✴️ Các biến chứng của viêm loét dạ dày – tá tràng và cách phòng ngừa

Nội dung

 

Các biến chứng thường gặp của viêm loét dạ dày – tá tràng bao gồm:

Xuất huyết dạ dày: là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất do vết loét ăn vào động mạch dạ dày tá tràng gây nên, có thể gây tử vong khi chảy lượng máu lớn một cách bất ngờ.

Thủng dạ dày: có thể gây rò rỉ thức ăn từ dạ dày vào khoang bụng. Thủng mặt trước dạ dày thường dẫn tới viêm phúc mạc cấp tính do hóa chất và vi khuẩn, thủng dạ dày mặt sau thường kèm theo chảy máu do động mạch dạ dày tá tràng nằm ở mặt sau.

Thủng và lan tỏa: xảy ra khi vết loét lây sang các bộ phận khác như gan, thận và tụy.

Ung thư dạ dày: viêm loét dạ dày – tá tràng do vi khuẩn H.Pylori gây ra có thể làm tăng 3 – 6 lần nguy cơ ung thư dạ dày.

Viêm loét dạ dày – tá tràng có thể gây ung thư dạ dày

 

Các phương pháp phòng ngừa biến chứng

Để điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Có chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp vệ sinh:

Ăn thức ăn mềm, ít có tác dụng cơ giới, ưu tiên các thức ăn tinh bột có tác dụng bọc, hút, thấm để bảo vệ niêm mạc dạ dày,

Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn và mỡ động vật. Nên ăn chất béo từ cá hoặc từ thực vật như đậu nành, dầu ô liu… giúp giảm kích thích tiết dịch vị và trung hòa axit như sữa, gạo nếp, bánh nếp, bánh mì, cơm, bánh quy…

Hạn chế dùng các loại thực phẩm kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị như ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạc, trái cây chua, dưa cà muối chua, thức ăn lên men như mắm, tương, chao; thịt nguội chế biến sẵn…

Tích cực bổ sung thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) để giúp vêt loét mau lành, bổ sung vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.

Người bệnh cần ăn uống hợp lý để phòng ngừa các biến chứng

 

2. Thực hiện chế độ ăn điều độ, nên ăn từ tốn và nhai kỹ, ăn đúng bữa, đúng giờ, không ăn quá khuya, ăn quá no hoặc nhịn đói quá lâu, không vận động mạnh sau khi ăn.

3. Kết hợp ăn uống với chế độ làm việc, nghỉ ngơi điều độ, tránh làm việc quá sức và căng thẳng kéo dài.

4. Tích cực điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đầy đủ và đúng giờ. Thông thường, người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng sẽ được chỉ định một số loại thuốc nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP, chống tăng tiết dịch vị và bao phủ niêm mạc để tránh tác dụng của dịch vị… Tùy theo tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp nhất cho người bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top