiêm trọng, cần can thiệp điều trị kịp thời

 

1.2. Phân loại bệnh xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa được chia thành 2 dạng, căn cứ vào vị trí chảy máu trong ống tiêu hóa, gồm:

– Xuất huyết đường tiêu hóa trên: Tình trạng chảy máu kích hoạt giữa khu vực thực quản và vị trí D4 trên dây chằng Triez. Ranh giới này cũng chính là đường phân chia tá tràng và hỗng tràng.

– Xuất huyết đường tiêu hóa dưới: Chảy máu trong đoạn từ dây chằng Triez đến hậu môn.

 

2. Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa

Chảy máu tiêu hóa có thể được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi và thăm khám trực tiếp, trường hợp điển hình sẽ có các biểu hiện: nôn ra máu, xuất hiện các dấu hiệu mất máu cấp, đi ngoài phân đen.

Trong khi đó, ở trường hợp không điển hình, người bệnh chỉ có biểu hiện mất máu cấp. Các triệu chứng điển hình khác không được nhận thấy. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng như:

– Đặt ống thông dạ dày, không loại trừ chẩn đoán nếu không có máu.

– Kiểm tra trực tràng để tìm triệu chứng phân đen.

– Kết hợp nội soi dạ dày – tá tràng trong trường hợp nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa trên. Mặt khác, thực hiện nội soi đại trực tràng nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa dưới.

 

3. Đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ chảy máu tái phát

Hướng điều trị của tình trạng xuất huyết tiêu hóa phụ thuộc vào mức độ nặng của từng trường hợp. Do đó, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám để xác định mức độ của bệnh. Bên cạnh đó, nguy cơ tái phát của bệnh cũng có thể được phát hiện. Bác sĩ đưa ra kết luận dựa vào các dấu hiệu sau:

– Tình trạng xuất huyết đang tiếp diễn hoặc tái phát: Mạch có dấu hiệu tăng dần; huyết áp có sự dao động, bị kẹt hoặc tụt dần bảng phân loại Forrest hoặc thang điểm Rockall.

 

4. Lưu ý đối với người nghi ngờ bị xuất huyết tiêu hóa

Người bệnh nên chủ động đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị ngay khi phát hiện các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa. Việc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa cần được tiến hành càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Thêm vào đó, người bệnh cần dừng sử dụng một số loại thuốc Tây khiến tình trạng chảy máu trở nên trầm trọng hơn. Các loại thuốc được khuyến cáo ngừng sử dụng gồm:

– Thuốc làm loãng máu như Warfarin: Đây là nhóm thuốc có thể làm quá trình đông máu tự nhiên bị gián đoạn. Điều này làm tăng nguy cơ xuất huyết cũng như khiến mức độ xuất huyết nghiêm trọng hơn.

– Aspirin là loại thuốc có thể làm gián đoạn quá trình lưu thông tiểu cầu. Nó cũng chính là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh cần ngừng dùng thuốc cho đến khi các triệu chứng chảy máu tiêu hóa đã được chữa khỏi hoàn toàn.

– Ibuprofen và các loại NSAID khác có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu tiêu hóa ở nhiều người bệnh. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ nếu thường xuyên phải dùng các loại thuốc này, cân nhắc ngừng sử dụng hoặc thay đổi loại thuốc.

 

5. Điều cần nhớ khi chăm sóc người bệnh xuất huyết tiêu hóa

Người bị xuất huyết tiêu hóa cần lưu ý các vấn đề như sau trong việc chăm sóc:

– Dành thời gian nghỉ ngơi, nằm ngửa trên giường phẳng, giữ thẳng lưng, không kê gối trên đầu.

– Chườm khăn ấm lên bụng là cách đơn giản giúp giảm đau gây ra bởi triệu chứng của bệnh hoặc phẫu thuật.

– Đi lại nhẹ nhàng khi vết thương bắt đầu ổn định để thoải mái và thư giãn cơ thể. Cần chú ý tuyệt đối không di chuyển nhiều hoặc vận động mạnh.

– Hạn chế tối đa áp lực, giữ cho tinh thần được thư giãn, tránh căng thẳng cũng như các suy nghĩ tiêu cực. Người bệnh có thể thư giãn bằng cách đọc sách báo, nghe nhạc hoặc trò chuyện cùng người thân, bạn bè.

– Sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, canh hầm nhừ, súp, các loại sữa. Người bệnh cần tránh để bụng quá đói hoặc quá no, chỉ nên ăn lượng thức ăn ít trong mỗi bữa để giảm áp lực tiêu hóa.

Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý và có chế độ ăn uống khoa học

 

6. Giải pháp ngăn ngừa nguy cơ xuất huyết tiêu hóa tái phát

Mặc dù có thể được khắc phục hoàn toàn, nguy cơ tái phát tiêu hóa vẫn rất cao. Tình trạng chảy máu đặc biệt dễ lặp lại trong trường hợp các tổn thương ở niêm mạc đường tiêu hóa chưa lành hẳn.

Sau đây là các biện pháp dự phòng bệnh tái phát:

– Không dùng các chất kích thích và các thức uống chứa cồn (thuốc lá, rượu bia, trà đặc, cà phê,…). Các loại thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ/gia vị, đồ ăn quá lạnh/quá nóng cần được hạn chế tiêu thụ.

– Khẩu phần ăn cần bổ sung chất xơ bằng các loại rau củ quả tươi.

– Đáp ứng lượng nước mà cơ thể cẩn, tốt nhất uống đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để hệ tiêu hóa làm việc tối ưu.

– Ăn uống đúng giờ, đủ bữa, tuy nhiên nên chia nhỏ thành 5 – 6 bữa mỗi ngày thay vì 3 bữa chính để giảm áp lực cho hệ thống tiêu hóa.

– Sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn.; ưu tiên các món mềm loãng như cháo, súp khi niêm mạc tiêu hóa đang tổn thương.

– Duy trì lối sống lành mạnh cũng là việc cần làm để phòng bệnh tái phát: Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya sau 11 giờ đêm; rèn luyện thể dục, thể thao mỗi ngày để nâng cao đề kháng;…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top